Top

Đô thị Việt Nam: Lộn xộn từ tư duy

Cập nhật 08/11/2008 11:07

Kiến trúc đô thị có quy hoạch nhưng nham nhở, tự phát; quá trình đô thị hoá đã biến những vùng ven vốn là làng xã thành đô thị, người dân mạnh ai nấy xây, tạo nên những diện mạo kiến trúc khá manh mún, lộn xộn, trong khi hạ tầng các khu đô thị mới lại chưa được gắn kết với quy hoạch tổng thể... đã khiến bộ mặt đô thị VN trong những năm đầu thế kỷ 21 vẫn chưa có diện mạo, hình thù.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng các chuyên gia dự hội thảo "Quy hoạch phát triển đô thị VN - cơ hội và thách thức" do Hội Quy hoạch phát triển đô thị tổ chức ngày 7.11 - đã đặt ra vấn đề cần thay đổi tư duy làm quy hoạch để sớm rút ngắn khoảng cách tụt hậu về phát triển đô thị so với khu vực.

Thiếu bản sắc


Theo TS Phạm Hùng Cường - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội - thì quy hoạch HN đang phải đối mặt với thực trạng gia tăng dân số đô thị tập trung đột biến vào các khu vực làng, xã giáp ranh nội đô và lấp đầy các làng, xã đã lọt vào nội đô.

Từ những năm 1986 đến 2003, nhu cầu nhà ở bùng nổ do suốt thời gian bao cấp, người dân không được xây dựng, đã tạo nên làn sóng dãn dân nội thành, mua đất trong các làng, xã nội đô và giáp ranh để xây dựng.

Các làng xã như Ngọc Hà, Nhật Tân, Nghi Tàm, Quảng Bá, Vĩnh Tuy, Giáp Bát... được lấp đầy và nhanh chóng trở thành các khu vực dân cư đô thị có mật độ xây dựng cao. Các tuyến đường phát triển ra vùng ven cũng nhanh chóng được bao bọc hai bên bởi hệ thống nhà chia lô, tạo nên diện mạo kiến trúc manh mún, lộn xộn.

Từ năm 2003 trở lại đây, quá trình đô thị hoá phức tạp hơn bởi làn sóng phát triển các khu đô thị mới khá mạnh như Linh Đàm, Trung Hoà, Nhân Chính, Mỹ Đình, Việt Hưng, Ciputra... tác động không nhỏ đến các khu vực phụ cận như các làng, xã thuộc huyện Từ Liêm, Thanh Trì, Long Biên, hình thành các khu - cụm CN thu hút lực lượng lao động...

Tuy nhiên, quy hoạch dường như không đáp ứng được sự phát triển tự phát này. "Hơn 20 năm nay, chưa có một làng xã đô thị hoá nào được quy hoạch và nếu áp dụng các cách thức quản lý quy hoạch hiện nay vào khu vực này, thì các quy hoạch hầu như không có tính thực tiễn và đang trở thành những quy hoạch treo" - ông Cường nói.

Bộ mặt thành phố và các đô thị VN đang cùng lúc du nhập cả 2 khuynh hướng: Bên cạnh các khu đô thị mới theo xu hướng khép kín, thì những khu đô thị làng, xã tự phát lại lan toả trên diện rộng (tuỳ theo mật độ làng, xã), kèm theo đó là ra đời các hình thái kiến trúc "siêu mỏng, siêu méo", bám theo các trục đường quốc lộ từ nội thành ra ngoại thành, ở những vị trí mặt tiền, càng tạo nên ấn tượng đô thị xấu xí, thiếu bản sắc.



Quy hoạch kém tạo nên những diện mạo kiến
trúc manh mún, lộn xộn ngay tại thủ đô Hà Nội.


Không có quy hoạch không gian ngầm đô thị

Vấn đề "nóng" được nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Kiểm - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN - nêu ra là từ năm 1997, Bộ Xây dựng đã thấy nhiều lỗ hổng của công tác quy hoạch không gian ngầm đô thị, nên đã đề xuất Chính phủ thành lập Tổ công tác chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết để triển khai quy hoạch các công trình ngầm.

Tuy nhiên, cho đến bây giờ, việc hoạch định mới chỉ dừng lại ở xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ các công trình bên trên, chứ chưa đặt ra vấn đề quy hoạch không gian ngầm đô thị như là một việc tối cần thiết khi quy hoạch đô thị.

Ông Kiểm cho biết: Khai thác không gian ngầm tốt chính là tạo điều kiện tối ưu để xây dựng các công trình trên mặt đất và phát triển diện tích cây xanh, giảm ô nhiễm. Điều này cũng giảm đáng kể nạn đào bới đường sá, xử lý cống rãnh vô tội vạ gần đây.

Vì chưa có một quy hoạch bài bản, thiếu hệ thống công trình ngầm thoát nước, đường ống cấp nước chôn ngầm, hệ thống tầng hầm, đường ngầm đô thị, trong tương lai còn có hệ thống đường ống dẫn khí, bãi đỗ xe, đường bộ, đường ôtô, tàu điện ngầm, bể chứa... nên phát triển đô thị của nước ta đang gặp nhiều vấn đề bất cập như quá tải về giao thông, diện tích hồ nước và cây xanh tính trên đầu người bị thu hẹp, môi trường đô thị suy thoái. Gặp những trận hồng thuỷ lịch sử với tần suất nước lên đến 500-600mm thì HN sẽ trở thành biển nước là điều không tránh khỏi.

Ông Phạm Sĩ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN - cho rằng: Cần đổi mới tư duy lập quy hoạch xây dựng. Trong khi thế giới đã tiến rất xa khi xây dựng các đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường thì VN đang lặp lại các môtíp nhà tổ chim, hình ống, cao chọc trời, nhưng hiệu quả sử dụng không cao.

Đành rằng có những quy hoạch do lịch sử để lại, nhưng có quy hoạch đô thị tốt không có nghĩa là sẽ có đô thị tốt. "Vấn đề là phải có bộ máy quản lý đô thị đủ mạnh để quy hoạch không bị phá vỡ, như kiểu "chiều lòng" các nhà đầu tư để rồi hình thành các khu đô thị theo ý họ, chứ không theo quy hoạch.

Nguyên Kiến trúc sư trưởng HN - ông Nguyễn Lân cũng khẳng định: Chính quyền không đủ mạnh thì không thể bắt dân tuân thủ pháp luật, vì vậy tình trạng lộn xộn, tự phát lại tái diễn thì không thể có đô thị như mong muốn.

Ông Nguyễn Mạnh Kiểm - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN:

Nhiều chủ đầu tư ở TPHCM đã đặt vấn đề với các cơ quan chức năng cung cấp văn bản quản lý xây dựng ngầm để triển khai xây dựng dự án. Nhưng thực tế là hiện chưa có đầy đủ quy định về quản lý không gian ngầm, công trình ngầm cũng như các văn bản về việc khai thác sử dụng công trình ngầm.

Vì vậy, đề nghị Bộ Xây dựng cần sớm đặt vấn đề khảo sát, đánh giá hiện trạng hệ thống công trình ngầm và không gian ngầm đô thị, các dự án điều tra địa chất thuỷ văn và các chướng ngại vật hiện có để hoạch định dự án quy hoạch phát triển công trình ngầm.

Công trình hạ tầng kỹ thuật cần đi trước trong việc xây dựng thành phố, sẽ tránh được tình trạng đào bới bừa bãi. Với các đô thị cũ phải từng bước chuyển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên mặt đất xuống hệ thống tuynen kỹ thuật dưới mặt đất, giải toả dần các ách tắc giao thông bằng các nút giao thông cắt lập thể hoặc chui ngầm dưới lòng đất...

PGS-TS Trần Thị Hường - Đại học Kiến trúc Hà Nội:


Tỉ lệ bao phủ dịch vụ thoát nước đô thị mới đạt 40-50% so với nhu cầu nên tình trạng úng ngập vẫn thường xuyên xảy ra ở nhiều đô thị khi mưa to, triều cường; diện ngập rộng, thời gian ngập lâu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.

Hiện nay, hầu hết các đô thị đều sử dụng hệ thống thoát nước chung (cả nước mưa, nước thải sinh hoạt và sản xuất), chưa qua xử lý mà xả thẳng ra nguồn tiếp nhận, ngoại trừ một số ít đô thị và một số bệnh viện, KCN (KCN Bình Dương, Nomura, Bắc Thăng Long) đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Bên cạnh đó, những năm gần đây tốc độ phát triển đô thị tăng nhanh nhưng còn bất cập giữa quy mô, số lượng, dân số đô thị với hạ tầng kỹ thuật yếu kém. Tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng và ngày càng xuống cấp sẽ là những trở lực lớn, tăng nguy cơ tụt hậu của VN so với các nước khu vực...

TS Nguyễn Hồng Tiến - Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng):


Hiện công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị có chất lượng chưa cao, tầm nhìn hạn chế, dự báo nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa vững chắc, nhiều phát sinh chậm được phát hiện và chậm điều chỉnh.

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã tiến hành thẩm định một số quy hoạch xây dựng chuyên ngành như quy hoạch phát triển giao thông HN, TPHCM, hệ thống bãi đỗ xe HN, Đà Nẵng, Huế, TPHCM, hay ban hành các quy hoạch thoát nước, quản lý chất thải rắn...

Tuy nhiên tính thống nhất và đồng bộ với quy hoạch vùng, quy hoạch chung xây dựng đô thị chưa rõ nét, thiếu dự báo. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ sắp tới của bộ là tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, đảm bảo sự thống nhất giữa quy hoạch xây dựng với quy hoạch phát triển ngành, tập trung các quy hoạch có tính chất liên vùng, liên đô thị.


>Nhân Ngày Đô thị Việt Nam 8/11: Những gì làm hôm nay đừng cản trở sự phát triển ngày mai


DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động