Hàng nghìn hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án giao thông đô thị trọng điểm TP.Hà Nội như dự án đường Vành đai 1, Vành đai 2… đang chịu nhiều hệ lụy vì dự án chậm triển khai nhiều năm, chưa biết bao giờ mới hoàn thành.
Đoạn đê Nguyễn Khoái - Ô Đông Mác thuộc dự án đường vành đai 1 vẫn đang “nằm trên giấy” - Ảnh: Nguyễn Tuấn
|
Hơn 20 năm qua, hơn 700 hộ dân thuộc các phường Thanh Lương, Bạch Đằng, Ô Đông Mác, Thanh Nhàn (Q.Hai Bà Trưng) sống trong khổ sở vì nằm trong quy hoạch dự án đường Vành đai 1, đoạn đê Nguyễn Khoái- Ô Đông Mác. Căn nhà bà Nguyễn Thị Hạnh (58 tuổi, ở tổ 6, P.Thanh Lương) nằm ngay trên đường đê Trần Khát Chân chỉ rộng 33 m2 vừa là nơi kinh doanh buôn bán hàng ăn uống, vừa là nơi sinh sống chen chúc của 3 thế hệ gia đình với 10 nhân khẩu. “Bao nhiêu năm qua, cuộc sống gia đình bị xáo trộn vì toàn bộ nhà cửa nằm trong qui hoạch của dự án treo. Mùa hè ngột ngạt nóng bức chẳng khác gì lò bánh mì. Nhà cửa chật chội, xuống cấp, ẩm thấp, tường vôi tróc lở, nứt ngang nứt dọc mà không dám gia cố sửa chữa, trong khu này hễ nhà ai sửa chữa gì lại bị phạt. Ở không được mà đi cũng chẳng xong”, bà Hạnh than thở.
Chung tình cảnh, gia đình ông Lại Văn Chất (68 tuổi, tổ 3, P.Thanh Lương) cũng đang mòn mỏi đợi dự án triển khai để ổn định cuộc sống gia đình. Ông Chất sốt ruột cho hay, một vài hộ xung quanh đã rục rịch được chính quyền giao tiền đền bù đất nhưng chờ mãi từ năm này qua năm khác đến bây giờ vẫn chưa có thông báo gì.
Cùng nằm trong qui hoạch dự án này, nhiều gia đình đã được chính quyền giao tiền đền bù đất nhưng thời điểm chúng tôi hỏi vẫn chưa có kế hoạch di dời đến nhà tái định cư. Đơn cử như trường hợp gia đình ông Đinh Văn Phận (79 tuổi, tổ 3B, P.Thanh Lương). Căn nhà vẻn vẹn 38 m2 là nơi sinh sống của 17 người với 4 thế hệ trong gia đình. Mới đây, gia đình đã đồng ý với phương án di dời, hỗ trợ đền bù của Ban GPMB Q.Hai Bà Trưng, nhưng hiện tại vẫn chưa biết ở đâu vì chưa được bố trí tái định cư.
Tương tự, các hộ dân nằm trong vùng quy hoạch dự án đường vành đai 2 nhiều năm qua cũng sống khổ sở vì dự án chậm triển khai. Theo phản ánh của các hộ dân, trong năm 2013 chính quyền đã đưa ra mức giá đền bù, yêu cầu tới ngày 31.12.2013 là hạn cuối cùng phải di dời. Thế nhưng cho tới nay, các hộ dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù theo kế hoạch. Trong khi đó, nhiều nhà đã rục rịch đập phá, đổ phế thải bừa bãi gây cản trở giao thông.
Chị Lê Thị Liên, ở số 229 Trường Chinh, Q.Đống Đa) bức xúc: “Đường xá vốn đã chật hẹp giờ càng thêm chật chội, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra. Khói bụi mù mịt, ngồi trong nhà cũng phải bịt khẩu trang. Không biết đợi đến bao giờ chúng tôi mới dời đi được”. Gần một năm nay, gia đình bác Trần Thị Vĩ ở đường Trường Chinh, Q.Đống Đa cũng mòn mỏi đợi chờ dự án triển khai để ổn định cuộc sống gia đình. “Thấy một vài hộ xung quanh đã được chính quyền giao tiền đền bù đất nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy có thông báo gì”- bác Vĩ sốt ruột. Căn nhà chỉ rộng hơn 30m2 của bà Vĩ vừa là nơi chung sống của 6 người trong gia đình vừa là cửa hàng kinh doanh sắt thép. Khói bụi ô nhiễm khiến hàng quán kinh doanh ngưng trệ hẳn. Nhiều hộ dân trong khu vực cũng không dám lấy hàng về bán vì đất thuộc vào dự án qui hoạch.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: