Cuối tháng 3/2007, khi TTCK bắt đầu có dấu hiệu chững lại thì nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã đóng tài khoản hoặc chuyển bớt vốn từ chứng khoán sang địa ốc đang sôi động. Giờ đây, sau khi cơn sốt bất động sản đã đi qua, nhiều NĐT (hay đầu cơ?) đã ngồi nhìn lại xem quyết định 4 tháng trước của mình đúng hay sai...
Kẻ thắng
Anh Đặng Đình Bích (phường Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) nhảy vào TTCK từ cuối năm 2005 vì “có 300 triệu không mua đủ nhà nên thử đầu tư ít cổ phiếu xem sao”. Tháng 12/2006, phép thử này đã mang lại cho anh Bích cả vốn lẫn lời 800 triệu đồng. Là dân miền Trung, anh Bích muốn “ăn chắc mặc bền” lại lo chứng khoán nóng quá và tin vào lời bạn là GĐ một Công ty chứng khoán nên đã rút hết tiền từ SSI để mua hai lô đất ở Khu Nam Sài Gòn. Đến tháng 3/2007, hai lô đất chưa trả hết tiền lên theo cơn sốt đem lại gần 1 tỷ tiền lời cho anh. Anh Bích kể: “Có vài người bạn vốn lớn, máu liều hơn tôi mua 4, 5 căn hộ, trả góp 2, 3 căn biệt thự dù rút vốn chứng khoán ra có hơn tỷ bạc đã kiếm được 2,3 tỷ từ khi bỏ sàn sang đất”.
Cùng thời với anh Bích và bè bạn, những người chuyển sang địa ốc từ sàn chứng khoán vào thời điểm cuối năm 2006 là những người thắng lớn nhất. Tại sàn ACBS, giới đầu tư luôn xem ông Vũ Ngọc H (Việt kiều Canada ngụ P Đa Kao Q.1) là “kim chỉ nam” khi ông bán gần hết số CP gần 5 tỷ đề chuyển sang mua 2 miếng đất ở Khu Hưng Gia 3 Phú Mỹ Hưng từ tháng 10/2006 và lời gần 4 tỷ đồng hồi giữa tháng 3/2007.
Những người như anh Bích, ông H... thắng lớn do “thức thời” không hiếm ở các sàn và cũng chính họ dùng tiền lời từ địa ốc để gom lại CP khi TTCK ế ẩm vào tháng 4/2007. Nhà phân tích chứng khoán Đinh Thành Nam nhận định: “Họ lời 3 lần chứ không phải lời kép khi nhìn xa trông rộng chuyển từ chứng khoán sang địa ốc rồi ngược lại vào những thời điểm có lợi nhất”.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng văn phòng môi giới địa ốc Phúc Hải (Q.7 TP.HCM) cho biết: “Từ đầu năm 2006 đến cuối năm giá bất động sản ở Khu Nam Sài Gòn lên cùng lắm là 30% nhưng từ cuối năm 2006 đến sau Tết Đinh Hợi 2007 giá có nơi tăng đến 70%. Văn phòng chúng tôi môi giới cho khoảng 80 khách hàng đầu tư địa ốc chuyển từ chứng khoán sang từ tháng 11/2006 và đa số họ đều có lời trên 50% so với vốn bỏ ra”.
Ông Hải và nhân viên phân biệt được các vị khách “sộp” này vì do lời từ chứng khoán quá dễ nên khi mua bán “họ rất thoáng”. Trong sổ giao dịch còn lưu lại tại văn phòng, nhiều khách hàng chỉ mua những lô đất tại Phú Mỹ Hưng với giá bằng 60% hiện nay, các loại căn hộ chỉ khoảng 60-70% so với giá bán thời điểm đầu tháng 7/2007 (đã giảm so với tháng 3,4/2007). Không chỉ vậy rất nhiều khách hàng mua 3,5 sản phẩm và theo ông Hải thì “họ lời ít nhất cũng 2 tỷ đồng”. Tuy nhiên “thời cơ vàng” không phải đến với bất kỳ ai và có người cũng bỏ sàn sang đất nhưng với kết quả ngược lại
Người thua
Chị Vũ Thị Thanh Hằng (phường Tân Phong, Q.7, TP.HCM) rầu rĩ mấy tháng nay vì 8 căn hộ chị mua ở các dự án Phú Mỹ, Green View, The Manor trúng hồi đỉnh điểm của cơn sốt địa ốc sau Tết Đinh Hợi không chỉ xuống giá 20-30% mà “tìm mãi không ra người để bán chú ạ”.
Bán hàng loạt CP blue chip với số lượng hàng chục ngàn gom về 8 tỷ đồng vì quá sốt ruột trước cơn sốt đất đai, căn hộ lên giá từng ngày mà cả năm buôn chứng khoán mới lại. Tuy nhiên, do mua vào lúc giá lên cao nhất với số lượng nhiều lên giờ đây chị Hằng không chỉ đau đầu vì giá xuống mà còn lo lắng với tiền trả góp cả trăm triệu hằng tháng cho ngân hàng vì 8 tỷ chỉ đủ trả 40% cho 8 căn hộ lỡ ôm. Chị Hằng cho biết: “Lỡ dại như tôi có cả trăm người, nghe người ta lời tỷ này tỷ nọ từ đất cát, lại nghe cảnh báo TTCK sắp rơi vào thời kỳ ảm đạm nên cuối tháng 3 bán gần hết, chị em thi nhau mua nhà cửa đất đai và giờ ai cũng dở khóc dở cười”.
Không chỉ phụ nữ “nhẹ dạ” mà từ tháng 5/2007 đến nay, khi giao dịch địa ốc chững lại, ra các sàn không khó gặp những người bỏ sàn sang đất giờ đang “tiến thoái lưỡng nan”. Anh Trần Thanh Hùng (sàn SBS TP.HCM) than thở: “Đất không bán được, cổ phiếu OTC chẳng ai mua, CP niêm yết thì trồi sụt thất thường, buồn không muốn về nhà nữa”. Anh Hùng thú nhận: “Chuyển 1,2 tỷ sang đất giờ rao bán người ta trả có 900 triệu! Mà đâu phải cả 1,2 tỷ là của tôi, tôi mượn bạn bè gần 500 triệu rồi”.
Ông Võ Đình Quốc, Phó GĐ siêu thị địa ốc ACB cho biết: “Nếu đầu tư vào thị trường địa ốc thời điểm nửa cuối tháng 3/2007 thì giờ đây ai lỗ 10-15% là may mắn”. Chuyên gia kinh tế Đặng Hoàng Thắng khuyên: “Đa dạng hoá danh mục đầu tư với địa ốc, chứng khoán, kinh doanh ngành nghề khác... là cần thiết và khôn ngoan nhưng không nên chạy theo phong trào thấy ai mua bán gì lời nhiều là chạy theo".
Ngay cả những chuyên gia nhiều kinh nghiệm nhất cũng không chắc khi nào thị trường lên tới đỉnh hay tuột xuống đáy và ai đầu tư vào thời điểm lên đến đỉnh xem như thất bại cầm chắc”. Có lẽ đó là bài học không chỉ dành riêng cho chị Hằng, anh Hùng...
Yến Trang
Theo VietNamNet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: