Top

Bất động sản sớm "tan băng" vì nhu cầu nhà ở quá lớn

Cập nhật 29/03/2012 08:00

Năm 2012, bất động sản sẽ khởi sắc bởi đón nhận nhiều tín hiệu vui từ nguồn vốn và chính sách. Bản thân thị trường cũng đang nảy sinh nhiều cơ hội tốt cho nhà đầu tư.

Nhu cầu nhà ở đô thị còn rất lớn

Theo ông Phan Thành Mai - Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, năm 2009, diện tích bình quân về nhà ở nước ta đạt 17,5m2 sàn/người, so với các nước trong khu vực, con số này vẫn còn rất thấp. Trong khi đó, tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân sẽ phải đạt 25m2 sàn/người. Tương ứng, dân số đô thị năm này xấp xỉ 45% tổng dân số (vào khoảng 43 triệu người), chứng tỏ nhu cầu về nhà ở đô thị vẫn còn rất lớn. Theo tính toán của Bộ xây dựng, từ nay đến 2020 phải đảm bảo xây mới khoảng 50 triệu m2 sàn nhà ở tại các đô thị mỗi năm.

Bất động sản đón nhiều tín hiệu phục hồi. (Ảnh: VTC)

Thực tế, thị trường bất động sản đang có nhiều cơ hội phục hồi. Bên cạnh các yếu tố vĩ mô như chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt, NHNN có những chỉ đạo hướng tới giảm lãi suất cho vay thông qua khống chế trần lãi suất huy động, khuyến khích các ngân hàng hạ lãi suất cho vay… hiện nay, bản thân thị trường đã nảy sinh nhiều nhu cầu mới.

Theo thống kê về thị trường căn hộ ở Hà Nội và TPHCM từ năm 2006 đến nay, cơ cấu nhà ở đang có sự mất cân đối. Đó là việc các doanh nghiệp quá tập trung đầu tư phát triển các căn hộ cao cấp, có diện tích lớn. Vì vậy, thị trường thiếu vắng rất nhiều căn hộ có diện tích nhỏ từ 30-50m2 dành cho những người có thu nhập trung bình - những người đang chiếm một tỷ lệ lớn ở các đô thị.

Nhiều tín hiệu vui cho thị trường


Hiện nay, nhiều dòng vốn mới đổ vào thị trường bất động sản đang được hình thành và phát triển theo thời gian như: dòng vốn thị trường chứng khoán đối với các bất động sản niêm yết, qua trái phiếu doanh nghiệp, thế chấp tiền từ bất động sản, từ các quỹ đầu tư nước ngoài hay từ dòng vốn đầu tư trực tiếp FDI… Đây được coi là những cú hích đáng kể cho thị trường trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia đầy lạc quan đưa ra nhận định, có nhiều lý do để năm 2012 thị trường bất động sản sẽ khởi sắc, và sau đó, thị trường sẽ phát triển mạnh và đạt đỉnh điểm vào năm 2013.

Cụ thể là kế hoạch tăng trưởng tín dụng bất động sản năm nay ở mức 15-17% (cao hơn năm 2011), tỷ trọng kiều hối dành cho khu vực bất động sản giữ ở mức ổn định, cam kết ODA tăng so với các năm trước…

Bên cạnh đó, tính thanh khoản tăng ở phân khúc nhà giá rẻ. Nhà ở xã hội và nhà cho thuê phục vụ nhu cầu của người dân đô thị được Nhà nước đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh thực hiện. Bộ Xây dựng đang tích cực hoàn thiện Quỹ tiết kiệm cho vay nhà ở và Quỹ tiết kiệm nhà ở cho người có thu nhập trung bình…

Tái cơ cấu ngay doanh nghiệp và danh mục đầu tư

Có thể thấy, câu chuyện đầu tiên và cuối cùng của các doanh nghiệp bất động sản suốt thời gian qua vẫn là những khó khăn về vốn. Để hoạt động hiệu quả, tăng tính thanh khoản trên thị trường thì yếu tố tiên quyết là bản thân các doanh nghiệp phải có sự thay đổi.

Thời gian qua, tại thị trường miền Nam, xu hướng mua bán sáp nhập (M&A) của các doanh nghiệp bất động sản diễn ra khá sôi động, do đặc điểm của thị trường này chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn tài chính ít. Việc sáp nhập, hợp tác giữa các doanh nghiệp này chính là giải pháp hiệu quả giúp nguồn vốn của doanh nghiệp ổn định hơn, để họ tiếp tục tồn tại được trên thị trường.

Trước băn khoăn về nguy cơ đổ vỡ của doanh nghiệp bất động sản do làm ăn thua lỗ, ông Trần Kim Chung - Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định: “Một số doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường cũng là chuyện bình thường, một số khác sẽ đến tiếp quản. Quá trình này đang diễn ra quyết liệt”.


“Song, đổ vỡ đến mức nhìn thấy, theo tôi, sẽ không xảy ra. Chỉ có việc các doanh nghiệp bất động sản này tìm đến nhau mua bán, sáp nhập sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới”, ông Chung nhận định. (Ảnh: Thu Thủy)

Theo ông Chung, đối với doanh nghiệp bất động sản phải cấu trúc danh mục đầu tư cho phù hợp với quy mô, năng lực doanh nghiệp. Còn đối với nhà đầu tư tiềm năng, cần cơ cấu lại danh mục đầu tư, chọn những dự án hiệu quả để đầu tư, cắt lỗ những dự án không hoàn thành, tập trung nguồn lực để chuẩn bị cho chu kỳ mới.

Thực tế, bên cạnh việc tái cơ cấu lại bộ máy tổ chức, một vấn đề không nhỏ để tăng tính thanh khoản trên thị trường đối với các doanh nghiệp bất động sản là việc phải tìm đúng phân khúc nhu cầu thật của thị trường với sản phẩm phù hợp, và phải đáp ứng được yêu cầu quy hoạch của Nhà nước. Bởi sự thật là cơ hội trong thị trường luôn tồn tại, lượng tiền trong dân vẫn rất lớn, nhu cầu nhà ở của người dân ở đô thị đặc biệt ở mức cao.

Minh họa cho điều này, vị thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra ví dụ, bất chấp tình trạng đóng băng nhà đất phủ kín thị trường từ Bắc vào Nam trong năm qua, ở Hà Nội, nếu có một căn hộ có vị trí tốt, giá vừa phải, giao nhà ngay thì vẫn được bán khá nhanh. Đặc biệt là một số chung cư đầu tư từ năm 2002-2003 ở các khu đô thị mới, giá bán lại cho người tiêu dùng vẫn ở mức cao từ 27 đến hơn 30 triệu đồng/m2.

Như vậy mới thấy, việc nắm bắt được nhu cầu của người mua, hạn chế khó khăn trong thủ tục giao nhà và hạ giá bất động sản về giá trị thực… có vai trò quan trọng như thế nào trong việc làm “ấm lại” thị trường vốn ảm đạm bấy lâu.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí