Top

TAN TÁC RỪNG PHÚ YÊN

Đốn 100ha rừng phòng hộ làm sân golf đón thi hoa hậu

Cập nhật 24/04/2017 10:59

Hơn 100ha rừng phòng hộ ở Phú Yên đang bị phá để làm sân golf, khách sạn, resort nhưng đến nay vẫn chưa có hồ sơ xin phép Thủ tướng Chính phủ cho chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.


Mặc dù chưa được Thủ tướng cho phép, chưa được giao đất, nhưng New City đã phá rừng và thi công sân golf - Ảnh: VÂN TRƯỜNG

Trở lại Phú Yên cuối tháng 4-2017, chúng tôi thấy vạt rừng dương (còn gọi là phi lao) phía biển ven đường Lê Duẩn nối dài thuộc xã An Phú, TP Tuy Hòa đã biến mất. Thay vào đó là đại công trình sân golf đang được gấp rút thi công. Khu rừng sát bên cạnh sân golf cũng không còn, trên vị trí này là khu du lịch biển Sao Mai đạt tiêu chuẩn 5 sao đang 
dần thành hình.

Phá hơn 140ha rừng

Bên ngoài cổng sân golf có bảng công bố cho biết đây là dự án khu du lịch liên hợp cao cấp Phú Yên. Chủ đầu tư là Công ty TNHH New City VN (gọi tắt là New City). Trong giai đoạn 1 sẽ xây dựng các hạng mục gồm: sân golf 9 lỗ (dự kiến 36 lỗ), câu lạc bộ golf, khu vui chơi... Còn các tài liệu của UBND tỉnh Phú Yên thể hiện diện tích đất của dự án này rộng 122ha. Đây chỉ là một trong ba khu được tỉnh giao cho New City thực hiện dự án du lịch cao cấp với tổng vốn đầu tư lên tới 1 tỉ USD.

Từ phía đường Lê Duẩn nhìn vào sân golf qua hàng rào dây kẽm gai, ở các bãi đất trống còn vương vãi những gốc cây dương bị đốn hạ, một số bị đốt cháy nham nhở. Các máy ủi đang san đá làm đường bêtông cho xe điện di chuyển giữa các lỗ golf.

Cách đây đúng một năm, chúng tôi từng sử dụng thiết bị flycam để quay cảnh rừng phòng hộ ven biển An Phú (TP Tuy Hòa). Lúc đó rừng dương cao gần 20m, rất dày. Toàn bộ dải đất rừng phòng hộ từ đường Lê Duẩn nối dài trở ra biển rộng hơn 500m đều được trồng dương. Lần này chúng tôi tiếp tục sử dụng flycam để quay hiện trạng rừng tại dự án của New City. Nhìn từ trên cao, cánh rừng hàng chục hecta hoàn toàn biến mất, chỉ còn số ít cây dương lạc lõng bên những bãi cát trắng đang được san ủi.

Theo kế hoạch, sân golf phải hoàn thành kịp đón sự kiện thi hoa hậu vào tháng 7-2017, nên tiến độ thi công rất khẩn trương. UBND tỉnh Phú Yên cũng chấp thuận cho New City đưa 25 chuyên gia, kỹ thuật viên, giám đốc điều hành người nước ngoài đến làm việc tại dự án từ nay đến năm 2019.

Tương tự, rừng dương phía bên dự án khu du lịch biển Sao Mai của Công ty Sao Việt có diện tích 20ha bị đốn hạ gần phân nửa. Khu rừng mặt tiền giáp đường Lê Duẩn nối dài hoàn toàn mất trắng, nhà đầu tư trồng cây cảnh và đào ao. Đường dẫn từ cổng ra biển được trải đá xanh, hiện đang thi công hệ thống chiếu sáng. Đi vào chừng 300m là khu đất trống đang được đào móng xây khách sạn, nhiều gốc cây dương rất to bị đốn hạ nằm lăn lóc cạnh lán trại của công nhân.

1ha rừng phòng hộ 
đổi lấy 53,7 triệu đồng

Ông Nguyễn Mạnh Thi - chủ tịch UBND xã An Phú - cho biết hai dự án của Công ty Sao Việt và New City có tổng diện tích khoảng 140ha. Đây là khu rừng phòng hộ được trồng từ năm 1979. Đến năm 1986 thì giao lại cho HTX Đông An Phú quản lý, khai thác. Khoảng năm 2000, Tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ trồng giặm tại khu vực này. “Rừng dương tại hai dự án này ước khoảng 16-17 năm tuổi, có tác dụng rất lớn trong việc chắn gió, chắn cát từ biển vào TP Tuy Hòa” - ông Thi nói.

Ngày 19-10-2016, UBND tỉnh Phú Yên có văn bản thông báo kết luận ý kiến của Phó chủ tịch Nguyễn Chí Hiến cho phép New City nộp tiền trồng rừng thay thế của dự án vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng. Có nghĩa là công ty này không phải trồng rừng thay thế mà chỉ nộp tiền.

Ngay hôm sau, New City có tờ trình đề xuất mức nộp tiền trồng rừng thay thế là 6,2 tỉ đồng cho diện tích rừng phòng hộ 115,9ha, tương đương 53,7 triệu đồng/ha. Trước đó ngày 3-8-2015, Sở NN&PTNT có văn bản đề xuất mức thu trồng rừng thay thế đối với rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát là hơn 82 triệu đồng/ha nhưng cuối cùng tỉnh thu thấp hơn gần 30 triệu đồng/ha.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20-4, ông Nguyễn Lê Vũ - phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Phú Yên - xác nhận tiền trồng rừng thay thế của Công ty Sao Việt đối với khu đất 20ha bên cạnh chỉ là 1,1 tỉ đồng. Như vậy New City và Công ty Sao Việt chỉ phải chi ra 7,3 tỉ đồng trồng rừng thay thế để được sử dụng 140ha đất rừng phòng hộ làm sân golf, khách sạn, biệt thự, resort...

Cấp tốc giải phóng mặt bằng

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án New City và Công ty Sao Việt, UBND tỉnh Phú Yên cho chủ trương di dời và đốn cây dương trước khi hoàn thành hồ sơ thiết kế, cấp phép khai thác. Ngày 31-10-2016, UBND tỉnh Phú Yên còn tặng bằng khen cho New City và hai đơn vị là Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên, Công ty Cao Nguyên Lâm. Quyết định khen thưởng ghi rõ các đơn vị này đã có thành tích xuất sắc trong công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án khu du lịch liên hợp cao cấp Phú Yên. Lúc này các đơn vị này chỉ mới phá được một phần diện tích rừng để thông tuyến, chưa phá ở khu vực sân golf.

Sau khi được UBND tỉnh “bật đèn xanh”, ngày 20-10-2016 Ban quản lý dự án tỉnh Phú Yên tổ chức cuộc họp bàn di dời cây dương. Ông Võ Đinh Hạnh (phó ban) yêu cầu Công ty du lịch Sao Việt lập tiến độ các hạng mục ở từng khu vực nộp cho cơ quan chức năng để tiến hành di dời cây dương. Công ty TNHH New City, trong thời gian chờ hoàn tất các thủ tục cấp phép thì giao cho Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên và Công ty Cao Nguyên Lâm tiếp tục thực hiện di dời cây dương cho đến khi có giấy phép.

Ông Trần Minh Hoàng - trưởng phòng kinh doanh Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên - cho biết công ty có tham gia bứng, di dời khoảng 200 cây dương khu vực cổng dự án Công ty TNHH New City. “Một số cây lớn quá không bứng được phải đốn làm củi” - ông Hoàng nói. Còn ông Trương Tấn Hổ - giám đốc Công ty Cao Nguyên Lâm - cũng cho biết công ty ông di dời hơn 2.000 cây dương tại dự án sân golf của New City, diện tích khoảng 35ha.

Theo ông Hổ, cây dương tại dự án sân golf có tuổi thọ khá cao, nên tỉ lệ sống sau khi cắt rễ rất thấp. Bứng 10 cây thì chỉ dưỡng sống chừng 3-4 cây. Còn lại phải... làm củi. Ông ước tính số cây còn sống hiện nay chỉ còn khoảng 500 cây.

Theo quyết định ngày 6-1-2017 của UBND tỉnh Phú Yên, chi phí bứng, di dời và trồng lại cây dương từ dự án New City và Công ty Sao Việt là hơn 1,7 triệu đồng/cây. Cây sống sẽ được trồng tại tuyến đường Độc Lập, TP Tuy Hòa. Quyết định này nêu rõ cây dương sẽ được cắt phần ngọn, chỉ còn cao 4m rồi nuôi dưỡng trong ba tháng.

Thi công khi chưa có giấy phép xây dựng

Ông Huỳnh Lữ Tân - giám đốc Sở Xây dựng Phú Yên - khẳng định đến thời điểm này sở chưa cấp bất cứ giấy phép xây dựng nào cho dự án New City. Còn dự án của Công ty Sao Việt thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND TP Tuy Hòa, nhưng cơ quan này cũng chưa cấp phép xây dựng. Lý do là các nhà đầu tư chưa hoàn tất cả thủ tục có liên quan buộc phải có trong hồ sơ xin phép.

“Tỉnh chưa cấp phép xây dựng, vì sao New City lại làm sân golf, làm đường? Còn Công ty Sao Việt đã xây tường rào, cổng và đưa phương tiện đào móng thi công khách sạn?” - chúng tôi hỏi. Ông Tân nói sân golf không phải là công trình buộc phải có giấy phép xây dựng. Sau này khi cấp phép xây dựng tổng thể cho New City sẽ có nội dung sân golf để ghi nhận đó là tài sản và là căn cứ để chủ đầu tư thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Còn Công ty Sao Việt chỉ mới ở giai đoạn chuẩn bị xây dựng. “Cũng có một số hạng mục được UBND tỉnh cho phép thực hiện song trùng với việc lập hồ sơ, xin phép để đẩy 
nhanh tiến độ” - ông Tân nói.

Sự thật là có khá nhiều văn bản thể hiện UBND tỉnh Phú Yên chủ động cho phép hai nhà đầu tư này được xây dựng một số hạng mục trước khi có giấy phép. Đơn cử ngày 18-8-2016, UBND tỉnh Phú Yên có thông báo kết luận của Phó chủ tịch Nguyễn Chí Hiến đồng ý cho New City vừa triển khai xây dựng vừa hoàn tất các thủ tục đầu tư đối với các khu vực đã giải phóng mặt bằng và lập đồ án quy hoạch.

Ngày 21-9-2016, UBND tỉnh cũng có thông báo cho Công ty Sao Việt được thi công một số hạng mục song song với quá trình hoàn tất thủ tục xin phép xây dựng. Trước đó ngày 21-6-2016, Phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Chí Hiến chỉ đạo ngay tại công trình của New City: “Thống nhất cho nhà đầu tư triển khai thi công trước các hạng mục cầu cảng, khu vui chơi công viên nước. Nhà đầu tư khẩn trương tổ chức lập hồ sơ thiết kế, trình cấp phép xây dựng”.

Ngày 11-10-2016, ông Nguyễn Chí Hiến yêu cầu ngày 15-11-2016 phải giao mặt bằng cho New City thi công. Ông Hiến còn chỉ đạo: “Nhà đầu tư đang tập trung triển khai xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục lớn, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai xây dựng theo tiến độ cam kết”.

“Tiền trảm, hậu tấu”

Theo quy định hiện hành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy mô từ 20ha rừng phòng hộ trở lên khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý thì HĐND tỉnh có nghị quyết về việc chuyển mục đích.


Rừng phòng hộ tại xã An Phú, TP Tuy Hòa đã bị phá để làm sân golf - Ảnh: V.TRƯỜNG

Luật quy định rõ như vậy nhưng ngày 12-4-2017, ông Nguyễn Như Thức, giám đốc Sở TN-MT tỉnh Phú Yên, mới ký báo cáo gửi UBND tỉnh cho biết dự án New City có 116ha đất rừng phòng hộ. Chủ đầu tư đã chuyển kinh phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho Bộ TN-MT; đồng thời cam kết trong tháng 6-2017 sẽ hoàn thiện hồ sơ ĐTM để trình bộ thẩm định, phê duyệt.

Tại báo cáo này, ông Thức cũng kiến nghị UBND tỉnh giao Sở TN-MT tổng hợp hồ sơ để tỉnh báo cáo Bộ TN-MT và Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ. Văn bản này chính thức “tự thú” rằng tỉnh Phú Yên chưa xin phép Thủ tướng Chính 
phủ mà đã phá rừng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20-4, ông Thức thừa nhận chưa có quyết định giao đất và chưa ký hợp đồng cho New City thuê đất. ĐTM của dự án này chưa được phê duyệt.

Riêng dự án khu du lịch Sao Mai thì UBND tỉnh Phú Yên có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và cho thuê đất ngày 20-5-2015. Tổng diện tích đất được chuyển mục đích hơn 20ha, trong đó đất rừng phòng hộ 19,3ha. Thời hạn cho thuê đất đến năm 2055. Còn ĐTM được tỉnh phê duyệt ngày 19-9-2016.

Làm trái chỉ thị của Ban Bí thư

Ông Nguyễn Văn Chín - nguyên chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên - nói ngày 12-1-2017 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành chỉ thị số 13 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Chỉ thị này nêu rõ: “Kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân vùng dự án; đồng thời xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt, cấp phép đầu tư”. Rừng ven biển ở An Phú, TP Tuy Hòa là rừng phòng hộ xung yếu, không thể phá để làm du lịch như vậy được. Mấy tháng nay tỉnh vẫn cho phá rừng trong khi xin Thủ tướng có nghĩa là làm trái chỉ thị của Ban Bí thư.

Sở NN&PTNT phản đối

Ngay từ đầu, Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên đã công khai phản đối việc phá rừng phòng hộ để làm các dự án du lịch. Bằng chứng là ngày 22-1-2013, phó giám đốc Sở NN&PTNT Cao Hữu Lộc ký văn bản gửi Sở TN-MT tỉnh Phú Yên nêu quan điểm chỉ thống nhất sử dụng rừng phòng hộ để kinh doanh cảnh quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Sở này không đồng tình việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Lý do được ông Lộc đưa ra là khu này có tới 107ha rừng phòng hộ xung yếu có chức năng chắn gió, chắn cát từ biển vào đất liền.

Tại văn bản này, Sở NN&PTNT đề xuất giải pháp chỉ được sử dụng 5% diện tích thuê để xây dựng công trình, 10% làm đường mòn, điểm dừng chân, bãi đỗ xe. Có nghĩa là nếu cho nhà đầu tư thuê rừng thì phải giữ nguyên hiện trạng 85% diện tích. Bất chấp phản đối và đề xuất của Sở NN&PTNT, dự án vẫn được triển khai theo hướng chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ thành khu du lịch cao cấp.

Đến ngày 24-4-2015, phó giám đốc Sở NN&PTNT lúc này là ông Nguyễn Lý Nguyên cũng ký văn bản khẳng định đã thống nhất với New City chỉ sử dụng 30% diện tích đất rừng phòng hộ, tương đương 35ha. Nếu sau này phát sinh thêm nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng thì phải được sự đồng ý của UBND tỉnh.

Tuy nhiên, một lần nữa ý kiến của Sở NN&PTNT bị lãnh đạo tỉnh bỏ qua. Tại quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2.000 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến ký ngày 17-10-2016 xác định trên phần diện tích hơn 111ha rừng phòng hộ giao cho New City chỉ có 38% diện tích cây xanh, tức chỉ có hơn 42ha. Gần 70ha còn lại là đất xây 
dựng công trình.



DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ