Cồn Cái Khế (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) từ nhiều năm qua trở thành khu “đất vàng” với các trung tâm thương mại, hội chợ triển lãm quốc tế, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí... nhưng ít ai biết nơi này người dân đã sống 33 năm trong quy hoạch “treo”. Tương tự, hàng loạt dự án khu dân cư, đô thị, công nghiệp tại Cần Thơ với tổng quy hoạch hàng ngàn hécta đất, ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn người dân nhưng vẫn trong tình trạng ì ạch, gây bức xúc dư luận!
“Treo” 33 năm
Ngày 28-12-1996, UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 cồn Cái Khế. Đến ngày 3-7-1999, tỉnh ra thêm một quyết định điều chỉnh quy hoạch. 9 năm sau (tháng 11-2008) UBND TP Cần Thơ lại tiếp tục ra thêm một quyết định điều chỉnh với quy mô hơn 126ha, dân số dự kiến khoảng 10.000 người, với mục tiêu xây khu văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, hội chợ triển lãm, dịch vụ thương mại, các công trình đa chức năng. Hàng loạt công trình, dự án, dịch vụ thương mại được quy hoạch triển khai tại đây nhưng kéo dài đến nay.
KCN Hưng Phú 2 B ở TP Cần Thơ chậm triển khai, gây khó khăn cho người dân trong vùng quy hoạch. |
Ngược dòng thời gian, dân cồn Cái Khế bị “treo” cách nay hơn 33 năm, bắt nguồn từ quyết định số 887 do quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (cũ) ký vào năm 1979. Quyết định này quy hoạch xây dựng sân vận động lớn nhất Đông Nam Á (từ khu vực đầu cầu sắt đến ranh giới kho Công ty Nông sản thực phẩm, trực thuộc Ty Thương nghiệp tỉnh Hậu Giang lúc ấy). Chính vì quyết định này mà về sau khi giải thích với dân, chính quyền địa phương cứ cho rằng cả khu vực cồn Cái Khế đã được quy hoạch, nên nhiều quyền lợi của dân không được giải quyết.
Bà Nguyễn Thị Lệ, ngụ khu vực 1 phường Cái Khế, cho biết chồng bà là ông Tạ Ngọc Lầu đến lúc mất cách đây 3 tháng vẫn chưa làm được giấy tờ nhà đất, trong khi dòng họ, gia đình ông Lầu đã sống trên miếng đất này từ những năm 1945. Tương tự, ông Bạch Ngọc Tâm có nhà đất nằm trong quy hoạch xây dựng Khu du lịch dã ngoại, bức xúc: “Gia đình tôi định cư nơi đây từ năm 1969. Đến năm 2011, số thành viên lên đến 33 nhân khẩu, mới được cho tách ra thành 7 hộ khẩu ở trong 7 căn nhà cấp 4, nhưng vì nằm trong quy hoạch nên chỉ có 1 số nhà chung là 118/9/20 đường Lê Lợi”.
Hiện khoảng trên 600 hộ dân đang sống tại cồn Cái Khế bị ảnh hưởng bởi quy hoạch 33 năm nay, chính quyền không đốc thúc các dự án thực hiện sớm. “Quy hoạch không xóa, dự án này chậm triển khai vừa rút đi thì dự án khác được thay vào và cứ thế kéo dài tới hôm nay, dân không làm ăn gì được. Không được cấp sổ đỏ, người dân còn không được sửa nhà. Mỗi lúc mưa, triều cường thì nhà cửa, đường sá ngập hết.
KCN giậm chân tại chỗ
Cần Thơ hiện có 6 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động với tổng diện tích đất quy hoạch 922ha, nhưng mới chỉ cho thuê 313 ha. Trong số này chỉ có KCN Trà Nóc 1 (135ha) và Trà Nóc 2 (155ha) có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh nên đã thu hút được nhà đầu tư, lần lượt lấp đầy 100% và 94,8% diện tích. 4 KCN còn lại là: Hưng Phú 1 (262ha), Hưng Phú 2A (134ha), Hưng Phú 2B (78ha), Thốt Nốt (150,5ha) đang ì ạch giải phóng mặt bằng.
Hiện nay, phần lớn diện tích các KCN này đã và đang bị bỏ hoang nhiều năm liền, lãng phí rất lớn. Trong khi đó, vì bị quy hoạch, chờ đền bù giải tỏa nên người dân không dám đầu tư sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Thế nhưng Cần Thơ đang tiếp tục quy hoạch thêm 2 KCN tập trung nữa với quy mô 1.000ha.
Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Cần Thơ chỉ có 10 KCN, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) với tổng diện tích 6.417ha, nhưng địa phương lại quy hoạch tới 14 KCN, cụm TTCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Trong đó, có 7 KCN, khu công nghệ cao với diện tích hơn 650ha không nằm trong danh mục. Kết luận của Thanh tra Chính phủ nhận định: “UBND TP Cần Thơ quy hoạch các KCN, cụm công nghiệp, TTCN dàn trải”.
Mới đây, HĐND quận Cái Răng đã kiến nghị UBND TP Cần Thơ thu hồi chủ trương đầu tư 3 KCN trên địa bàn, gồm KCN và khu tái định cư Hưng Phú 1 do Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Cần Thơ làm chủ đầu tư; KCN Hưng Phú 2 A (Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC); KCN Hưng Phú 2B (của Công ty Phát triển hạ tầng KCN). Cả 3 dự án này có tổng diện tích gần 500ha, chủ trương đầu tư từ năm 2005, nhưng nhiều năm qua việc đền bù giải tỏa và đầu tư hạ tầng kỹ thuật rất chậm.
Sở KH-ĐT Cần Thơ cũng đang đề xuất chính quyền TP thu hồi chủ trương đầu tư đối với 8 dự án thuộc lĩnh vực phúc lợi công cộng, sản xuất, phát triển kinh tế với tổng diện tích đất gần 100ha, tổng giá trị đầu tư lên gần 2.000 tỷ đồng. Đó là dự án Công viên nghĩa trang Bình Thủy của Công ty Hoa Sen Vàng; chợ An Bình mở rộng của Công ty cổ phần Xây dựng Cần Thơ; khách sạn 5 sao của Công ty Hào Tân; siêu thị thương mại tại quận Ô Môn của Công ty Mê Kông; khu dân cư và chợ Trà Nóc của Công ty Hồng Phát; trung tâm phân phối kho vận của Công ty Phú Thái; khu khách sạn 5 sao tại cồn Cái Khế của Công ty Thanh Trà và dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng của Công ty Minh Việt.
Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, việc chủ đầu tư chậm triển khai xây dựng những khu tái định cư (TĐC) tại các KCN khiến công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng tại KCN bế tắc. Cụ thể: KCN Hưng Phú với 262ha được chia thành 4 khu, nhưng chỉ có một khu 21,5ha đã xong việc TĐC; 3 khu còn lại do chưa có TĐC nên địa phương chưa thực hiện được việc bồi hoàn, giải phóng mặt bằng. Tương tự, KCN Hưng Phú 2A, KCN Hưng Phú 2B (quận Cái Răng) cũng gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cho biết: “Các ngành liên quan vừa có cuộc họp với chủ đầu tư các KCN. Theo đó, chủ trương của UBND TP là tiếp tục triển khai thực hiện các KCN. Chủ đầu tư vẫn khẳng định đủ năng lực và tiếp tục triển khai dự án. Vấn đề trước mắt là kịp thời tháo gỡ khó khăn, xem lại cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương và chủ đầu tư; nhanh chóng hoàn thiện các khu TĐC để sớm giải phóng mặt bằng. Còn việc tiếp tục quy hoạch KCN nặng Ô Môn và KCN Bắc Ô Môn là để quản lý, phục vụ nhu cầu phát triển”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiệu quả KCN đến đâu và quyền lợi của người dân có được đảm bảo? Hiện cồn Cái Khế có hơn 10 dự án đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” suốt thời gian dài. Đáng nói nhất là dự án xây tòa tháp cao 25 tầng và biểu tượng của Cần Thơ tại vòng xoay trung tâm cồn Cái Khế, trên diện tích hơn 2ha. Tháng 11-2005, UBND TP Cần Thơ giao cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hoàng Anh Gia Lai thuê đất. 2 năm sau, đơn vị này không triển khai khiến người dân nằm trong vùng quy hoạch bức xúc. Vì thế, ngày 19-7-2007, UBND TP Cần Thơ đã hủy bỏ các quyết định liên quan đến việc giao đất cho nhà đầu tư. Ngày 19-11-2008, UBND TP Cần Thơ có quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2.000 thành khu quảng trường - tháp biểu tượng cao 170m. Sau hơn 3 năm, nơi đây vẫn là một bãi đất trống…
DiaOcOnline.vn - Theo SGGP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: