Top

“Đất sạch” cho nhà đầu tư

Cập nhật 21/02/2009 08:05

Những giải pháp mới đền bù giải tỏa

Tại hội nghị bàn việc tạo quỹ đất “sạch” cho các dự án cũng như để điều tiết thị trường đất đai sáng qua 20.2, nhiều giải pháp mới liên quan đến chính sách đền bù giải tỏa đã được nhấn mạnh.

Hội nghị này diễn ra tại TP.HCM, do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) và Tổng công ty đền bù giải tỏa phối hợp tổ chức.

Phát biểu mở màn, lãnh đạo Bộ TN-MT cho biết, trong quá trình quản lý và sử dụng đất tại các địa phương, nhiều dự án nằm trong kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt nhưng sau vài năm đã phát sinh những bất hợp lý, chất lượng quy hoạch chưa cao, tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” còn nhiều, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đời sống nhân dân.

Kết quả kiểm tra tại 51/64 tỉnh thành đã phát hiện 1.649 khu vực thuộc diện quy hoạch “treo” với tổng diện tích lên đến 344.665 ha.

Không để xảy ra cảnh khi “nóng” khi “nguội”


Đứng trước tình trạng có nhiều bất cập như vậy, Bộ TN-MT xác định cần phải có một sự sửa đổi cần thiết, trong đó vấn đề điều chỉnh chính sách đền bù giải tỏa đóng vai trò rất quan trọng, nhất là giải tỏa mặt bằng để tạo quỹ đất thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội, công trình công ích và cũng nhằm mục tiêu điều tiết thị trường đất đai, không để xảy ra cảnh khi “nóng”, khi “nguội” thất thường như trong nhiều năm qua

Từ thực tế triển khai đền bù giải tỏa rất chóng vánh tại một số dự án ở TP.HCM như các khu chung cư 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3), 289 Trần Hưng Đạo (Q.1), dự án khu nhà ở - tái định cư phường Phú Mỹ (Q.7) và một dự án dành để xây dựng nhà ở xã hội ở quận Tân Bình... ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty đền bù giải tỏa, cho rằng: “Chỉ có sử dụng phương án thẩm định giá và lấy kết quả định giá để áp giá đền bù là có thể giải quyết được những mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và người bị thu hồi nhà đất”.

Theo ông Lâm, nên quy định trong vòng 3 tháng, chủ đầu tư thuê công ty định giá để thẩm định giá nhà đất và tiến hành thỏa thuận với người dân bằng chứng thư định giá. Tất nhiên, các công ty định giá sẽ phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định của mình. “Chỉ có một tổ chức trung gian đứng ra làm việc này một cách khách quan mới dung hòa được lợi ích của cả người dân và chủ đầu tư”, ông Lâm nói.

Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai nhận định: “Muốn tạo quỹ đất, không có giải pháp nào nhanh chóng bằng việc trưng cầu thẩm định giá của các cơ quan định giá độc lập. Do vậy, phải xúc tiến nhanh việc phát triển hệ thống định giá trên cả nước. Có công cụ định giá, dù là dự án của Nhà nước hay tư nhân thì việc đền bù giải tỏa sẽ được thúc đẩy nhanh hơn, hạn chế tình trạng quy hoạch “treo”, hạn chế khiếu kiện...”.

Cơ chế tài chính quá nhiêu khê


Ông Trần Kim Phát, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM cho biết, trong 5 năm qua, trung tâm đã thu hồi một số khu đất, chuyển cho các cơ quan chức năng đấu giá và nộp vào ngân sách 1.300 tỉ đồng. Hiện tại, trung tâm cũng đang quản lý một quỹ đất “sạch” nếu đưa ra đấu giá dự kiến sẽ thu được 2.000 tỉ đồng. Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng đã giao cho trung tâm khoảng 3.000 ha để xúc tiến thu hồi tạo quỹ đất “sạch” cho thành phố.

Tuy nhiên, đánh giá về hoạt động của hệ thống các trung tâm phát triển quỹ đất vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ việc tạo quỹ đất gặp khó khăn là do cơ chế tài chính cho các trung tâm này còn quá nhiêu khê. “Trong khi doanh nghiệp có chức năng đền bù giải tỏa hoạt động rất năng động theo kiểu buổi sáng thương lượng với dân, buổi chiều chuyển ngay tiền đền bù thì các trung tâm phải loay hoay ít nhất vài ba tháng mới chuyển tiền cho người bị thu hồi đất. Điều này khiến các trung tâm mất đi cơ hội giải tỏa sớm để tạo quỹ đất sạch”, một đại biểu nhận xét.

Dẫn chứng về việc thiếu cơ chế tài chính đặc thù đối với mô hình trung tâm phát triển quỹ đất, ông Lê Viết Hưng đưa ra một ví dụ: “Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai được giao thu hồi 100 ha đất để xây dựng khu trung tâm hành chính TP Biên Hòa.

Nhưng sau 1 năm loay hoay, trung tâm đành phải gửi văn bản “trả lại nhiệm vụ” này, vì không đền bù giải tỏa được. Lý do bởi trung tâm chỉ là một đơn vị sự nghiệp, khó có thể chủ động về tài chính khi tiến hành đền bù cho người dân”.

“Ngoài chính sách tái định cư thỏa đáng, cần áp dụng mô hình cho người bị thu hồi đất góp vốn và trở thành cổ đông của dự án, tạo sự bình đẳng trong hoạt động đầu tư”. (Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Nam Long Nguyễn Xuân Quang)


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên