Top

Đón đầu quy hoạch quá xa gây sốt đất

Cập nhật 27/05/2020 09:46

Tuy những cơn sốt đất gần đây được dập tắt nhanh chóng nhưng nguy cơ nổi sóng thị trường vẫn tiềm ẩn.

Ô tô của khách mua đất đậu kín đường trong đợt sốt đất ở huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) hồi tháng 2-2020. Ảnh: THÁI BÌNH

Dù được dự báo thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục khó khăn trong năm 2020 nhưng nhiều ý kiến vẫn lo ngại sẽ xảy ra sốt đất cục bộ. Nguyên nhân là ở một số địa bàn, các cò đất, đầu nậu lẫn chủ đầu tư đã lợi dụng những thông tin như huyện sắp lên quận, sắp xây cầu, đường… để thổi giá. Mới đây, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo Sở Xây dựng thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến thị trường BĐS, theo dõi sát diễn biến, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng BĐS trên địa bàn.

Cầu chưa có, quận chưa thấy, đất đã sốt 4-5 lần

Phà Cát Lái đang là phương tiện đi lại giữa quận 2 (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Do đó, thông tin sẽ có cầu nối hai bờ đã làm dậy sóng thị trường hai khu vực này suốt nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Duy Minh, một nhà đầu tư lâu năm tại TP.HCM, cho biết BĐS Nhơn Trạch tính ra đã sốt từ cách đây hơn 10 năm, thời điểm có thông tin xây dựng sân bay Long Thành. Nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ xô về mua đất. Đến nay, sân bay chưa xây, hạ tầng giao thông không có thay đổi đáng kể khiến thị trường lại đứng im thời gian dài.

Từ năm 2017, khi có tin sẽ xây dựng cầu Cát Lái, ông Minh nhẩm tính BĐS Nhơn Trạch sốt đến 4-5 lần. Mỗi lần sốt đất lại thiết lập một mặt bằng giá mới.

“Ví dụ, một lô đất thổ cư đường Lý Thái Tổ năm 2017 giá khoảng 10 triệu đồng/m2 thì qua nhiều lần sốt đất, giá hiện nay đã là 40 triệu đồng/m2. Vị trí đẹp giá có thể tăng cao hơn. Tuy nhiên, tại các dự án đất nền, phân lô, tách thửa tại Nhơn Trạch nhiều năm nay vẫn rất ít người xây nhà, chủ yếu là đầu cơ” - ông Minh nói.

Đến nay vẫn chưa có dấu hiệu thi công cầu Cát Lái nhưng dọc các tuyến đường, sàn giao dịch vẫn mọc lên như nấm và thông tin về cầu mới vẫn là lý do để cò đất đẩy giá.

Cuối năm 2019, tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM, năm huyện gồm Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Cần Giờ đã được đề xuất quy hoạch từ huyện lên quận. Từ thông tin này, giá BĐS tại các huyện liên quan cũng dậy sóng.

Anh Tuấn Anh, nhân viên môi giới, cho biết hiện nay một số dự án nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè) giá chào bán 65-85 triệu đồng/m2, đất nền có giá niêm yết 65-70 triệu đồng/m2. Dự án thấp nhất cũng có giá 30-35 triệu đồng/m2.

Đầu năm 2020, dù tác động của dịch COVID-19 khiến thị trường trầm lắng nhưng vẫn có những cơn sốt đất cục bộ ở địa phương như huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu), huyện Thạch Thất (TP Hà Nội)… Chỉ cần có một tập đoàn lớn đến khảo sát đầu tư là nhóm môi giới sẽ sẵn sàng mượn nước đẩy thuyền. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn thị trường lại im lìm, nhiều nhà đầu tư vội vã ôm đất đành ngậm trái đắng.

Ngăn chặn nguy cơ sốt đất

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Việt An Hòa, nhận định dù thị trường đang chững lại nhưng vẫn có thể xảy ra sốt đất cục bộ. Nguyên nhân chính là do các cò đất, môi giới tự thổi giá.

Tuy nhiên, sau những cơn sốt đất gần đây được dập tắt nhanh chóng, ông Quang cho rằng giải pháp quan trọng là sự can thiệp kịp thời của chính quyền địa phương. Ngoài ra, chính quyền cần có cơ chế quản lý chặt chẽ để ngăn chặn giới đầu nậu, cò đất lợi dụng thực hiện tách thửa, phân lô, bán nền tràn lan. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới sốt giá ảo đất nền.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng quy hoạch phải rõ ràng. Những thông tin về huyện lên quận hay xây dựng hạ tầng giao thông, sân bay, dự án phát triển kinh tế… phải được minh bạch, chính xác và có lộ trình rõ ràng để người dân dễ dàng nắm được. Thậm chí chính quyền địa phương phải tư vấn, hỗ trợ cho dân.

Những trường hợp quan chức địa phương, cán bộ cấp cơ sở buông lỏng quản lý, tiếp tay cho các đầu nậu, các công ty tự ý phân lô, tách thửa trái phép, tạo sốt đất, theo ông Hiếu là phải xử lý nghiêm để răn đe.

“Chính quyền địa phương hiểu và nắm rõ về pháp lý, quy hoạch thực tế nhất. Vì vậy, nếu dự án nào, khu đất phân lô nào thực hiện trái phép thì địa phương cắm bảng cảnh báo ngay. Đây cũng là một giải pháp để ngăn ngừa sốt đất” - ông Hiếu chia sẻ.

TP.HCM vẫn lo ngại sốt đất

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện về triển khai Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS ổn định, lành mạnh.

Theo đó, Sở Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật liên quan đến thị trường BĐS; theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn, không để xảy ra sốt giá hay bong bóng BĐS.

Cùng với đó, Sở Xây dựng vận hành cơ sở dữ liệu thông tin về nhà ở và thị trường BĐS trên địa bàn TP, bảo đảm kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ Xây dựng theo quy định. TP sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh BĐS, các dự án có vi phạm về xây dựng.
 

DiaOcOnline.vn – Theo PLO