Việc điều chỉnh quy hoạch, thiết kế các công trình, dự án là khó tránh khỏi trong thực tế. Tuy nhiên, ở một đô thị lớn có hệ thống hạ tầng luôn trong tình trạng quá tải như Hà Nội, nếu tình trạng này trở nên phổ biến với mức độ điều chỉnh quá lớn, chính thành phố sẽ phải gánh chịu những hệ lụy khó lường.
Công trình tòa nhà hỗn hợp ở phường Yên Hòa liên tiếp đặt cơ quan chức năng vào sự đã rồi
|
4.800 người thành 10.550 người
Một trong những điểm nóng được điều chỉnh quy hoạch theo hướng nâng tầng, tạo ra sự thay đổi lớn về quy mô dân số trên địa bàn Hà Nội thời gian vừa qua là Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai (chủ đầu tư là Công ty CP xây dựng số 2 - Vinaconex). Tại bản Điều chỉnh quy hoạch vừa được công bố ngày 5-1, tổng diện tích đất nghiên cứu quy hoạch của khu đô thị này khoảng 26,9ha, giữ nguyên so với quy hoạch ban đầu, nhưng tổng quy mô dân số theo quy hoạch mới vọt lên 10.550 người, tăng gần 2,2 lần so với con số 4.800 người trước đây.
Từ chiều cao ban đầu từ 11-19 tầng, các công trình thuộc phạm vi dự án nằm giáp tuyến đường vành đai 3 và đường quy hoạch rộng 30m được phép nâng lên thành 27-30 tầng. Riêng công trình nhà ở CT2 gồm 7 khối nhà được phép cao tối đa 45 tầng. Một số công trình phục vụ công cộng, hạ tầng xã hội cũng được điều chỉnh tăng chiều cao lên thành 4 tầng...
Bên cạnh các dự án khu đô thị, nhiều dự án nhà ở riêng lẻ trên địa bàn cũng “chạy” theo “xu hướng” xin điều chỉnh quy hoạch. Một số dự án đặt cơ quan chức năng vào sự đã rồi khi cố tình vi phạm, xây dựng sai thiết kế, sai quy hoạch rồi mới đề nghị được hợp pháp hóa bằng chiêu “điều chỉnh quy hoạch, thiết kế”. Công trình “Trụ sở văn phòng làm việc, dịch vụ công cộng và nhà ở” tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội là một ví dụ điển hình.
Ban đầu, dự án với tên gọi “Xây dựng trụ sở làm việc và văn phòng cho thuê” (không có nhà ở - PV) được lập quy hoạch với chiều cao 17 tầng trên diện tích đất khoảng 3.576 m2, diện tích xây dựng khoảng 1.438m2. Sau một thời gian “nghiên cứu”, năm 2011, vẫn với mặt bằng như vậy, nhưng dự án được chấp nhận điều chỉnh quy hoạch lên 27 tầng. Tên dự án lúc này cũng chuyển thành “Xây dựng tòa nhà hỗn hợp: Trụ sở văn phòng làm việc, dịch vụ công cộng và nhà ở”. Theo hồ sơ, thời điểm này, dự án có tổng số 141 căn hộ, dân số 590 người.
Vi phạm rồi xin điều chỉnh
Câu chuyện chưa dừng lại ở đây bởi trong quá trình thi công, chủ đầu tư dự án “Trụ sở văn phòng làm việc, dịch vụ công cộng và nhà ở” tại phường Yên Hòa là Công ty TNHH Thăng Long đã cố tình xây dựng sai với thiết kế đã được phê duyệt. Cụ thể, tại thời điểm tháng 3-2015, chủ đầu tư đã thừa nhận xây dựng sai so với hồ sơ thiết kế kiến trúc được duyệt, làm tăng thêm khoảng 587m2 sàn xây dựng, tăng 49m2 diện tích tầng kỹ thuật và 8m2 tầng mái. Trên “cơ sở”... vi phạm, chủ đầu tư đề nghị được điều chỉnh phần diện tích sàn xây dựng “trụ sở văn phòng làm việc” sang chức năng “nhà ở” với số căn hộ tăng lên 168 căn, tương ứng số dân khoảng 500 người.
Như vậy, quy mô dân số toàn dự án là 1.090 người, 266 căn hộ, tăng hơn gấp đôi so với thời điểm được điều chỉnh vào năm 2011.Sau khi xem xét, cân nhắc, đối chiếu với các quy hoạch, quy chuẩn hiện hành, Phó Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thế Công đã ký văn bản báo cáo UBND TP cho rằng: “Việc điều chỉnh dự án cơ bản tuân thủ các chỉ tiêu quy hoạch đã được duyệt, không làm thay đổi công năng sử dụng, mật độ xây dựng, tầng cao công trình... chỉ bổ sung thêm 500 người (125 căn hộ) trên cơ sở chuyển đổi công năng một phần diện tích sàn làm việc sang nhà ở!!!”. Từ lập luận này, thay mặt liên ngành thành phố, Sở QH-KT đề nghị thành phố chấp thuận chủ trương cho phép chủ đầu tư điều chỉnh tăng quy mô dân số 500 người (125 căn hộ). Sau khi Sở QH-KT có văn bản kiến nghị, ngày 22-4-2015, UBND TP đã đồng ý về mặt chủ trương với đề xuất của liên ngành do Sở QH-KT làm đại diện.
Đáng nói, chỉ khoảng 1 tháng sau đó, ngày 28-5-2015, trong khi ngành chức năng chưa có văn bản chính thức cho phép điều chỉnh, Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra và lại phát hiện hành vi vi phạm trật tự xây dựng (xây sai thiết kế) tại công trình này. Sau đó, công trình này đã bị đình chỉ thi công.
Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Phạm Văn Lợi, Đội trưởng Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy cho biết, chủ đầu tư đã xây dựng bể bơi trên mái khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. “Chủ đầu tư phải đề xuất cơ quan có thẩm quyền cho phép điều chỉnh thiết kế, nếu không sẽ phải phá dỡ hạng mục đã xây sai” - ông Phạm Văn Lợi nói. Nếu sự việc cứ tiếp diễn như vậy, lẽ nào, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ thêm một lần nữa phải xem xét để điều chỉnh dự án theo hướng hợp thức hóa các sai phạm của chủ đầu tư công trình nói trên!?
Trong 81 đồ án quy hoạch được Sở QH-KT Hà Nội và các quận, huyện công bố trong năm 2015, có tới 25 đồ án điều chỉnh quy hoạch tổng thể và cục bộ, chiếm tỷ lệ gần 30%. Đa số các đồ án điều chỉnh này được phê duyệt trong năm 2015 và là các đồ án quy hoạch khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thành phố.
DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ đô
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: