Đây là khẳng định của ông Trần Kim Chung – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại hội thảo “Giải pháp tổng thể cho thị trường BĐS 2012” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Theo ông Chung, thị trường BĐS 2012 chính là giai đoạn thử lửa, sàng lọc các DN BĐS. Một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn tài chính hóa thị trường BĐS.
Thị trường BĐS sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn
Đáng chú ý, nhưng... ít quan tâm
Ông Trần Kim Chung cho rằng, thị trường BĐS hiện nay đáng được chú ý nhưng lại ít được quan tâm. Nguyên nhân có nhiều nhưng trực tiếp là hiện không có dòng tiền đổ vào thị trường BĐS mà nguyên nhân sâu xa là thị trường đã được mở rộng quá lớn về quy mô, nhất là hai thị trường Hà Nội và TP.HCM.
Còn theo đánh giá của Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS - Bộ Xây dựng, thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong vấn đề vốn của thị trường. Bên cạnh đó, thực trạng giao dịch yếu, doanh nghiệp kinh doanh đối diện với tình trạng đình trệ sản xuất, tín dụng thắt chặt... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình chung của thị trường BĐS. Trong tương lai gần, thị trường này sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.
Tại hội thảo, ông Trần Kim Chung đã đưa ra 3 kịch bản có thể xảy ra đối với thị trường BĐS 2012. Kịch bản thứ nhất đó là thị trường khởi sắc. Đây là kịch bản khó xảy ra nhất nhưng được mong muốn nhất. Điều kiện của kịch bản này là tình hình kinh tế thế giới ổn định, các nước đồng tiền chung châu Âu vượt khỏi khủng hoảng nợ công, một số công cụ tài chính BĐS ra đời như: Quỹ tín thác BĐS, quỹ tiết kiệm tương hỗ... Khi đó, thị trường sẽ qua điểm đáy và khởi sắc vào tháng 8 âm lịch. Từ tháng 3 – 9/2012 sẽ là giai đoạn thử lửa, sàng lọc các doanh nghiệp BĐS. Một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn tài chính hóa thị trường BĐS bắt đầu.
Kịch bản thứ hai: Đó là không có bất cứ điều gì của kịch bản 1 xảy ra. Các DN BĐS sẽ gặp khó khăn lớn, thị trường sẽ suy giảm trầm trọng. Có thể có một làn sóng xấu xảy ra, các dự án sẽ tiếp tục bị ngừng trệ, nhiều công trình bị đóng băng. Ông Chung cho rằng, nếu kịch bản này xảy ra, các nhà đầu tư thứ cấp sẽ rời bỏ thị trường BĐS và thị trường BĐS sẽ cần một thời gian khá dài để tái phục hồi.
Kịch bản thứ ba: Đó là tình hình vẫn tiếp tục như hiện nay. Các chính sách tiếp tục được nghiên cứu, các DN tiếp tục hoạt động cầm chừng, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục hy vọng, một số nhà đầu tư sẽ thu hẹp sản xuất.
Ở khía cạnh khác, theo TS Võ Trí Thành - Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, thị trường BĐS năm 2012 vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cạm bẫy đối với các nhà đầu tư nóng vội tham gia thị trường do sự mập mờ và thiếu thông tin. Ở góc độ vĩ mô, sự quan tâm dành cho BĐS vẫn xếp sau các nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là ổn định vĩ mô, ngăn chặn lạm phát, tập trung cho thanh khoản ngân hàng yếu kém, ổn định sản xuất kinh doanh. Chính sách năm nay dù có được nới hơn năm ngoái nhưng vẫn sẽ còn rất chặt chẽ. Vì thế chưa thể mong cứu thị trường BĐS.
Kỳ vọng... bứt phá!
Theo nhận định của ông Trần Kim Chung, từ năm 2012 – 2015 chắc chắn sẽ xảy ra một đợt điều chỉnh thị trường. Một số chủ thể sẽ rời bỏ thị trường, một số chủ thể mới sẽ tham gia. Thị trường sẽ tiếp tục đi ngang hoặc đi xuống chút ít trong năm 2012, đi lên từ cuối 2012 và đạt đỉnh khoảng cuối năm 2014 đầu năm 2015. Tuy nhiên, từ nay đến lúc đó thị trường BĐS phải vượt qua được sức ỳ của quá trình chuyển giai đoạn từ tiền tệ hóa lên tài chính hóa.
Ông Chung cũng đưa ra lời khuyên đối với các DN kinh doanh BĐS, điều quan trọng nhất lúc này là phải tái cấu trúc danh mục đầu tư cho phù hợp với quy mô và năng lực DN. Bên cạnh đó, DN phải huy động tối đa khả năng nhân tài vật lực của DN để hoàn thành những dự án dở dang nhằm thu hồi những nguồn lực đang đầu tư phục vụ những công trình trong thời gian trung hạn.
Điều quan trọng nhất lúc này là các DN BĐS phải tái cấu trúc danh mục đầu tư cho phù hợp với quy mô và năng lực của DN mình
Về phía DN, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Việt cho rằng, muốn tồn tại và phát triển lâu dài, điều đầu tiên mà DN Việt Nam phải làm là quy hoạch và bố trí lại nguồn nhân lực cho phù hợp với tình hình thực tế và hướng tới tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, quy định tạo khung pháp lý và cơ chế minh bạch rõ ràng trong DN để người sử dụng lao động và lao động có lợi ích rõ ràng, tạo động lực thúc đẩy sản xuất. Cần sử dụng nguồn vốn huy động đúng, hợp lý, tránh đầu tư dàn trải, nếu cần có thể liên doanh liên kết hoặc sáp nhập giữa các DN nhằm tăng năng lực tài chính, giảm các chi phí sản xuất, giúp các DN tồn tại và phát triển trong thực tế hiện nay.
DN này cũng kiến nghị Chính phủ cần sớm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để quản lý các vấn đề như thuế BĐS, giá đất, thu nhập cá nhân trong chuyển nhượng BĐS, thế chấp quyền sử dụng đất. Đây là những văn bản cần xây dựng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần xây dựng quỹ tiết kiệm nhà ở và những kênh huy động mới cho các dự án nhà ở xã hội. Có các chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư và DN kinh doanh BĐS tham gia xây dựng.
Điều không thể phủ nhận, hệ thống chính sách, văn bản pháp luật hiện đang đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, phát triển thị trường BĐS Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hệ thống này cũng cần được điều chỉnh kịp thời để tạo nên xung lực mới cho thị trường BĐS để không chỉ vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt mà còn tồn tại phát triển lâu dài, theo kịp với xu hướng của các nước trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án để các sản phẩm BĐS nhà ở sớm đủ các điều kiện tham gia thị trường.
Các chuyên gia đều lạc quan cho rằng, thị trường BĐS đang ở vùng đáy, mà đã ở vùng đáy thì sẽ có tín hiệu của sự thay đổi và có thể bứt phá đi lên.
DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: