Top

Đồ án Quy hoạch khu vực ga Hà Nội: Kỳ vọng sẽ cải tạo để đô thị văn minh

Cập nhật 21/09/2017 11:10

Đó là ý kiến của nhiều người dân tại ba quận: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng liên quan đến đề xuất cải tạo không gian kiến trúc khu vực ga Hà Nội.

Về cơ bản, nội dung chi tiết của Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, đang lấy ý kiến các bộ, ngành. Các quy hoạch phân khu chi tiết vì thế người dân chưa nắm bắt rõ nét.

“Lá phổi chết”, chung cư ngập sâu 15cm?

Trưa ngày 20/9, nhóm phóng viên Kinh tế & Đô thị có mặt khảo sát tại hồ Linh Quang và khu tập thể cũ (KTTC) Văn Chương (phường Văn Chương, quận Đống Đa) – hai khu vực nằm trong Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2000. Qua thực tế, phóng viên ghi nhận tình trạng nước hồ đen sì, nhiều chỗ bọt nổi trắng xóa. Mặt hồ gần như bị che khuất bởi các loại bèo, cây dại và nhiều nhất là rác thải sinh hoạt. Từ đây, hồ Linh Quang xuất hiện cái vòng luẩn quẩn "lấn chiếm - xây dựng nhà cho thuê - xả thải sinh hoạt" khiến hồ trở thành một cái ao tù chứa đầy rác thải, tiềm ẩn dịch bệnh, mất an ninh trật tự.

Khu vực tàu đợi xuất phát tại ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Hầu hết những người sinh sống xung quanh hồ Linh Quang ví hồ như “lá phối chết” đã hàng chục năm. Bà Nguyễn Thị Toan - nhân viên ga Hà Nội (đã nghỉ hưu) bức xúc: “Sống

Nếu Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận được triển khai, việc cải tạo đồng bộ hạ tầng với những con đường lớn mở rộng sẽ tạo nên diện mạo mới cho khu vực.

Chủ tịch UBND phường Văn Chương Vũ Tiến Hưng
 

Chúng tôi mong muốn làm sao cải tạo, chỉnh trang khu vực quanh gà Hà Nội càng sớm càng tốt. Thứ nhất, chất lượng sống của người dân được cải thiện. Thứ hai, bộ mặt đô thị nhìn chung thoát được sự nhếch nhác, trở nên hiện đại và văn minh hơn.

Ông Phạm Ngọc Thi, nhà A6 khu tập thể cũ Văn Chương

trong một quận chính ở ngay giữa Thủ đô, cho đến bây giờ tôi chưa thấy có một cái hồ nào ô nhiễm như hồ Linh Quang. Ô nhiễm đến mức xung quanh hồ toàn rác rưởi bẩn thỉu, người dân còn không dám trồng rau ăn”.

Ngay cạnh khu vực hồ Linh Quang, KTTC Văn Chương cũng đang ở trong tình trạng xuống cấp và mất an toàn. Nhà cũ kĩ, chật chội, nhiều căn hộ ở đây chưa đầy 25m2 cho một gia đình. Khoảng 20 tòa nhà cao từ 2 – 5 tầng được xây từ những năm 60 của thế kỷ trước giờ đã xập xệ, nhiều căn hộ đã lún nứt và có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Đường lên khu tập thể giống như đi vào hang tối, nền nhà bẩn và nhầy nhụa đất cát rơi từ trên trần. Ông Phạm Ngọc Thi, nhà A6 KTTC Văn Chương phản ánh: “Mưa lớn hơn 100mm trong khoảng 2 giờ thì KTTC này ngập sâu đến hơn 15cm do tiêu thoát nước chậm. Nhà tôi đã tôn nền lên 30cm so với cốt nền cũ mà vẫn bì bõm trong nước”.

Từ thực trạng hai khu vực trọng điểm nằm trong Đồ án, khi phóng viên đề cập đến câu chuyện cải tạo khu vực ga Hà Nội với diện tích khoảng 98ha, ông Nghiêm Xuân Kỳ - Bí thư cụm dân cư số 1, phường Văn Chương cho biết: “Một sự thật cần nhìn nhận là bộ mặt đô thị khu vực xung quanh ga Hà Nội nói chung và khu vực phường Văn Chương nói riêng giờ đây đã quá xuống cấp”. Vì lẽ đó, ông Nghiêm Xuân Kỳ ủng hộ nếu Hà Nội quyết tâm thực hiện cải tạo đồng bộ khu vực xung quanh ga để mang tới môi trường sống văn minh hơn cho người dân. Đây là xu thế phát triển chung của những đô thị tiên tiến trên thế giới. Tất nhiên, khi thực hiện quy hoạch, khó tránh khỏi một bộ phận người dân bị ảnh hưởng về quyền lợi. Do vậy, TP phải tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu, để hướng tới tương lai.

Một cuộc cách mạng cần sự ủng hộ

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND phường Văn Chương Vũ Tiến Hưng cũng cung cấp thêm thông tin về việc Sở QH&KT đã đặt lịch làm việc, tuy nhiên, chưa xuống địa bàn nên phường chưa nắm được cụ thể nội dung Đồ án. Theo ông Hưng, nếu Đồ án được lấy ý kiến từ phường, ông tin rằng đa phần người dân đều ủng hộ. Vì hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông lẫn chất lượng KTTC Văn Chương, hồ Linh Quang trên địa bàn phường đều xuống cấp trầm trọng. Văn Chương là địa bàn có mật độ dân cư đông nhưng hạ tầng giao thông kết nối với các nút giao quanh khu vực rất kém, tình trạng ùn ứ thường xuyên xảy ra.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sự - Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Văn Miếu phân tích, việc cải tạo không gian kiến trúc quanh quần thể ga Hà Nội là hợp lý. Có thể lấy lui về phía Nam phường Văn Miếu, vừa giải tỏa những nhà dân sinh xuống cấp, lại cải tạo được KTTC Văn Chương, tạo nên một không gian rất thẩm mỹ, ôm lấy ga Hà Nội ở giữa. “Từ năm 1998 đến nay Thủ tướng đã ký ba quyết định về quy hoạch phát triển Hà Nội. Cả ba quyết định đó đều khẳng định ga Hà Nội là ga trung tâm TP. Ngoài ra, trên thực tế hiện nay các tuyến đường sắt đô thị lớn đang thi công đều đi vào ga Hà Nội (tuyến Nhổn - ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông, Yên Viên - Ngọc Hồi...). Như vậy, ga Hà Nội sẽ là điểm quy tụ tất cả tuyến đường sắt đô thị, phát huy vai trò điều phối toàn giao thông đô thị TP. Về mặt tinh thần, ga Hà Nội cũng như cầu Long Biên, Nhà hát Lớn Hà Nội... đều là các “biểu tượng” trong tâm hồn người Hà Nội. Đừng vì lý do gì đó mà xóa sổ nó” – ông Sự chia sẻ.

Nên lưu tâm đến vấn đề tầng cao

Bàn riêng về Đồ án, đứng về giác độ tổng thể, với tư cách là một người con Hà Nội (ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Bất động sản Toàn cầu), nếu thật khách quan phải thẳng thắn rằng: Nên tiến hành cải tạo. Cả khu vực ga đoạn đầu máy xe lửa nếu tiếp tục để xập xệ sẽ vừa xuống cấp, phí phạm và không quy củ. Vì vậy, Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận thật sự là một cuộc cách mạng để giải quyết việc này. Dù vậy, biểu tượng của ga Hà Nội với lối kiến trúc từ thời Pháp cổ, gắn bó với những thăng trầm của người Hà Nội không nên phá bỏ, chỉ cần tân trang lại. Tuy nhiên, không gian đằng sau cần xây dựng theo quy hoạch mới để cải tạo đồng bộ khu ga. Đồ án rất mạnh dạn khi đề xuất đường Nguyễn Du đi thẳng vào đầu máy toa xe lửa. Từ bên này, đường Lý Thường Kiệt cũng đi thẳng sang. Nút thắt của Khâm Thiên ra Lê Duẩn vì thế giải quyết được ách tắc giao thông.

Liên quan tới việc bố trí quy hoạch có những tòa nhà cao 40 - 70 tầng, một số ý kiến cho rằng nên xem xét thận trọng hơn và có thể rút bớt những mục tiêu chưa thật sự cấp thiết của cuộc sống để hướng tới tái tạo bộ mặt mới cho TP giải quyết được ách tắc giao thông. Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Văn Miếu Nguyễn Văn Sự nêu quan điểm: “Khung tầng đối với khu vực quanh ga Hà Nội không nên quá cao. Những cao ốc tối đa đến 70 tầng nên vươn ra phía ngoài các khu đô thị mới nhiều hơn. Không nên đưa vào vùng lõi, trở nên quá tải về mặt nhận thức lẫn cảm quan”.


DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT