Dù đạt được đánh giá hoàn thành 95%, nhiều hạng mục của dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vẫn dang dở. Toa tàu đưa về từ lâu bụi phủ dày.
Ga Nguyễn Trãi, một trong 12 ga của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, nhìn từ trên cao.
Nhìn bên ngoài nhiều người lầm tưởng tất cả đã hoàn thiện chỉ chờ đến ngày tàu vận hành chạy thử. Tuy nhiên, bên trong nhiều nhà ga vẫn còn ngổn ngang, các hạng mục thi công dang dở.
Theo kế hoạch của Bộ GTVT, Ban quản lý Dự án đường sắt (Bộ GTVT), đầu tháng 10/2017, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này của Hà Nội chính thức chạy thử liên động toàn hệ thống trước khi tiến hành khai thác thương mại vào quý II/2018.
Nhưng kế hoạch này đứng trước nguy cơ phá sản bởi các công trình, tòa nhà điều hành, nhà xưởng... của dự án đều chưa hoàn thành. Trong ảnh là ga Cát Linh (điểm đầu và lớn nhất toàn tuyến), vật liệu xây dựng ngổn ngang, tầng 1 và xung quanh giống như "bãi chiến trường".
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, dự án đang vướng mắc về khâu giải ngân số tiền hơn 250 triệu USD từ hiệp định bổ sung thêm vốn. Số kinh phí này bị chậm do các thủ tục pháp lý từ các bộ, ngành, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.
Ngày 19/9, lác đác vài công nhân, kỹ sư chạy đường dây cho hệ thống trên mặt đường ray bên ngoài ga Cát Linh.
Tại khu vực ga Ba La (quận Hà Đông), những kiện hàng lớn chứa vật liệu, dây dẫn kỹ thuật chất đống trên mặt đường ray, chờ lắp đặt.
Đầu giờ sáng 19/9, dù trong giờ làm việc, nơi đây vắng bóng kỹ sư, công nhân.
Với lý do chậm vốn, các thiết bị chưa sản xuất được hết và sẽ về chậm, không kịp tiến độ như dự kiến ban đầu. "Các nhà sản xuất chưa nhận được tiền nên họ chưa chuyển thiết bị về", một đại diện Ban quản lý Dự án Đường sắt chia sẻ với Zing.vn.
Lớp mặt sàn sân chờ lên xuống tàu tại nhà ga chưa được hoàn thiện. Theo đánh giá của BGTVT, công trình toàn tuyến đã hoàn thành 95% giá trị xây lắp nhưng vẫn cần kinh phí để hoàn thiện các hạng mục cuối cùng.
Bên trong sảnh chờ tầng 2, nhiều kiện thiết bị xếp chồng chất, hạ tầng điện, điều hòa, camera giám sát... đang thi công dang dở.
Tuyến đường sắt khởi công từ năm 2011 này sau nhiều lần chậm tiến độ, tổng số vốn đã đội lên đến hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng).
Hạ tầng bên dưới mặt đất của ga Ba La, cầu thang chưa hoàn thiện, che chắn tạm bợ, nền hè tiếp giáp mặt đường ngổn ngang gạch đá.
Cầu thang bộ từ vỉa hè lên xuống nhà ga nhếch nhác, chằng chắn lan can bằng các ống sắt tạm bợ cùng các tấm lưới bạt rách rưới.
Cầu thang bộ dẫn vào nhà ga ngổn ngang giàn giáo, ngập trong nước mưa như ao tù tụ đọng lâu ngày.
Tại ga La Khê, nhà ga được hoàn thiện sớm nhất về hạ tầng để đặt toa tầu mẫu cho nhân dân tới tham quan, góp ý trong suốt một tháng nay cũng không có thêm nhiều tiến triển. Các tòa tàu không được che phủ đang bị bụi bám.
Một số công trình phụ trợ chưa được hoàn thiện, thân tàu lâu ngày không được quan tâm bảo dưỡng cũng bị phủ bụi dày.
Theo kế hoạch, đến tháng 10/2017, tàu đường sắt sẽ chạy thử liên động toàn hệ thống, thời gian 3-6 tháng. Dự kiến, quý II/2018 dự án đưa vào khai thác thương mại. Với khung cảnh như hiện tại, khả năng chạy thử tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Việt Nam này còn phải lùi lại nhiều tháng nữa.
Người đi đường dọc tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú đặc biệt là trục cửa ngõ phía Tây Nam thành phố sẽ còn phải chịu cảnh ùn tắc trong một thời gian dài trước khi loại hình phương tiện công cộng này hoạt động.
DiaOcOnline.vn - Theo Zing
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: