Ngày 21/8, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) công bố thu giữ tòa nhà để xử lý khoản nợ 7.000 tỷ đồng của Công ty CP Sài Gòn One Tower (trước đây là Công ty CP Địa Ốc Sài Gòn M&C) trong khuôn viên dự án (DA) Saigon One Tower.
Đây là tài sản đảm bảo đầu tiên bị VAMC thu giữ với mục đích xử lý, thu hồi nợ theo đúng quy định, được coi là một động thái tích cực của VAMC trong việc áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Ráo riết thu giữ tài sản để siết nợ
Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Tiến Đông cho biết, VAMC đang thành lập hội đồng thẩm định giá, xác định giá khởi điểm để tiến hành bán đấu giá công khai DA này trong thời gian tới. “Thành công của công tác thu giữ tài sản bảo đảm này của VAMC ngay sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Qua đó góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; đồng thời tác động tới ý thức trả nợ của các khách hàng nói chung và khách hàng đang có nợ xấu tại VAMC và TCTD nói riêng” - ông Đông nhấn mạnh.
Tòa nhà One Tower bị thu giữ để xử lý khoản nợ xấu. Ảnh: Lê Quân
|
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính gộp tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu mà VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được đã trên 345.000 tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng dư nợ và nếu tính cả nợ có nguy cơ cao trở thành nợ xấu thì tỷ lệ là khoảng 10,08% trên tổng dư nợ cho vay. Mục tiêu đến năm 2020 giảm tỷ lệ nợ xấu bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới mức 3% so với tổng dư nợ cho vay. |
Như Ngân hàng Quốc Dân (NCB) ngày 14/9 tiến hành bán đấu giá tài sản thế chấp là lô đất 2.100m2 tại khu phố Hòa Lân 1, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương với giá khởi điểm hơn 11,6 tỷ đồng. Techcombank cũng thông báo thu giữ tài sản đảm bảo của 11 khách hàng là các tổ chức và cá nhân do vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký, thời gian thu giữ trong tháng 9. Trước đó, ngày 6/9, Techcombank cũng thông báo thu giữ tài sản của 6 cá nhân và tổ chức khác. Tính chung kể từ cuối tháng 8 đến nay, Techcombank đã thông báo thu giữ 32 tài sản đảm bảo là bất động sản và xe của cá nhân và tổ chức.
“Từ khi Nghị quyết chính thức có hiệu lực đến nay, nhiều khách hàng của Vietcombank có nợ xấu đã tới Ngân hàng để bàn giải pháp phối hợp xử lý thay vì chây ỳ như trước” - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Phạm Mạnh Thắng cho biết.
Khơi thông nợ xấu, thị trường bất động sản
Nghị quyết 42 xử lý nợ xấu có 3 điểm mới: TCTD được quyền thu giữ tài sản đảm bảo, rút ngắn thời gian tại tòa; cho phép bán nợ xấu theo giá thị trường. Do vậy, sắp tới, các ngân hàng sẽ cố gắng vận dụng các quy định này để đẩy nhanh thu hồi nợ xấu. Khi thu hồi được nợ thì dòng vốn sẽ quay về ngân hàng, và họ sẽ có thanh khoản để đẩy nhanh việc cho vay với khách hàng, lợi nhuận tài chính tăng lên cũng là điều kiện để giảm lãi suất. Bên cạnh đó, việc thu hồi tài sản đảm bảo còn tạo ra nguồn cung mới, khơi thông cho thị trường bất động sản ở những dự án "trùm mền" lâu năm.
Như DA Saigon One Tower, với vị thế đắc địa bậc nhất trung tâm quận 1, TP Hồ Chí Minh nhưng sau 10 năm triển khai, DA vẫn chưa hoàn thành với lý do thiếu vốn. Theo những thông tin tiết lộ tại thời điểm đó, do sử dụng chủ yếu vốn vay nên dù ngừng thi công, DA này vẫn phải nợ ngân hàng với chi phí lãi ước tính trên 1 tỷ đồng/ngày. Theo Nghị quyết xử lý nợ xấu thì phía chủ đầu tư mới phải bảo đảm các quyền lợi của nhà đầu tư thứ cấp tại DA.
“Các DN bất động sản trước đây đã sử dụng nợ vay quá mức, nên khi tín dụng siết chặt dẫn đến tình trạng ngưng trệ, thiếu vốn, DA đình đốn. Sau khi thu giữ và được đưa ra đấu giá không chỉ giúp thu được tiền để xử lý khoản nợ xấu mà còn tạo cơ hội để DA được hồi sinh, tốt cho thị trường, cho khách hàng thông qua việc các nhà đầu tư khác sẽ có thể tiếp tục hoàn thiện DA trong tương lai”.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: