Dù đã ra quân nhiều lần, cũng nhiều lần cả Bí thư lẫn Chủ tịch TP Hà Nội có ý kiến chỉ đạo và giao thời gian xử lý dứt điểm. Tuy vậy, tới nay mỗi lần báo cáo tình hình xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo thì các sở, quận luôn nhắc lại điệp khúc “tuy cố gắng nhưng vẫn tồn tại”.
Bao giờ là thời hạn cuối?
Việc đề xuất xử lý những nhà siêu mỏng siêu méo đã được đặt ra từ hơn chục năm trước. Tuy nhiên, đến năm 2011 thì Hà Nội thể hiện quyết tâm cao khi lập ban chỉ đạo để giải quyết dứt điểm vấn nạn này. Đến năm 2012 và 2013, lãnh đạo Hà Nội tỏ ra sốt ruột với tiến độ giải quyết của các sở, quận nên liên tục đề ra các mốc thời gian giải quyết dứt điểm.
Cuối năm 2012, UBND TP ra chỉ đạo xử lý dứt điểm nhà siêu mỏng siêu méo đến hết hết quý 1.2013.Tuy nhiên, báo cáo của sở Xây dựng đến hết tháng 3, các quận huyện mới chỉ xử lý được 345/597 trường hợp siêu mỏng, siêu méo. Trong số đó, quận Ba Đình còn tới 69 trường hợp đang xử lý, tiếp sau là Hà Đông còn 34 trường hợp…
Đường vành đai I (đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu) có 58 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo.
|
Trong văn bản báo cáo lãnh đạo TP cách đây gần hai năm, Phó GĐ Xây dựng kêu khó xử lý nhà siêu mỏng siêu méo khi các cấp chính quyền còn chậm và lúng túng trong việc giải quyết.
Lãnh đạo Sở Xây dựng thẳng thắn thừa nhận “ngay từ đầu việc lập tiến độ xử lý chưa cụ thể hoặc nếu có tiến tiến độ cũng không thực hiện được. Do vậy đến nay trong báo cáo của một số quận huyện cũng không có tiến độ xử lý cụ thể”.
Sau lần lỗi hẹn này, các mốc thời gian mới lại được các lãnh đạo TP Hà Nội áp xuống. Cụ thể, không thể dứt điểm từ quý 2.2013 nên thời hạn được lùi sang cuối quý 4, hết quý 4.2013 thì vắt sang đầu quý 1.2014.
Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất, trong số hơn 600 công trình siêu mỏng siêu méo, sau một thời gian xử lý hiện Hà Nội còn 192 nhà siêu mỏng siêu méo.
Chậm xử lý vì có “thỏa thuận ngầm”
Trong 600 trường hợp nhà siêu mỏng siêu méo, để thanh toán gần 200 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo còn lại này, GĐ sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng nhận định “hết sức khó khăn”.
Theo người đứng đầu Sở Xây dựng Hà Nội, một số công trình xây dựng từ năm 2007 (thời điểm chưa có quy định về các diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng) nên phải có phương án thu hồi, tái định cư cho chủ sở hữu những công trình này.
“Trong khi đó kinh phí để thu hồi, lo tái định cư cho dân là hết sức khó khăn. Chẳng hạn, tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, trong tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng đầu tư, kinh phí giải phóng mặt bằng đã ngốn hết 700 tỷ đồng, chỉ còn 300 tỷ đồng cho việc thi công đường. Nếu thu hồi hết diện tích 2 bên tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu ngân sách nhà nước sẽ không đủ” ông Hùng dẫn chứng nguyên nhân khó khăn trong việc xử lý nhà siêu mỏng siêu méo.
Nhận xét về sự ì ạch xử lý nhà siêu mỏng siêu méo tại Hà Nội, KTS Trần Trọng Hanh, Phó Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc (hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho rằng việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trong thời gian qua của các cấp sở, quận vẫn không mang tính thường xuyên, chỉ khi có cấp trên giục thì mới ra quân xử lý nên xử lý không đủ sức răn đe. Thậm chí, vị KTS này còn rằng “Hà Nội không đủ sức làm”.
Trước việc xử lý chậm trễ khi các mốc thời hạn cuối cùng liên tục bị nới thêm, vắt từ năm 2012 sang đến hiện tại, vào cuối tháng 3 vừa qua Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã xuống kiểm tra tuyến đường điểm nóng về xử lý nhà siêu mỏng siêu méo.
Nói với lãnh đạo quận Đống Đa tại hiện trường “điểm đen” nhà siêu mỏng siêu méo, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ rõ: “Không ít nơi nguyên nhân chủ yếu đều do công tác cán bộ, biết sai phạm vẫn cố tình làm ngơ. Thậm chí còn thỏa thuận ngầm, bắt họ nộp tiền rồi không phá dỡ”.
Yêu cầu tập trung xử lý tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, Bí thư Phạm Quang Nghị cho biết sẽ nhìn vào đó để đánh giá chất lượng lãnh đạo của Bí thư, Chủ tịch quận Đống Đa.
“Nếu còn để tình trạng “thò ra, thụt vào” lãnh đạo quận Đống Đa sẽ phải chịu trách nhiệm”.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: