Top

Đất phía Tây Hà Nội: "Thổi" giá 180 triệu/1m mặt đường

Cập nhật 04/06/2010 07:10

Không chỉ giới đầu tư quay cuồng với cơn “sốt ảo" bất động sản phía Tây thành phố, nhiều người nông dân cũng nhanh tay chia 5 xẻ 7 thửa đất “niêu cơm” để nắm lấy cơ hội trời cho những mong đổi đời một cách nhàn hạ…

Khi tiền "từ trên trời rơi xuống"

“Tiếc quá, hồi tháng 11 năm ngoái, tôi bán miếng đất ngay mặt ngõ đường cái, chiều ngang mặt tiền 5m, sâu vào 12m với giá chỉ 8,8 triệu/m2, nhưng chỉ sau đó ít hôm, giá đất tăng lên ùn ùn, mất một đống tiền. Tiếc ơi là tiếc”, đó là lời than thở của bà Hòa, vợ ông Nguyễn Đức Nội (thôn Đào Nguyên, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) sau khi bán đi mảnh đất đầu tiên trong vốn đất hiện có của nhà mình.

Sau khi có quyết định của UBND TP Hà Nội về việc phát triển, mở rộng Hà Nội về phía Tây, nhiều người dân nơi đây bỗng chốc giàu lên nhanh chóng. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều ngôi nhà cao tầng, nhiều biệt thự đắt tiền đã mọc lên. Không còn những căn nhà xập xệ, rách nát, nhiều người nông dân sau khi bán đất đã đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, cải thiện cuộc sống khang trang.

Cách đây 2 năm, đất ở An Thượng chưa có giá, nhiều người muốn bán đất cũng chẳng ai mua. Theo trưởng thôn Nguyễn Đình Sửu, 3.600 dân toàn thôn phần lớn là nông dân hoặc làm thuê, làm mướn ở nơi khác. Nhưng vài năm gần đây có khoảng 20% số dân có điều kiện xây nhà, thay đổi cuộc sống.

Một người dân trong thôn ước tính có tới 80% dân ở đây có đất dịch vụ trong đó phải tới 50% dân đã bán từ trước với giá từ 4 - 8 triệu/m2. Hiện nay, giá đất dịch vụ tại An Thượng đã lên tới 16 - 18 triệu/m2. Ngoài ra, đất ruộng ven đường, gần trường Hoài Đức B, thuộc làng Ngãi Cầu, xã An Khánh cũng được mua bán rôm rả với giá trên dưới 20 triệu/m2.

Nhiều nông dân trong thôn Đào Nguyên cho rằng, nếu không có đất thì chắc cũng không thể có nhà lầu, xe hơi, không thể có cuộc sống sung túc như bây giờ. Như trường hợp của ông Cao Hữu Trưởng vốn làm ruộng, phụ vữa, sau vài lần bán đất giờ đã xây được căn hộ 3 tầng, mua xe ô tô cho cậu con trai chạy taxi. Cách đó không xa, ông Cao Hữu So cũng mới bán khoảng 20m2 với giá 13 triệu/m2, số tiền ấy đủ để giúp ông có cuộc sống giàu sang hơn.


Bán một mảnh đất được 900 triệu đồng, ông Nội đầu tư vào xây nhà (Ảnh chụp một góc nhỏ căn biệt thự đang xây của ông Nội)

Đặc biệt, gia đình ông Nguyễn Đức Nội với vốn đất tổng cộng lên tới 714 m2, vừa rồi sau 2 lần bán mới hết 110m2, chiếm 1/7 so với vốn đất hiện có. Với số tiền 900 triệu đồng có được nhờ bán mảnh đất 50m2 cách đây 2 tháng, hiện tại, ông Nội đang xây ngôi biệt thự lừng lững trên mảnh đất 90m2. Bà Hòa, vợ ông Nội chia sẻ: “Ngày xưa vất vả lắm, may mà có ít đất, giờ ông trời phù hộ, tiền như từ trên trời rơi xuống”. Bà Hòa kể nhà có 4 người con, đứa nào cũng chỉ học hết cấp 2, công việc cũng chỉ xoay quanh vài ba sào ruộng, mọi thứ bây giờ trông chờ vào tiền bán đất.

Giới đầu cơ và những vụ chuyển nhượng "bom tấn"


Cách đây khoảng 2 tháng, tâm điểm cơn sốt là khu vực phía Tây, nay dịch chuyển lên trục đường Láng - Hòa Lạc, các huyện Ba Vì, Gia Lâm và quận Tây Hồ. Đặc biệt, tại khu vực Ba Vì, chưa bao giờ người ta chứng kiến cảnh giao dịch đất đai theo cách... tranh cướp như hiện nay. Nghe phong phanh thông tin trung tâm hành chính quốc gia sẽ nằm ở chân núi Ba Vì, đặt tại khu vực thuộc xã Yên Bài, người ta đã đẩy giá đất ở Yên Bài và một số xã lân cận thuộc thị xã Sơn Tây tăng một cách khủng khiếp. Nếu như năm ngoái, giá đất tại Yên Bài chỉ khoảng dưới 100 triệu/sào thì nay đã tăng gần gấp 3 lần.

Đất tại thôn Rùa, thôn Xoan, thôn Nghe thuộc xã Vân Hòa (Ba Vì) thu hút nhiều giới đầu tư BĐS tới xăm soi. Lý do bởi địa thế ở đây đẹp, là lối đi lên đình Vua, nối vào Khoang Xanh, Thác Đa, nhiều khu du lịch sinh thái phát triển dày đặc như Thiên Sơn, Thác Ngà, Hồ Tiên Sa, đền Thượng. Giá đất nông trường tại đây hồi đầu năm mới chỉ dừng lại ở mức 15 - 20 triệu đồng/m mặt đường, hiện tại đã tăng lên trên 70 triệu đồng/m mặt đường. Đất thổ cư, có sổ đỏ giá “cắt cổ” hơn, lên tới mức 170 - 180 triệu đồng/m mặt đường.

Dọc theo đường chính từ cổng chào xã Vân Hòa cho tới Thác Đa, nhiều khu đất giao dịch xong đã rào tường, xới đất hoặc đang thi công.

Một chị bán nước bên đường, vốn thường được rỉ tai những câu chuyện kể của dân đầu cơ buôn chuyện tại đây cho hay: “Đất ở đây còn nhiều, giờ vẫn sốt. Nhiều nhà bán đất, tính sơ sơ cũng được vài tỉ đồng. Nếu muốn mua một miếng đất xấu xấu, với giá thấp nhất cũng phải mấy trăm triệu đồng/m2. Nếu chỉ có 2 trăm triệu đồng trong tay thì phải vào tít phía trong, sâu vào rừng núi”.

Chị này kể, quanh đây nhiều nhà bán đất, ít nhất cũng được vài tỉ. Vừa rồi có người bán đất gần trung tâm với giá 110 triệu đồng/m mặt đường nhưng sau đó mấy ngày lại tiếc ngẩn ngơ vì có nhà bán được 150 triệu đồng/m mặt đường.


Theo nhiều người dân kể thì biệt thự này được xây sau những phi vụ “cò” đất của anh Thạch (xóm Đồng Chay, xã Vân Hòa, Ba Vì, Hà Nội).

Nhiều nhà đầu cơ nhỏ lẻ cũng nhờ kinh doanh đất mà trong phút chốc trở thành triệu phú. Điểm qua mới thấy chủ sở hữu của những ngôi nhà cao ngất ngưởng, đồ sộ tại đây đều là những người giàu lên nhờ mua - bán đất qua lại.

Theo nhiều người dân ở đây thì sau những phi vụ “cò” đất, anh Thạch (xóm Đồng Chay, xã Vân Hòa) đã nhanh chóng xây được nhà lầu, sống dư dả, sung túc. Căn nhà lầu với kiến trúc tinh xảo cùng trang thiết bị tiện nghi của nhà anh Thạch có thể nói đó là niềm mơ ước của nhiều người dân Vân Hòa.

Giá đất lên chóng mặt, nhiều nhà đầu tư bỏ tiền ra mua đất cũng “trúng số độc đắc”, thu về một khoản tiền lời hậu hĩnh trong chốc lát.

Cách đây 6 năm (năm 2004), anh Nguyễn Khánh Thành, một người dân sống trong thôn Phùng Khắc Khoan, thị xã Sơn Tây có mua một miếng đất mặt tiền 5m, sâu 20m trên tuyến đường 88 từ Vị Thủy đi suối Hai (Thị xã Sơn Tây) với giá 100 triệu đồng. Tháng 5/2010 vừa rồi, khi thấy giá đất lên, BĐS khu vực này đang sốt hầm hập, có khách hỏi mua, anh Thành nhanh chóng bán với giá 320 triệu đồng. Chỉ sau ít hôm, khi cơn sốt lên tới đỉnh, ngày 29/5, bà Hoàng Thúy Nga (người chủ mới) lập tức sang tên mảnh đất này cho một vị khách khác với số tiền 700 triệu. Như vậy, số tiền lãi thu về đã tăng gấp đôi so với số vốn bỏ ra, bà Nga “ôm trọn” trong tay 380 triệu đồng chỉ chóng vánh trong 2 - 3 ngày.

Tuy vậy, số tiền lãi 380 triệu vẫn chỉ là con số quá nhỏ so với số tiền tỷ mà nhiều người mua đất đã trúng đậm trong thời gian qua. Anh Nền (một chuyên gia môi giới BĐS trên 40 tuổi, ở Sóc Sơn) khoe: Anh vừa hoàn thành xong một phi vụ chuyển nhượng đất “bom tấn”. Mảnh đất 400 m2 ở Sóc Sơn nằm trên trục đường 35 chạy tới quốc lộ 2, đầu tháng 5 được bán với giá 3 triệu đồng/m2. Sau đó, khi người chủ đầu tiên còn chưa kịp xuống tiền đặt cọc thì một người khác hỏi mua với giá 3,5 triệu/m2, tiếp đó lên tới 4 triệu đồng, người mua cuối cùng của tháng 5 “chốt hạ” với giá 4,5 triệu đồng/m2.

Hiện tại, mảnh đất này tiếp tục được nhà đầu tư gặng hỏi, tỉ tê gạ mua với giá 7 - 10 triệu đồng/m2 mà ông chủ của nó vẫn còn lưỡng lự chưa muốn bán. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, số tiền lãi so với vốn ban đầu đã có thể lên tới gần 4 tỷ đồng, người bán đất vẫn chắc mẩm số tiền lãi thu về sẽ còn cao nữa, thậm chí gấp 2, gấp 3 lần cũng là điều không quá ngạc nhiên.

Nỗi lo “hậu” sốt đất

Tại thị xã Sơn Tây, các cửa hàng bia, các quán nước gần trung tâm, trên trục đường chính lúc nào cũng nườm nượp khách qua lại, đông đúc hơn hẳn so với thời điểm cách đây 2 tháng.

Một chủ cửa hàng bia gần chợ Xuân Khanh nói: “Mấy hôm nay, ở đây đông khách lắm, nhà nhà đua nhau bán đất xây nhà, mua xe, người đầu cơ được mùa “bội thu” vào đây tụ tập, ăn uống. Nhiều gia đình xưa nay con cháu đi làm ăn ở xa tận đâu nay cũng bỏ việc tìm về tranh giành bán đất, chia tiền… Nhưng chỉ sợ nay mai lại giống như khu Mỹ Đình, Mễ Trì dưới Hà Nội ngày trước, rồi đây thanh niên cả làng thất nghiệp”.

Giới chuyên gia cho rằng, chỉ cần người nông dân biết tiết kiệm trong chi tiêu thì việc bán đất phục vụ cho những nhu cầu cần thiết hoàn toàn là đúng, rất tốt và chính đáng. Tuy nhiên, nếu “vung tay quá trán”, việc đưa tiền cho người nông dân hoặc người nông dân bán đất có tiền lại có mặt trái của nó.

Ông Đặng Hùng Võ (Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, có 2 hiện trạng sẽ xảy ra khi người nông dân đổ xô đi bán đất.

Thứ nhất: Việc chuyển đối nghề nghiệp tạo ra một sinh kế ổn định cho người nông dân không được giải quyết. Nhiều hộ nông dân sau khi bán đất có tiền làm nhà, tậu xe, mua ti vi, sống cuộc sống sung túc trong khi không có tiền để đảm bảo cho cuộc sống sung túc đó.

Thứ hai, hiện trạng nặng nề hơn, thiệt hại hơn như việc họ có tiền mà sử dụng vào những mặt trái của xã hội như cờ bạc, rượu chè, trai gái… Lúc đó hệ quả sẽ còn tệ hại hơn.

Chính vì thế, ông Võ cho rằng điều quan trọng là chúng ta phải đưa ra được một lộ trình chuyển đổi nghề nghiệp, một lộ trình trong ngữ cảnh đất nông nghiệp đang mất dần để phục vụ vào mục đích phi nông nghiệp.

Đối với các nhà đầu cơ, các cá nhân mua bán đất nhỏ lẻ, nếu chỉ chăm chăm chạy theo phong trào mà không nắm bắt được tình hình đất đai thì rất dễ rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, “ngồi im chờ chết”. “Nhiều trường hợp vay tiền xong mua đất để đầu tư, nhưng bây giờ đất chững lại không bán được, nợ ngân hàng nhiều phải è cổ trả lãi” , chị Trịnh Thị Hoa (chuyên kinh doanh BĐS) khuyến cáo đối với những người đang "lao đầu" vào mua đất.


DiaOcOnline.vn - Theo VTC News