Top

Dự án BĐS vốn nước ngoài: Cái gì cũng… chậm

Cập nhật 29/03/2012 09:20

Đa số các dự án đề nghị điều chỉnh quy hoạch khiến dự án chậm tiến độ; việc cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà cho người mua chậm; chậm hoàn thiện các công trình hạ tầng; chậm giải ngân vốn cho dự án vì chỉ đăng ký để giữ chỗ… là tình trạng của nhiều dự án BĐS có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo UBND TP Hà Nội, trong số 95 dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đầu tư để hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản còn hiệu lực trên địa bàn Hà Nội, hiện có 88 dự án, chiếm khoảng 1.530,5ha đất, đã có quyết định cho thuê đất của cấp có thẩm quyền (7 dự án có Giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa có quyết định thuê đất). Trong số đó, có 3 dự án chủ đầu tư chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng.

Đến nay, có 82/88 dự án đã đưa vào sử dụng hoặc đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản, đạt 89%, trong đó 3 dự án triển khai không đúng tiến độ, 1 dự án không phù hợp quy hoạch đang tiến hành thủ tục bố trí di chuyển sang vị trí khác, 2 dự án đang làm thủ tục thu hồi do không khả thi.

UBND TP nhận định, nhìn chung, các dự án sử dụng đất đúng mục đích, tuy nhiên, vẫn có chủ đầu tư tự ý xây dựng sai quy hoạch được duyệt khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền như dự án Euroland của công ty TNHH TSQ Việt Nam tại khu đô thị Mỗ Lao, Hà Đông.

Ngoại trừ một số dự án quy mô diện tích nhỏ, chủ đầu tư đảm bảo tiến độ, còn lại phần lớn dự án đều có tiến độ chậm so với tiến độ được quy định tại giấy chứng nhận đầu tư. Ngoài một số dự án do có khó khăn trong công tác mặt bằng thì còn có một số chủ đầu tư sau khi nhận mặt bằng vẫn chậm triển khai xây dựng như dự án của công ty TNHH Booyoung Vina tại khu đô thị Mỗ Lao.

Đặc biệt, UBND TP Hà Nội cho biết, đa số các dự án trong quá trình triển khai xây dựng, chủ đầu tư đều đề nghị điều chỉnh quy hoạch làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Một số dự án đã chậm tiến độ trong xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng, như dự án khu đô thị Nam Thăng Long, mặc dù đã đưa vào sử dụng giai đoạn 1, đang xây dựng giai đoạn 2 nhưng việc đầu tư cho các công trình hạ tầng như trường học, công viên, hệ thống thoát nước… vẫn bị chậm.

Trong khi đó, vốn đầu tư của các dự án BĐS có vốn đầu tư nước ngoài được đánh giá là “luôn có một khoảng trễ” so với vốn đầu tư đăng ký (chỉ bằng 40% vốn đầu tư đăng ký). Nguyên nhân được xác định do nhà đầu tư đăng ký giữ chỗ, năng lực tài chính hạn chế, quá trình thực hiện dự án dài, nhà đầu tư khó khăn trong việc huy động vốn triển khai dự án do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.

Dự án Euroland của công ty TNHH TSQ Việt Nam tại khu đô thị Mỗ Lao, Hà Đông xây dựng sai quy hoạch được duyệt - ảnh: VnE

Chủ yếu đầu tư xây dựng để bán nhà


Thống kê các dự án BĐS trên địa bàn TP hiện nay cho thấy, các chủ đầu tư đa số chọn hình thức đầu tư xây dựng để bán. Trong khi đó, thị trường lại thiếu vắng loại hình nhà ở cho thuê. Nguyên nhân được chỉ ra là do các dự án này đầu tư vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài.

Tuy là các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam để đầu tư BĐS, sau đó lại bán cho chính người Việt Nam, nhưng thực tế cho thấy, các dự án này đã huy động một lượng khá lớn nguồn vốn từ trong nước. Cụ thể, nguồn vốn vay từ các ngân hàng trong nước là 13%, thêm 12% vốn được huy động từ khách hàng. Tổng số tiền huy động trong nước theo hai loại hình này lên đến hơn 900 triệu USD.

Một thủ tục rất quan trọng trong việc mua bán nhà, đó cấp giấy chứng nhận quyền sử hữu nhà cho người mua. Tuy nhiên, đối với các dự án BĐS có vốn đầu tư nước ngoài, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua thường bị các chủ đầu tư chậm thực hiện so với quy định.

Theo định hướng của UBND TP Hà Nội trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nhà ở, từ nay đến năm 2015, Hà Nội dự kiến sẽ từng bước đầu tư xây dựng đồng bộ các khu đô thị tại huyện Hoài Đức, Từ Liêm, Đông Anh, Mê Linh, Hà Đông.

Song với đó, Thành phố sẽ tiến hành chỉnh trang, hoàn thiện cải tạo, xây dựng tại các khu chung cư cũ trong khu vực nội đô như Nguyễn Công Trứ, Kim Liên…, cải tạo, bảo tồn khu phố cổ, phố cũ.

Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu xây mới nhà ở đạt 12,5-15 triệu m2, diện tích bình quân nhà ở đạt tính trên đầu người đạt 23-24m2. Đặc biệt, đối với nhà ở xã hội, bao gồm nhà cho thuê, thuê mua, thu nhập thấp, Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng 15.500 căn (tương đương 1,1-1,5 triệu m2)…

Thống kê 3 năm gần đây (2007 – 2010) cho thấy, tổng nộp ngân sách nhà nước đạt khoảng 35.931 tỷ đồng (tương đương 1,8 tỷ USD), trong đó chủ yếu là thuế VAT (chiếm 43%); thuế Thu nhập doanh nghiệp (48%).

Mỗi ha đất công nghiệp tại Hà Nội bình quân tạo việc làm mới cho 80 người, tạo ra gần 50 tỷ đồng doanh thu, nộp ngân sách 1 tỷ đồng/ha.



DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia