Top

Đô thị nham nhở, méo mó, Bộ Xây dựng vì ai?

Cập nhật 14/03/2014 08:18

Dự thảo khiến các chuyên gia lo ngại kiến trúc đô thị bị phá nát, đồng thời sẽ đẩy nhiều địa phương vào tình huống khó.

Bộ Xây dựng mới ban hành Dự thảo quy chuẩn Việt Nam về quy hoạch đô thị và thiết kế cảnh quan với nội dung kích thước tối thiểu lô đất xây dựng nhà ở liền kề là 25m2 (rộng 2,5m, dài 10m).

Bộ làm khó địa phương

KTS Nguyễn Tiến Thuận, cho rằng, nếu dự thảo được thông qua vấn đề quy hoạch kiến trúc, cảnh quan đô thị sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề.

Nhà siêu mỏng, siêu méo

Căn hộ 25m2 để phục vụ mục đích làm nhà ở, nghĩa là nó phải thỏa mãn những yêu cầu tối thiểu cho người dùng. Với không gian trong phòng, phải đảm bảo đủ kê giường ngủ, tủ cá nhân… như vậy diện tích tối thiểu cho một phòng cũng phải từ 8-10m2.

Vậy mà, chỉ với một sàn khống chế 25m2, tức là công năng sử dụng đã bị ép rất chặt như cầu thang, khu vệ sinh điều này dẫn đến bị sai lệch thiết kế, không đảm bảo diện tích tối thiểu cho không gian một phòng.

Thứ hai, xét về không gian bên ngoài, sẽ xảy ra tình trạng một căn hộ 25m2 nhưng được chồng lên khoảng 4-5 tầng. Khi lưu thông với vận tốc tương đối nhanh, với điểm nhìn xa, những công trình diện tích nhỏ nhưng lại cao lớn trông sẽ rất thiếu thẩm mỹ, không đảm bảo cảnh quan đô thị.

Hiện tượng này thường thấy ở các đô thị Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội. Ở nước ngoài, nếu những công trình để tồn tại được trên các tuyến phố lớn, có điểm nhìn xa bắt buộc phải tuân thủ nguyên tắc ví dụ công trình đó phải đảm bảo có điểm nhấn, cổ kính, sáng tạo...

Thứ hai là nó phải có khoảng lùi của công trình so với trục đường giao thông, so với thông số chỉ giới đường, chỉ số xây dựng để có những chỉ đạo về thẩm mỹ, cảnh quan chung.

Như vậy, Bộ Xây dựng hoàn toàn không xét tới vấn đề thẩm mỹ, cảnh quan.

Theo KTS Thuận, chắc chắn dự thảo sẽ gặp phản ứng rất nhiều từ giới chuyên môn. Nếu dự thảo chính thức được bàn hành, khi Bộ Xây dựng nhìn nhận được ra vấn đề thì việc đi giải quyết khắc phục hậu quả của nó là rất nặng nề.

Ông Thuận phân tích, dự thảo cũng mâu thuẫn với chính quy định của Bộ Xây dựng trước đây. Bộ Xây dựng từng ban hành tiêu chuẩn thiết kế nhà ở, trong đó quy định diện tích tối thiểu phải từ 40-45m2, chiều rộng diện tích đất phải lớn hơn hoặc bằng 5m.

"Hiện nay, Hà Nội đang cố gắng xóa bỏ những nhà siêu mỏng, siêu méo. Làm như vậy, Bộ Xây dựng đang mâu thuẫn với chính mình đồng thời làm khó các tỉnh thành khác. Tôi chắc rằng, không chỉ Hà Nội mà rất nhiều tỉnh thành, đô thị khác cũng sẽ có những phản ứng. Ngay cả giới KTS cũng không đồng tình với quy định này"- vị KTS kết luận..

Bộ Xây dựng vì ai?

Trong khi đó KTS Tôn Đại đặt câu hỏi, Bộ Xây dựng làm vậy sẽ có lợi cho ai, là lợi cho chủ đầu tư hay lợi cho người dân, cho xã hội?

Có thể, đây là cách Bộ Xây dựng đang mở đường cho các chủ đầu tư chia lô nhỏ, bán đất. Nhưng như vậy cũng đồng nghĩa với việc các đô thị sẽ đẻ ra hàng loạt những ngôi nhà như tổ chim, chuồng cọp làm biến dạng, méo mó hình ảnh đô thị.

Đây là vấn đề không đơn giản mà Bộ Xây dựng cần phải có sự tính toán, kỹ lưỡng.

KTS Nguyễn Văn Định lại bày tỏ bất ngờ trước quy định ngược đời của Bộ Xây dựng. Quy định này không chỉ biến không gian, cảnh quan, kiến trúc đô thị trở thành nham nhở, méo mó mà cũng không khả thi và không thể áp dụng trong thực tế.

"Bất cứ một quy định nào đưa ra cũng phải có sự tính toán để người dân không sử dụng được vẫn có thể chuyển đổi thành một không gian đảm bảo nhu cầu cho một gia đình ở được.

Nhất là với nhà chia lô, chung cư liền kề, diện tích 25m2 không thể đảm bảo phục vụ nhu cầu sử dụng tối thiếu cho người dân: - ông Định phân tích.

Ông cho rằng, về mặt chuyên môn, vấn đề này rất dễ dàng có thể nhận ra, vì vậy, không hiểu tại sao Bộ Xây dựng lại có thể đưa ra một dự thảo vô lý như trên.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt