Mặc dù phải sống xoay xở, cầm cự trong những căn phòng chật chội, xuống cấp trầm trọng nhưng đa phần cư dân phố cổ vẫn không thiết tha mấy với dự án di dời 1.900 hộ dân sang khu đô thị Việt Hưng mà UBND quận Hoàn Kiếm đang đề xuất. Đối với họ, việc phải thay đổi thói quen sinh hoạt từ hàng chục năm nay là điều không hề dễ dàng…
4.000 tỷ đưa dân phố cổ vào chung cư
Với mật độ dân số vào loại cao nhất trên thế giới (khoảng 84.000 người/ 1km2), chia trung bình mỗi cư dân trên phố cổ Hà Nội chiếm một khoảng đất khoảng 12m2, rộng bằng 3 chiếc giường đôi.
Tuy nhiên, diện tích nhà ở trên đầu người thì thấp hơn nhiều. Theo điều tra mới nhất của UBND quận Hoàn Kiếm, con số này là 1,5-2 m2/người.
Không gian sống chật chội, xuống cấp trầm trọng biến phố cổ Hà Nội thành một trong những khu “ổ chuột” của Thủ đô. |
Chính sức ép dân số, cộng mục đích phải bảo tồn được 1 số kiến trúc nhà cổ, năm 2009, dự án di dân phố cổ được... tái khởi động. Theo Ban quản lý phố cổ HN, mục tiêu đến năm 2020 của dự án di dân phố cổ là di dời khoảng 3 vạn dân ra khỏi khu vực để mật độ dân số của nơi này giảm xuống mức 5 vạn người/ km2 (hiện tại mật độ là 8,4 vạn người/ km2).
Trao đổi với PV, bà Lê Quỳnh Anh, Phó Trưởng ban quản lý Phố cổ HN cho biết, dự án đưa người dân phố cổ lên chung cư mới đang trong giai đoạn đề xuất ý tưởng với UBND TP.Hà Nội. Sau khi được thành phố duyệt, lúc đó Ban quản lý sẽ lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng dân cư và ý kiến chuyên môn của các nhà khoa học…
Trong cái ngõ sâu hun hút, vừa 1 người đi số 52 – Hàng Bè này có tới 15 hộ dân sinh sống, nhân khẩu ngót ngét 100 người. |
Giai đoạn 1 của dự án sẽ dành khoản kinh phí khoảng 4.000 tỷ đồng để đưa 1.900 hộ dân tại đây sang định cư tại khu chung cư Việt Hưng (quận Long Biên).
Cũng theo Ban quản lý phố cổ HN, giai đoạn này sẽ tập trung di dời các hộ dân đang sống trong khuôn viên các di tích cổ (đình chùa, miếu mạo...), cơ quan, trường học trên địa bàn… và các hộ dân sống trong các ngôi nhà xập xệ tự nguyện di dời…
Thích "ổ chuột" hơn chung cư hiện đại!
Vẻ kiến trúc thuần Việt độc đáo với độ tuổi gần 200 năm đã làm lên sự “nổi tiếng” của ngôi nhà số 47 – Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Không chỉ thế, ngôi nhà còn được nhiều người biết đến vì sự xuống cấp, hư hỏng trầm trọng mà những khổ chủ phải gánh chịu từ hàng chục năm nay.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, 70 tuổi chỉ biết cười méo mó khi giới thiệu về hiện trạng của ngôi nhà đã gắn bó cả đời với mình: “Nó quá xuống cấp, vữa tường mủn hết, tróc từng mảng. Cột kèo gỗ bị mối mọt đục rỗng hết. Chúng tôi không được sửa sang, phải giữ nguyên hiện trạng vì vướng những quy định bảo tồn nhà cổ của Nhà nước”.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh bên căn nhà gần 200 năm tuổi ở số 47- Hàng Bạc với tấm biển cảnh báo về sự xuống cấp của nhà. |
Để dẫn chứng thêm cho độ xuống cấp trầm trọng của ngôi nhà, ông Thanh chỉ cho chúng tôi xem tấm biển “Khu vực nguy hiểm, chú ý quan sát khi qua lại” treo lủng lẳng ngay bên lối vào của ngôi nhà.
“Đó là tấm biển cảnh báo của UBND phường Hàng Bạc. Cách đây 3 tháng, mái ngói trên tầng hai của ngôi nhà đã bị sập cả một khoảng lớn to như cái bàn. Phường, quận xuống ghi biên bản, rồi gắn tấm biển đó. Lối lên gác cũng bị khóa trái lại, không cho ai ở vì mái nhà có thể sập bất kỳ lúc nào”, ông Thanh nói.
Nhà ở xuống cấp, hư hỏng trầm trọng lại không được sửa chữa, khiến cho 4 hộ gia đình đang sống tại nhà 47- Hàng Bạc đang ngày phải đối mặt với hiểm nguy. Theo lời ông Thanh, đã có nhiều lần xảy ra hiện tượng sập mái, sụp sàn nhà, tróc tường, gẫy cột kèo… nhưng may mắn mọi người sống trong nhà đều không sao.
Kết quả điều tra của Ban quản lý phố cổ HN về nguyện vọng của cư dân phố cổ cũng cho thấy, chỉ có 6,7% số hộ muốn thay đổi nơi ở mới. |
Theo kết quả điều tra vào tháng 5/2009 của UBND quận Hoàn Kiếm, hiện phố cổ HN có gần 1.000 ngôi nhà cổ xây dựng từ hơn 100 năm trước nhưng đa phần hư hỏng nặng, bị cơi nới, sửa chữa làm biến dạng phần lớn kết cấu kiến trúc cổ. Việc sửa chữa, xây dựng tự phát tại phố cổ đã khiến nơi đây xuất hiện nhiều “kiểu nhà ổ chuột” với số lượng lên đến hơn 500 căn.
Đặc điểm dễ nhận của những “nhà ổ chuột” này là mỗi số nhà là một cái hẻm tối sâu hun hút, hẹp đến nỗi chỉ vừa một người đi. Mỗi hẻm đó ít thì có 4-5 hộ dân sinh sống, nhiều thì như một “khu tập thể mini” với hàng chục hộ dân ở, mức nhân khẩu ngót ngét 100 người cho mỗi số nhà.
Trong khi đó, bà Lê Quỳnh Anh, Phó trưởng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội chia sẻ: “Do không có nhiều đất tái định cư cho hàng nghìn hộ dân sẽ phải di dời, nên phải sử dụng phương án xây chung cư cao tầng để đưa dân sang ở. Tất nhiên, mục tiêu của dự án sẽ cố gắng hết mức để đáp ứng các điều kiện sinh sống tiện lợi cho các hộ sang tái định cư như chợ búa, trường học, bệnh viện…”.
Mang thông tin này đến với người dân phố cổ, PV được bà Trần Thị Nhẫn, trú tại số 52 – Hàng Bè cho hay: “Cách đây 3 tháng, chúng tôi có nhận được phiếu điều tra. Các hộ dân ở đây cũng nghe phong thanh về dự án đưa dân phố cổ sang Việt Hưng. Tuy nhiên, mọi người ở đây không tỏ vẻ hào hứng lắm, vì họ đã quen với nếp sống ở đây rồi. Đối với tôi, sống chật chội một chút cũng được còn hơn là phải thay đổi thói quen, nhất là phải lên ở chung cư”.
Một cảnh xoay xở để chuẩn bị bữa cơm trên phố cổ. |
Gia đình bà Nhẫn gồm 4 người và đã có hơn 40 năm sống trong căn phòng hơn chục m2 thuộc số 52 – Hàng Bè. Thói quen sinh hoạt "một bước ra phố", cộng với nguồn thu nhập có được từ gian hàng nhỏ trước cửa nhà đã khiến cho gia đình bà Nhẫn không hề muốn thay đổi nơi ở mới.
Đây không phải là lần đầu Hà Nội "đau đầu" về bài toán giãn dân phố cổ. Và nếu dựa trên những kết quả điều tra chúng tôi vừa đề cập cộng với những thói quen khó thay đổi của cư dân phố cổ, bài toán này vẫn không hề dễ dàng có lời giải...
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: