Thị trường bất động sản đã trải qua thời kỳ sàng lọc khắc nghiệt nhất. Những doanh nghiệp còn tồn tại đến thời điểm này phải thực sự có năng lực, có “nghề” làm bất động sản.
Sudico đã trụ lại được, dù vẫn còn không ít khó khăn - Ảnh: Hoài Nam
|
Trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản bên lề Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản 2014 do Bộ Xây dựng và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tuần qua, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP Invest) lấy làm tiếc về sự vắng mặt của nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản từng có tiếng tại sự kiện quan trọng này.
Là người gắn bó nhiều năm và trải qua những cung bậc thăng trầm của thị trường, ông Hiệp cho rằng, đến thời điểm này, chỉ còn 2 loại doanh nghiệp tồn tại được với “cuộc chơi” bất động sản. Một là những doanh nghiệp thực sự lớn, có tiềm lực rất mạnh như Vingroup, Him Lam, Bitexco... Hai là những doanh nghiệp “có nghề” kinh doanh bất động sản, biết tính toán căn cơ với từng dự án, làm dứt dự án này rồi mới triển khai dự án khác. Những doanh nghiệp đầu tư theo “phong trào”, đầu tư tràn lan dự án nhưng không triển khai đến đầu đến đũa đã phải trả giá bằng chính sự tồn tại của bản thân mình.
Mới đây nhất, vụ bắt giữ Chủ tịch Housing Group Châu Thị Thu Nga những ngày đầu tiên của năm 2015 cho thấy, thị trường bất động sản đã bước vào giai đoạn “phẫu thuật” quyết liệt nhất. Bà Châu Thị Thu Nga - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII bị bắt giữ với cáo buộc là có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Dự án Khu chung cư B5 - Cầu Diễn. Trong chu kỳ phát triển 10 năm (2006 - 2015), nhiều vụ án tương tự đã xảy ra trên thị trường bất động sản. Nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, không ít người đứng đầu vướng vòng lao lý.
Ở chiều hướng ngược lại, ông Đào Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư Hải Phát, sau những cố gắng, bươn chải đã không giấu được niềm vui khi trao đổi với phóng viên, bởi công ty ông đã trụ vững sau nhiều biến cố lớn. Theo ông Dũng, 3 năm qua, phần tối nhất của thị trường đã được phơi bày. Nhiều dự án đã phải sang tay cho chủ mới, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vướng vòng lao lý.
“Ở thời điểm này, doanh nghiệp nào còn tồn tại được và có hoạt động đầu tư, kinh doanh là có cơ hội phát triển”, ông Dũng nói.
Có những thời điểm tưởng chừng Hải Phát sẽ phải hầu tòa bởi kiện tụng của khách hàng do doanh nghiệp chậm thực hiện nghĩa vụ bàn giao nhà tại Dự án The Pride (Hà Đông, Hà Nội). Trong hoàn cảnh khó khăn đó, Công ty đã phải bán đi những tài sản quý giá là khu đất vàng số 36 - Phạm Hùng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) để có vốn hoàn thiện các dự án dở dang; kết hợp với các đối tác, nhà đầu tư có tiềm lực để giải phóng hàng tồn kho tại Dự án Tân Tây Đô (Hoài Đức, Hà Nội)…
Trường hợp CTCP Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) - một chủ đầu tư bất động sản sau nhiều năm phát triển thịnh vượng cũng đã phải trải qua nhiều biến cố và rất khó khăn để có thể tồn tại đến ngày hôm nay.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Chủ tịch HĐQT Sudico thú nhận, đến năm 2014, công tác đầu tư của Sudico vẫn không hoàn thành kế hoạch, chứng tỏ nội lực còn yếu. Năm 2014, Công ty phải chuyển nhượng bớt tài sản để có nguồn lực tập trung cho đầu tư xây dựng, hoàn thiện dự án.
“Năm 2015, Sudico sẽ chú trọng việc đầu tư, đặc biệt là Dự án Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) với mức vốn dự kiến 350 tỷ đồng. Sau thời gian khó khăn, cơ hội kinh doanh với Dự án Nam An Khánh đang mở ra”, ông Hùng cho biết.
Có lẽ, những năm tháng khủng hoảng vừa qua là đủ dài để doanh nghiệp, nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản rút ra bài học cho riêng mình. Đầu tư, kinh doanh bất động sản không thể dựa vào những nhà đầu cơ mà phải dựa vào nguồn cầu thực. Những người có nhu cầu thực cũng là những khách hàng trung thành và có tài chính lành mạnh nhất. Đó cũng chính là tinh thần của Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015và những quy định mang tính siết chặt hơn điều kiện đầu tư kinh doanh bất động sản như việc đề xuất tăng vốn pháp định của một số dự án lên 50 tỷ đồng, thay vì mức đổ đồng 20 tỷ đồng tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn luật này đang được đưa ra lấy ý kiến.
Rất tiếc, nói như ông Nguyễn Quốc Hiệp, “có quá nhiều doanh nghiệp trong cộng đồng nhà đầu tư bất động sản không còn cơ hội để góp ý vào văn bản hướng dẫn này cũng như cơ hội để… làm lại từ đầu”. Quá trình sàng lọc thị trường dù là cần thiết, nhưng cũng đầy nghiệt ngã!
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: