Top

Đi tàu cao tốc Hà Nội - TP.HCM chỉ mất 6 tiếng

Cập nhật 12/02/2009 09:10

Dự án xây dựng đường sắt cao tốc (ĐSCT) Bắc - Nam với tổng kinh phí ban đầu dự kiến tới 56 tỉ USD, hoàn thành năm 2035. Trong tương lai, hành khách sẽ chỉ mất 6 giờ để đi từ Hà Nội vào TP.HCM.

Ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng ban Kinh doanh vận chuyển, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa trao đổi với VTC News về dự án này.

Đến 2035 mới hoàn thành tuyến Hà Nội - TP.HCM

* Thưa ông, bao giờ thì dự án ĐSCT Bắc - Nam bắt đầu triển khai?

- Cách đây mấy hôm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sớm hoàn thiện dự án để báo cáo thường trực Chính phủ vào cuối tháng 2 này. Sau đó, dự án sẽ được Bộ Chính trị và tiếp đó là Quốc hội xem xét. Nếu được phê chuẩn, chúng tôi sẽ cho triển khai ngay.

* Nếu được chấp thuận, ngành sẽ triển khai thông tuyến Hà Nội – TP.HCM trước tiên hay ưu tiên tuyến nào khác?

- Thông tuyến Hà Nội – TP.HCM sẽ rất tốn kém, dự kiến sẽ phải thu hồi khoảng 4.170 ha đất. Tổng mức đầu tư sơ bộ gần 56 tỉ USD. Chiều dài tuyến là 1.555 km, dự kiến hoàn thành vào năm 2035.

Vì vậy, trong đề án đang xây dựng, chúng tôi đưa ra 3 phương án. Một là, ưu tiên triển khai tuyến Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang trước. Hai là, ưu tiên hai tuyến Hà Nội - Đà Nẵng, TP.HCM – Nha Trang.

Phương án thứ ba là xây dựng một mạch thông từ Hà Nội vào TPHCM. Chính phủ duyệt phương án nào thì chúng tôi sẽ trình phương án đó lên kỳ họp tới của Quốc hội.

* Vậy nếu Quốc hội duyệt phương án 3, tức thông tuyến Hà Nội – TP.HCM, thì sẽ có bao nhiêu điểm dừng trên dọc hành trình dài 1.555 km?

- Theo ban soạn thảo, sẽ có 25 nhà ga, cộng với 2 ga chính là Hà Nội và TP.HCM nữa là 27.

Ở Nghệ An vẫn có thể đi làm hàng ngày tại... Hà Nội


* Dự kiến, mỗi ngày sẽ có bao nhiêu chuyến tàu cao tốc từ Hà Nội vào TP.HCM và ngược lại, thưa ông?

- Theo dự án mà ngành đưa ra thì cứ năm phút lại có một tuyến tàu xuất bến. Tuy nhiên cái đó còn tùy thuộc vào mật độ hành khách nhiều hay ít, chắc ban đầu sẽ khoảng 10-15 phút/chuyến.



Tàu siêu tốc Shinkansen của Nhật Bản. (Ảnh: wordpress.com)


* Giá vé ước tính sẽ là bao nhiêu, thưa ông?

- Chắc chắn đắt hơn giá tàu hiện tại. Dự án đang đưa ra 3 phương án: Bằng giá vé máy bay, bằng 75% hoặc bằng 50% giá vé máy bay.

* Nếu dự án này được thực hiện, nghĩa là trong tương lai, rất có thể nhiều người sẽ sống ở Nghệ An, Thanh Hoá vẫn có thể đi làm tại... Hà Nội?

- Theo dự kiến, đoạn Hà Nội - Vinh, tàu cao tốc sẽ chạy trong khoảng 1 giờ 24 phút, đoạn Hòa Hưng- Nha Trang sẽ là 1 giờ 30 phút. Đoạn Hà Nội - Đà Nẵng dự kiến khai thác vào năm 2030, thời gian chạy trong 3 tiếng.

Đến năm 2035, sẽ khai thác đoạn Hà Nội - Hòa Hưng với thời gian chạy là 5 giờ 26 phút (tàu nhanh) và 6 giờ 33 phút (tàu thường).

Vậy thì ở Thanh Hóa, Nghệ An vẫn có thể làm việc bình thường Hà Nội. Chỉ một nỗi giá vé sẽ cao (cười)!

* Xin cảm ơn ông!

Theo ông Tuyên, dự án tham khảo các hình thức tàu cao tốc của Nhật Bản, Pháp và Đức song nghiêng về lựa chọn công nghệ Nhật Bản Shinkansen.

Theo đó, tàu đảm bảo các tiêu chí: Tốc độ, độ an toàn, tiện nghi cho hành khách; tính đúng giờ, thân thiện với môi trường và năng lực vận tải có cập nhật, bổ sung để phù hợp với điều kiện Việt Nam.


Thế giới phân loại: Dưới 120 km/h gọi là đường sắt tốc độ thường. Từ 120-160 km/h: đường sắt tốc độ vừa. Từ 160-200km/h: đường sắt tốc độ cao. Từ 200-350km/h được gọi là đường sắt cao tốc (là cái mà Tổng Cty Đường sắt VN đang có dự án triển khai). Trên 350km/h gọi là đường sắt siêu tốc.

ĐSCT tại VN sẽ là đường đôi khổ 1435mm, điện khí hóa, dành riêng cho các đoàn tàu khách chạy với tốc độ 200-350km/h, không tránh bất kỳ đoàn tàu nào, không có bất kỳ giao cắt đồng mức nào.


>Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Mục tiêu 2020

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News