Top

Đầu tư hệ thống cấp điện cho dự án: Làm sao cho hợp lý?

Cập nhật 19/08/2016 13:37

Chủ đầu tư bất động sản than, phải “cõng” chi phí đầu tư hệ thống điện, nước cho dự án,chiếm từ 1 – 2%/tổng chi phí giá thành.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, hiện nay tất cả các chủ đầu tư công trình, từ thấp tầng đến cao tầng, từ phân khúc nhà ở bình dân cho đến trung cao cấp đều đang phải chấp nhận một nghịch lý. Đó là khi xây dựng nhà ở thương mại để bán, cho người dân thuê, các chủ đầu tư phải “cõng” thêm một khoản chi phí không nhỏ, từ 1 – 2%/tổng giá trị đầu tư dự án để đầu tư hệ thống hạ tầng, cung cấp điện nước cho các hộ gia đình trong khu dự án.

Song điều đáng nói, số tiền đã bỏ ra đầu tư ban đầu này sau khi hoàn thành và bàn giao lại cho đơn vị quản lý là công ty điện lực, nhà máy nước thì các chủ đầu tư lại hoàn toàn không được nhận lại bất cứ một khoản khấu trừ nào trong chi phí giá thành. Theo vị phó giám đốc này, cách hành xử như vậy là thiếu sự công bằng bởi điện nước cũng là đơn vị đi kinh doanh, cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho các khách hàng của mình thì buộc phải bỏ ra chi phí đầu tư.

Chi phí đầu tư điện nước tại các dự án chung cư đang là vấn đề tranh cãi

Đồng thời, mối quan hệ giữa các DN bán, cung cấp sản phẩm với người tiêu dùng phải bình đẳng cũng như dựa trên mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau, hai bên cùng có lợi. Nhưng rõ ràng, trong mối quan hệ giữa bên cung cấp điện nước và công ty BĐS như trên đang tồn tại sự thiếu công bằng.

Một kỹ sư xây dựng phân tích rõ hơn về vấn đề này, thông thường để có thể dẫn điện nước đến từng căn hộ phục vụ người tiêu dùng phải trải qua 4 công đoạn chính. Đầu tiên, chủ đầu tư phải dẫn điện từ đường dây trung thế xuống các trạm biến thế, sau đó mới đấu nối, dẫn điện từ các trạm này phân bổ đi các tầng và mắc vào từng công - tơ điện của mỗi hộ dân.

Đối với những công đoạn này, theo tính toán của người trong nghề, chi phí trung bình từ 300.000 đồng – 500.000 đồng/m2. Hiện nay, ngoại trừ những công trình nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, cán bộ được hưởng chế độ chính sách, thì chủ đầu tư không phải bỏ tiền đầu tư hệ thống điện nước, nếu có đầu tư cũng sẽ được hoàn trả, còn lại đối với các dự án thương mại thì chủ đầu tư BĐS vẫn phải tự bỏ tiền túi ra đầu tư sau đó bàn giao lại cho công ty điện nước quản lý, kinh doanh.

Ở một góc độ quan tâm khác, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Xây dựng Lê Thành, đơn vị chuyên xây dựng chung cư giá rẻ cho người thu nhập trung bình thấp nêu ý kiến, để đảm bảo tính công bằng, bình đẳng trong kinh doanh, sau khi chủ đầu tư dự án đã bỏ vốn đầu tư hệ thống cung cấp điện nước đến cho người dân thì đơn vị tiếp nhận, quản lý là công ty điện lực, nhà máy nước cần có thủ tục hoàn trả lại phần vốn này cho chủ đầu tư dự án, và chủ đầu tư không tính vào giá thành nhằm làm giảm giá bán, giá cho thuê căn hộ hợp lý, tạo cơ hội cho người có nhu cầu tiếp cận nhà ở.

Nhất là đối với loại nhà ở thương mại vừa túi tiền dưới 20 triệu đồng/m2 và căn hộ cho thuê giá rẻ dưới 5 triệu đồng/tháng có tỷ lệ dân vào ở cao trên 90% thì các nhà cung cấp điện nước nên đầu tư hệ thống hạ tầng đến tủ điện từng tầng của tòa nhà, đồng hành cùng chủ đầu tư trong quá trình xây lắp công trình.

Trong trường hợp, chủ đầu tư bỏ vốn đầu tư hệ thống cấp điện nhưng đã bán sản phẩm cho khách hàng và hoạch toán vào chi phí giá thành, công ty điện nước có thể xem xét chấp thuận cho hoàn trả chi phí đã đầu tư hệ thống điện tại các khu nhà ở thương mại giá thấp cho người tiêu dùng theo lộ trình hợp lý, như khấu trừ vào tiền  điện nước hàng tháng để đảm bảo tính minh bạch, công khai và người dân được thụ hưởng đúng quyền lợi của mình.

Từ những vướng mắc nêu trên, mới đây tại buổi làm việc giữa Hiệp hội BĐS TP. HCM (Horea) và Công ty Điện lực TP. HCM (EVN HCMC), với một số sở, ngành diễn ra trên địa bàn thành phố, các bên đã nêu rõ quan điểm và đề ra một số giải pháp như đối với dự án nhà ở xã hội, nhà tái định cư, EVN HCMC sẽ cam kết đầu tư hệ thống điện cho các dự án này để thực hiện, đảm bảo an sinh xã hội.

Riêng đối với dự án thương mại có thể tạm chia ra làm hai nhóm là nhà ở trung cao cấp, hạng sang và nhà ở thương mại bình dân thì việc phân định bên nào đầu tư, bàn giao, quản lý sử dụng, hạch toán khấu trừ ra sao vẫn còn đang có sự tranh luận, chưa đi đến thống nhất.

Tuy nhiên, các DN BĐS và đơn vị cung cấp điện nước đều cho rằng, để đưa ra kết luận cuối cùng cần có ý kiến của các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương, sở, ban, ngành, sao cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế và có lợi nhất cho người dân.


DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng