Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có 111 khu, cụm công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 24.000 ha. Tuy nhiên cho đến nay chỉ có 5 khu hoạt động tốt là Trà Nóc I (Cần Thơ), Mỹ Tho (Tiền Giang), Thuận Đạo (Long An), Sa Đéc (Đồng Tháp), Hòa Phú (Vĩnh Long). Các khu còn lại thu hút rất ít nhà đầu tư.
Điển hình là TP Cần Thơ, nằm sát KCN Trà Nóc I là khu Trà Nóc II rộng 165 ha, đến nay mới giải tỏa đền bù được 90 ha, số còn lại cần đến 150 tỷ đồng nhưng địa phương không có tiền, đành để nguyên trạng từ năm 2005 đến nay. KCN Hưng Phú I, II tổng diện tích 576 ha nhưng đến nay chỉ có Cty dầu thực vật Cái Lân thuê 4 ha.
Còn tỉnh An Giang mặc dù quy hoạch tới 11 KCN, trong đó có 2 khu do tỉnh quản lý. Hai KCN thuộc tỉnh là Bình Hòa rộng 132 ha, Bình Long rộng 30,7 ha, trong đó khu Bình Long thi công từ năm 2002 nhưng đến nay vẫn chưa xong phần hạ tầng. Khu Bình Hòa khởi công từ năm 2003, đến nay vẫn trong cảnh "nắng bụi, mưa bùn".
Tỉnh Đồng Tháp cũng quy hoạch 18 KCN nhưng ngoài KCN Sa Đéc thì số còn lại đang trong tình trạng hoang vắng. KCN Cao Lãnh, nằm cạnh quốc lộ 30 và cảng Cao Lãnh, xây dựng đã 3 năm nhưng đến nay vẫn là bãi đất đá ngổn ngang cùng cỏ dại.
Hoạt động thu hút đầu tư của các CCN cấp huyện cũng rơi vào tình trạng tương tự. Mục đích của các cụm này là tập trung các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp địa phương vào để khỏi gây ô nhiễm môi trường. Ở cụm CCN Vị Thanh (Hậu Giang) rộng hơn 50 ha, được triển khai từ năm 2000 nhưng đến nay mới có 5 DN chấp nhận dời nhà máy vào đây, diện tích đất còn lại cỏ mọc như rừng. Ở huyện Thốt Nốt (Cần Thơ) có hàng trăm nhà máy chế biến lương thực gây ô nhiễm môi trường, địa phương đã xây dựng Trung tâm CN ở xã Thới Thuận để di dời các nhà máy này nhưng đã nhiều năm qua, không chủ DN nào chịu di dời nhà máy.
Ở Cần Thơ, những nhà quản lý luôn kêu thiếu đất sạch (là đất đã thực hiện xong việc đền bù giải tỏa, đã rà phá bom mìn, xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng trước khi giao cho nhà đầu tư) nhưng các KCN tại đây đất đai bỏ trống hàng trăm hécta vì không có kinh phí cải tạo đất nông nghiệp thành đất sạch. Các chuyên gia kinh tế ở ĐBSCL đều có chung nhận định: Khả năng bỏ hoang đất đai ở các khu, CCN vùng ĐBSCL là khó tránh khỏi.
Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhận định: Xây dựng KCN ồ ạt từ tỉnh đến huyện mà không xem xét thấu đáo các lợi thế cạnh tranh từng vùng là lãng phí. Lẽ ra, các tỉnh phải hợp tác xây dựng những KCN chung, quy mô lớn, có thể giải quyết được vấn đề tiêu thụ nông thủy sản, giải quyết việc làm cho người lao động trong phạm vi khu vực thì mới là tối ưu.
Đến nay, các địa phương vẫn tiếp tục xây dựng thêm các KCN, các tỉnh ĐBSCL quy hoạch đến năm 2010, lập thêm 44 khu, CCN tập trung với 17.870 ha, nâng tổng số khu, CCN toàn vùng đến thời điểm này có 155 khu, cụm với tổng diện tích gần 42.000 ha. Trong khi đó, diện tích các KCN hoạt động hiệu quả chỉ có 1.064 ha, một con số chiếm tỷ lệ quá nhỏ so tổng diện tích quy hoạch.
Thế Đạt - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: