Top

Dòng tiền đang ưu tiên cho người mua nhà

Cập nhật 23/03/2015 13:31

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất cho vay hiện đang thấp hơn mức lãi suất trong thời kỳ 2005-2006. Các chương trình hỗ trợ nguồn vốn vay nhằm kích cầu một số lĩnh vực đang được các Ngân hàng thương mại (NHTM) tích cực triển khai, trong đó có hướng tới người mua nhà.

Ảnh minh họa.

Mới đây nhất, ngày 19/3/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước NHNN Nguyễn Văn Bình đã ban hành văn bản số 1668/NHNN-TD về chương trình cho vay kích cầu hướng tới người mua nhà của các NHTM nhà nước.

Đây là văn bản thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (tại công văn số 1448/VPCP-KTTH ngày 02/3/2015) về việc cho vay kích cầu hướng tới người mua nhà.

Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam làm đầu mối phối hợp các NHTM nhà nước hoàn thiện lại nội dung chương trình hỗ trợ nguồn vốn thực hiện việc cho vay kích cầu hướng tới người mua nhà của các NHTM nhà nước.

Trong đó, tập trung làm rõ các nội dung về đối tượng áp dụng, lãi suất và thời hạn vay, nguồn vốn hỗ trợ, đảm bảo không trùng lắp với các chương trình đang thực hiện, hạn chế việc lợi dụng chính sách của Nhà nước để đầu cơ, trục lợi và sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.

Đối với chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 61/NQ-CP của Chính phủ, các NHTM đẩy nhanh tiến độ giải ngân và kịp thời báo cáo NHNN, Bộ Xây dựng những vướng mắc trong thực hiện.

Thống đốc cũng nhấn mạnh: "Các NHTM nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu về nhà ở tiếp cận vay vốn với lãi suất thấp, thời hạn phù hợp theo đúng các quy định hiện hành".
Ảnh minh họa
Nhìn lại hoạt động cho vay trong 2 tháng đầu năm 2015, có thể thấy những tín hiệu tích cực về hoạt động tệ, ngân hàng trong năm nay. Theo số liệu của NHNN, đã có mức tăng trưởng dương trong hoạt động cho vay 2 tháng đầu năm (tăng 0,68% so với đầu năm); tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 2,67%.

Theo NHNN, từ nhiều năm qua, các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về điều hành chính sách tiền tệ tập trung vào việc kiểm soát lạm phát, từng bước đưa lạm phát xuống mức thấp và ổn định giá trị VND đã trở thành cơ sở quan trọng để các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay.

Bên ngoài ngành Ngân hàng, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi, giá dầu thế giới giảm mạnh và kỳ vọng sẽ ở mức hợp lý trong dài hạn là những yếu tố khuyến khích nhiều doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài hoạt động cầm chừng.

NHNN cũng đã thực hiện các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất huy động theo lộ trình từng bước, chủ yếu là dựa trên tín hiệu lạm phát và khả năng thanh toán của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Đồng thời, yêu cầu các TCTD xem xét giảm dần lãi suất đối với những khoản vay cũ nhằm chia sẻ khó khăn cùng khách hàng vay vốn. Đây là biện pháp gây tác động kép, buộc các TCTD phải tăng cường kiểm soát dòng vốn và nâng cao năng lực quản trị rủi ro tín dụng.

Nhờ đó, thanh khoản của các TCTD đã từng bước được cải thiện, góp phần ổn định thị trường tài chính và đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn cho nền kinh tế với mức lãi suất ngày càng giảm, phù hợp với tình hình thực tế trong nền kinh tế.

Số liệu NHNN cho thấy, đến nay, lãi suất cho vay VND dành cho các lĩnh vực ưu tiên được các TCTD áp dụng phổ biến ở mức 7%/năm đối với kỳ hạn ngắn, lãi suất cho vay trung dài hạn được các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng ở mức 9-10%/năm; lãi suất cho vay dành cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 7-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn, 9,5-11%/năm đối với trung dài hạn.

Như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay đang thấp hơn mức lãi suất trong thời kỳ 2005-2006. Từ những ngày đầu tháng 3/2015, mặt bằng lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng được nhiều ngân hàng áp dụng dưới mức trần 5,5%/năm theo qui định, tạo ra xu hướng giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới, được kỳ vọng là giảm thêm 1-1,5%/năm trong năm nay. Lạm phát thấp và lãi suất huy động giảm cũng tạo động lực thôi thúc các nhà đầu tư tìm kiếm những kênh đầu tư mang lại lợi nhuận cao hơn như mua cổ phiếu, đầu tư nhà đất.

Bên cạnh việc điều hành các mức lãi suất chủ chốt để hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD và đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế, ngành Ngân hàng cũng đã triển khai thực hiện hàng loạt chương trình tín dụng như Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 14/2014/NQ-CP; Chương trình cho vay phát triển nhà ở xã hội; Chương trình cho vay hỗ trợ ngư dân theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.

Theo NHNN, trong điều kiện thị trường tài chính còn ẩn chứa nhiều rủi ro tiềm tàng, việc triển khai những chương trình tín dụng này được đánh giá là mô hình tín dụng khá an toàn do sự hỗ trợ, vào cuộc của các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp đã góp phần tích cực vào việc lựa chọn dự án đầu tư hiệu quả, giúp các TCTD bảo đảm an toàn nguồn vốn và yên tâm hơn khi mở rộng tín dụng.


DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia