Top

Doanh nghiệp bất động sản “cắn răng” chuyển nhượng dự án

Cập nhật 07/05/2014 13:21

Dù chịu lỗ, thậm chí là lỗ nặng nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) cũng phải cắn răng chuyển nhượng các dự án BĐS với giá rẻ để sớm cắt lỗ, giảm chi phí hoạt động.

Chuyển nhượng với giá bèo

Trải qua nhiều năm lỗ liên tiếp, mới đây, trong bản kế hoạch kinh doanh năm 2014, HĐQT công ty Intresco đã quyết định chuyển nhượng nhiều dự án đặc biệt là các dự án ở quận 2, quận 3 và quận 9. Để thực hiện kế hoạch trên, trong năm 2014, Intresco sẽ tích cực đàm phán nhằm chuyển nhượng dự án Intresco Tower. Theo đại diện công ty, đến cuối năm 2013, công ty đã thỏa thuận xong việc chuyển nhượng và đã thu về 40 tỉ đồng, 220 tỉ đồng còn lại dự kiến sẽ thu về trước 30.4.

Theo Tổng giám đốc Trương Minh Thuận, việc chuyển nhượng các dự án không chỉ giảm tải áp lực từ phía ngân hàng mà còn để công ty sớm thoát lỗ trong năm tới.

Dù không lỗ nhiều như Intresco nhưng công ty Vạn Phát Hưng cũng lên kế hoạch chuyển nhượng dự án trong năm 2014. Cụ thể, công ty sẽ chuyển nhượng/thanh lý đất dự án quận 9, với tổng diện tích khoảng 20.000m², giá bán dự kiến khoảng 1,8 triệu đồng/m² và doanh số bán khoảng 36 tỉ đồng.

Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Vạn Phát Hưng, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, tình hình thị trường BĐS hiện nay còn rất trầm lắng, tính thanh khoản và nhu cầu còn thấp, mặt bằng giá bán cũng bị giảm nhiều nên công ty phải đưa ra chính sách chuyển nhượng phù hợp với tình hình thực tế.

Mới đây nhất, ngày 23.4 Công ty CP Phát triển hạ tầng và Bất động sản Thái Bình Dương cũng hoàn tất việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án Water Garden (quận Thủ Đức) cho Công ty Đất Xanh với giá khoảng 90 tỉ đồng.

Nhiều dự án buộc phải chuyện nhượng hoặc hợp tác góp vốn để giảm chi phí. Ảnh: Giang Nam

Cùng cảnh ngộ trên, tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam cũng đang chịu sức ép phải chuyển nhượng bớt BĐS do trót đầu tư quá tay vào hàng loạt dự án khủng. Với công ty Phát Đạt, ngoài hoạt động mở rộng sang lĩnh vực khai thác khoáng sản, trong năm 2014, công ty sẽ kêu gọi hợp tác một số dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Nội dung chính này đã được thông qua trong đại hội đồng cổ đông thường niên 2014 của Phát Đạt.

Áp lực từ ngân hàng?

Có rất nhiều lý do được các doanh nghiệp đưa ra. Có những doanh nghiệp vì trót đầu tư vào quá nhiều lĩnh vực nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn, có doanh nghiệp bị vướng mắc ở khâu giải tỏa, đền bù... Nhưng có một điểm khá trùng hợp là phần lớn các doanh nghiệp đều chịu áp lực không nhỏ từ lãi suất vay ngân hàng.

Trường hợp khó khăn nhất phải kể đến công ty CP Xây dựng và Kinh doanh vật tư – C&T. Vì kết quả kinh doanh thua lỗ qua nhiều năm, mới đây nhất, C&T đã nhận quyết định rời khỏi sàn chứng khoán.

Lý giải nguyên nhân lỗ triền miên, Chủ tịch HĐQT Phạm Quốc Khánh cho rằng, nền kinh tế vẫn còn suy thoái, tồn đọng BĐS vẫn còn cao dẫn đến khó khăn chung. Trong đó hai nguyên nhân chính dẫn đến kết quả thua lỗ của C&T vẫn là do dư nợ quá hạn, chiếm 63% tổng nợ, dẫn đến chi phí tài chính cao, lợi nhuận đạt được không đủ bù chi phí và việc bị mất cân đối nguồn vốn ngắn hạn và dài hạn. Theo ông Khánh, công ty vẫn đang đàm phán với ngân hàng để chuyển các khoản nợ từ trung hạn sang dài hạn để công ty có thời gian thay đổi.

Theo bà Trần Thị Hường - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Cố vấn điều hành công ty Phát Đạt, năm 2014, công ty sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu tài chính thông qua việc cơ cấu các khoản nợ vay từ ngắn hạn sang dài hạn để giảm khó khăn tài chính với công ty trong việc triển khai thi công các dự án đang có.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc các doanh nghiệp BĐS đua nhau chuyển nhượng dự án để giảm áp lực lãi suất từ ngân hàng là hết sức bình thường. Có chăng các chính sách cần thông thoáng hơn để các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc chuyển nhượng.

DiaOcOnline.vn - Theo Một Thế giới