Sau Tết, thị trường nhà đất lập tức được "xốc" lại với hàng loạt động thái khởi công, điều chỉnh dự án và giảm giá ngay khi ngân hàng chịu mở van tín dụng. Theo các chuyên gia, quý I là giai đoạn thị trường khởi động nhẹ.
Hầu hết dự án đang chuẩn bị triển khai đều có điểm chung là cùng bật dậy tại vạch xuất phát năm 2009 và dự kiến về đích trong vòng 1-3 năm tới. Giới kinh doanh bất động sản cho rằng từ quý I năm 2010 trở đi được xem là điểm rơi an toàn của thị trường nhà đất Việt Nam với chu kỳ tăng giảm trong ngắn hạn.
Ngày 8/2, Tập đoàn Becamex đã khởi công xây dựng khu đô thị Becamex Center tại trung tâm thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương, cách TP HCM 30 km với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng. Dự kiến sẽ hoành thành trong 5 năm, dự án sẽ là khu phức hợp hiện đại đầu tiên của tỉnh Bình Dương, được kỳ vọng tạo lực đẩy để phát triển thị xã Thủ Dầu Một, trung tâm của tỉnh này.
Tương tự, Công ty dịch vụ sản xuất và thương mại Tài Nguyên cũng tiến hành khởi công dự án Kenton Residences tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM, sau thời gian dài công bố dự án. Theo chủ đầu tư, dự án này sẽ hoàn tất cuối quý I năm 2010. Nhà thầu chính xây dựng công trình là Công ty cổ phần xây dựng Hòa Bình.
Không ngồi yên chờ đợi, Tổng công ty đầu tư phát triển đô thị HUD đã chủ động lên kế hoạch chuẩn bị xây dựng khu đô thị CEO tại huyện Mê Linh, Hà Nội với tổng diện tích hơn 20 ha. Khu đô thị này cũng sẽ được khởi công trong năm 2009 và hoàn thành vào năm 2014.
Những tín hiệu mừng này được giới kinh doanh địa ốc đánh giá là một phần lớn nhờ ngân hàng chủ động nới lỏng tín dụng đối với dự án bất động sản. Đơn cử cuối tháng 1, hai ngân hàng Vietcombank và Đông Á đã ký hợp đồng tài trợ cho Công ty địa ốc M&C 133,5 triệu USD triển khai tòa cao ốc Sài Gòn M&C. Trong đó Vietcombank sẽ cho vay 110 triệu USD. Dự án tọa lạc tại ngã ba Hàm Tử - Tôn Đức Thắng - Bến Chương Dương trên khu đất 6.600 m2, dự kiến hoàn thành vào năm 2011.
Bên cạnh việc chạy đua khởi động dự án của nhiều chủ đầu tư, các sàn địa ốc và nhà phân phối bất động sản cũng tung chiêu hút khách. Ngày 26/2 tới, Công ty ACBR sẽ khai trương thêm sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội để tìm kiếm giải pháp tiếp thị các dự án bất động sản giữa Sài Gòn và Hà Nội.
Ngoài ra, sàn ACBR còn dành riêng mảng tiếp thị đất cần bán gấp với giá rẻ hơn 10% so với giá thị trường. Hầu hết sản phẩm đang rao bán với giá "mềm" này rải đều tại 12 xã thuộc các huyện Long Thành, Nhơn Trạch và Xuân Lộc của tỉnh Đồng Nai.
Trong khi đó, đơn vị phân phối và phát triển sản phẩm dự án tại Bình Dương đang chào mời nhà đầu tư đổ tiền vào đất nền tại khu Mỹ Phước 3. Chủ tịch HĐQT Công ty dịch vụ xây dựng Đất Xanh Lương Trí Thìn phân tích, ngoài lãi suất hạ, lý do khiến nhà đầu tư quan tâm đến đất dự án khu vực Mỹ Phước là giá rẻ, trở về mức xuất phát ban đầu. Theo ông Thìn, cách đây một năm, đất nền Mỹ Phước lên đến 1-1,2 tỷ đồng mỗi nền 300 m2. Hiện mỗi nền đất chỉ còn khoảng 400 triệu đồng, giảm 60-75% so với đầu năm ngoái.
Trao đổi với PV, Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Hoàng Quân Trương Thái Sơn cho biết, hiện tượng nhiều dự án chuẩn bị khởi động trong năm 2009 cùng với việc giảm giá đất một vài nơi là tín hiệu lạc quan cho thị trường. Bởi lẽ, điều này chứng tỏ khó khăn chỉ là nhất thời và chắc chắn sẽ vượt qua trong ngắn hạn.
Ông Sơn cũng tin rằng, việc khởi động các dự án cho thấy những đầu tàu lèo lái con thuyền bất động sản đã dự cảm được tia sáng ở cuối đường hầm và sẵn sàng tiếp lửa cho thị trường.
Tuy nhiên, ông cũng dè dặt cho rằng, do tình hình kinh tế còn nhiều biến động trong 6 tháng đầu năm nên phải đến quý IV năm nay hoặc quý I năm 2010 thị trường bất động sản mới xuất hiện những điểm sáng và đón nhận nhiều dòng sản phẩm phong phú hơn.
Đưa ra luồng quan điểm trái ngược với ông Sơn, một chuyên gia bất động sản nhận định, hàng loạt chủ đầu tư khởi công dự án bất động sản trong thời điểm này chưa hẳn là tín hiệu lạc quan, càng không thể vội mừng cho rằng đó là động thái chọn điểm rơi của thị trường.
Theo chuyên gia này, nhiều khả năng đằng sau việc khởi công còn có không ít lý do tế nhị khác, thậm chí có thể chỉ là động tác ảo. Một trong các nguyên nhân đó là: chọn thời điểm khó khăn để ngầm tỏ vị thế của một ông lớn nhằm phô trương thanh thế, đến hạn phải khởi công theo cam kết từ trước nên không thể thoái thác, dự án đã công bố quá lâu không thể tiếp tục "ngâm giấm" được nữa, thậm chí không loại trừ đây chỉ là chiêu kích giá cổ phiếu...
Chuyên gia này điểm lại danh sách các chủ đầu tư "mạnh tay" triển khai dự án trong thời điểm khó khăn và nhạy cảm như hiện nay, đều là những "đại gia" có tiềm lực tài chính vững vàng, không lệ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng. Ông cũng phân tích thêm, "cuộc đua" sắp tới sẽ chỉ là sân chơi cho những ông lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực bất động sản có thể phải "đắp chiếu" chờ thời vì yếu về vốn.
Bởi lẽ, khi chưa nhìn rõ được đầu ra, lại vay vốn trong ngắn hạn và phải chấp nhận giai đoạn đầu tư phi lợi nhuận trong cả năm 2009 sẽ là đòn cân não đối với những doanh nghiệp muốn đấu trí trên sàn bất động sản.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: