Trả lời báo chí mới đây, ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Công ty BĐS Vinaland cho rằng, trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay, một DN giỏi là DN biết kiếm lời ngay cả khi thị trường "sốt nóng" lẫn "đóng băng". Vấn đề là DN đó phải biết giải bài toán kinh doanh thế nào cho thông minh và khôn ngoan nhất mà thôi.
Phát biểu của ông Hoàng ngay sau đó đã gặp không ít ý kiến phản hồi của một số DN BĐS khi cho rằng, ý kiến trên chỉ thích hợp với các công ty BĐS có quy mô và tiềm năng tài chính lớn. Còn các DN BĐS nhỏ và vừa vẫn rất cần sự giúp đỡ và hậu thuẫn của Nhà nước.
Tại cuộc họp mới đây của Hiệp hội BĐS TP.HCM, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành đã bức xúc nêu ra 6 yếu tố lý giải sự yếu kém của thị trường BĐS trong nước, trong đó có yếu tố: Nhà nước không giúp đỡ các DN nhỏ và vừa, khiến sân chơi BĐS chỉ là nơi dành riêng cho các DN địa ốc lớn trong và ngoài nước.
Theo ông Đực, quan niệm "doanh nghiệp giỏi" như trên là hết sức ấu trĩ và thiếu công bằng, bởi đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam các DN vừa và nhỏ vẫn giữ một vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế. Ông Đực nêu ra trường hợp của Đài Loan, thời gian qua, nhờ sự năng động của các DN nhỏ và vừa đã giúp cho Đài Loan vượt qua tất cả các cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực và thế giới.
Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn tài chính VinaCapital cũng cho rằng, để hạ nhiệt cơn sốt BĐS ở Việt Nam, ngoài các chính sách thông thoáng về luật đầu tư, sở hữu, thuế... cũng cần đẩy mạnh nguồn cung các sản phẩm nhà ở giá rẻ cho người lao động. Muốn vậy, Nhà nước cần có những cơ chế mềm dẻo, linh hoạt hỗ trợ các DN BĐS nhỏ và vừa (chính sách miễn thuế, vay tín dụng BĐS ưu đãi..).
Theo ông Don Lam, ngay cả nước Mỹ, vốn là quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới, Chính phủ vẫn có những chính sách ưu đãi dành cho các DN dạng này. Có thể kể đến các quỹ an sinh nhà đất như Freddie Mae và Fannie Mae là một trong hai mô hình thành công ở Mỹ về chính sách trợ giúp các DN nhỏ và vừa.
Còn theo ông Trần Tấn Thiện, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty địa ốc Song Phát, trong bối cảnh nhà nước đang đẩy mạnh chính sách thắt chặt ngọai tệ, kiềm chế lạm phát, khiến các ngân hàng ngưng các khỏan vay tín dụng BĐS rồi sắp tới là thuế lũy tiến BĐS sẽ khiến các DN BĐS càng gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các dự án địa ốc của mình.
Nếu không có sự trợ giúp của Chính phủ bằng cơ chế, chính sách..., kiếm lời bằng "bán lúa non" sẽ khuyến khích các DN BĐS chuyển thành nhà đầu tư thứ cấp (mua đi bán lại) hơn là trở thành nhà đầu tư dự án vốn gánh nhiều rủi ro. Như vậy một thị trường BĐS mà nhà đầu tư thứ cấp nhiều hơn nhà đầu tư dự án thì thử hỏi thị trường ấy sẽ phát triển ra sao nếu không rơi vào cảnh đầu cơ, kích giá nhà đất tràn lan?!
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: