Ông David Lim, Trưởng Nhóm công tác đất đai (Diễn đàn doanh nghiệp VBF) cho rằng, các quy định hiện hành là “phân biệt đối xử” giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, gây khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam.
Doanh nghiệp nước ngoài muốn Việt Nam mở cửa hơn nữa trong lĩnh vực bất động sản
|
Theo ông David Lim, Điều 11 Luật Kinh doanh bất động sản không cho phép nhà đầu tư nước chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức tách đất thành các lô đất để bán trong khi nhà đầu tư bất động sản Việt Nam lại được phép thực hiện như vậy.
Ngoài ra, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép thu tối đa 50% giá trị hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng thuê mua bất động sản được hình thành trong tương lai, trong khi tỷ lệ áp dụng dành cho nhà đầu tư bất động sản Việt Nam là 70%.
“Điều này dẫn tới sự khác biệt giữa nhà đầu tư bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam. Chúng tôi đề nghị xóa bỏ mọi sự khác biệt trong chính sách áp dụng cho nhà đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam để bảo đảm sân chơi công bằng và lành mạnh cho mọi nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam”, Trưởng nhóm công tác đất đai kiến nghị.
Phát biểu về vấn đề này, ông David W. Carter, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Úc tại Việt Nam (AUSCHAM) nhấn mạnh thêm: “ Luật Kinh doanh Bất động sản mới vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài nước. Sự phân biệt này tạo ra sự thiếu hiệu quả và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp nói chung. Vì vậy, cần bỏ sự phân biệt về quyền lợi dành cho các nhà đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư trong nước để đảm bảo một sân chơi bình đẳng và công bằng cho tất cả thành viên tham gia vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam”.
Một vấn đề nữa được Nhóm công tác đất đai tập trung kiến nghị là quyền mua nhà của nhà đầu tư nước ngoài. Theo quy định của Luật Nhà ở (Điều 162), các cá nhân/tổ chức nước ngoài sở hữu không quá 250 nhà ở riêng lẻ, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề, trong một đơn vị hành chính cấp phường. Tuy nhiên, nhưng Điều 68.4 Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở lại đưa ra thêm một quy định hạn chế nữa (tổ chức/cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không vượt quá 10% tổng số nhà ở riêng lẻ của mỗi dự án nhà ở) là không thống nhất với Luật. Quan trọng hơn, Nhóm công tác cho rằng, theo dự thảo Nghị định, số lượng đơn vị nhà ở tối đa mà cá nhân và tổ chức nước ngoài được phép sở hữu đã bị giới hạn thêm.
Đề cập thêm tới một số quy định khác về hạn chế quyền sở hữu nhà ở của chủ sở hữu nước ngoài, Nhóm công tác kiến nghị bãi bỏ các hạn chế bổ sung được đưa ra trong Dự thảo Nghị định Luật Nhà ở do các hạn chế này có thể tạo nên rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài khi mua bất động sản tại Việt Nam.
“Những hạn chế này cũng khiến Việt Nam mất đi khả năng cạnh tranh so với các nước khác có ít hạn chế hơn về sở hữu bất động sản của người nước ngoài”, ông David Lim khuyến cáo, đồng thời kiến nghị cần nhanh chóng ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: