Top

Để thị trường bất động sản phát triển ổn định và bền vững?

Cập nhật 03/06/2010 13:10

Để thị trường bất động sản năm 2010 phát triển ổn định, bền vững, Tổ chuyên gia liên ngành thuộc Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS đưa ra những kiến nghị để giải cứu cho thị trường.

Năm 2009, thị trường BĐS được đánh giá là ổn định, mặc dù cuối nắm có những cơn sóng nhấp nhô trên thị trường.

Bước sang năm 2010, thị trường BĐS được các chuyên gia nhìn nhận không có gì thay đổi so với năm 2009, tuy nhiên thời gian trong vòng 2 tháng trở lại đây thị trường BĐS đã có những dấu hiệu không bình thường, đặc biệt là thị trường BĐS Hà Nội, giá đất tại đây đã tăng cao đến chóng mặt.

Có nơi giá tăng lên đến 40% so với năm 2009, đặc biệt là khu vực phía Tây Hà Nội. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là cơn sốt đất Hà Nội chỉ là cơn sốt của giới đầu cơ gom hàng rồi đẩy giá đất lên cao tạo cho thị trường BĐS trở nên hỗn loạn vì giá đất. Bởi tại các sàn giao dịch BĐS, giao dịch của những người có nhu cầu thật hầu như không diễn ra, họ mới chỉ có động thái đến tìm hiểu thông tin rồi bỏ đấy, bởi giá đất lên quá cao, vượt quá mức chi trả của nhiều người.

Vì vậy, để thị trường BĐS năm 2010 phát triển ổn định, bền vững, Tổ chuyên gia liên ngành thuộc Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS đưa ra những kiến nghị để giải cứu cho thị trường.

Cần có chính sách linh hoạt cho thị trường BĐS


Theo Tổ chuyên gia liên ngành thì cần xây dựng cơ chế tài chính phát triển thị trường BĐS, đặc biệt là cơ chế tài chính phát triển nhà ở. Cơ chế tài chính đó thể hiện cả trong ngắn hạn cũng như trung và dài hạn.

Trong năm 2010, sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn tiếp tục phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Vì vậy, các chính sách tài chính tiền tệ cần rất linh hoạt để vừa đảm bảo không tạo ra “bong bóng” trên thị trường BĐS, nhưng cũng không thắt chặt đột ngột gây “đổ vỡ” thị trường trên diện rộng.

Bên cạnh đó cần bổ sung sửa đổi một số cơ chế chính sách về xây dựng, về tài chính tiền tệ liên quan tới thị trường BĐS để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường phát triển, như: Tạm thời giãn, hoãn thu thuế thu nhập cá nhân đối với mua bán BĐS; qui định về huy động vốn trong quá trình triển khai dự án BĐS, qui định về cho vay kinh doanh BĐS dựa trên thế chấp, quy định về khuyến khích phát triển nhà ở cho thuê...

Trong thời gian trung và dài hạn cần phải nghiên cứu thí điểm thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà.

Bên cạnh đó cũng nên nghiên cứu thí điểm thành lập mô hình Quỹ đầu tư tín thác bất động sản (đây là hình thức đầu tư theo ủy quyền của các nhà đầu tư nhỏ, Quỹ này được phép đầu tư 100% vốn vào bất động sản). Đây là một loại hình quỹ thành công ở rất nhiều quốc gia.

Đẩy mạnh xây dựng NƠXH


Theo Tổ chuyên gia liên ngành thì một trong những biện pháp nhằm ổn định thị trường BĐS đó là Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh tập trung nguồn lực cho các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm.

Cụ thể là bố trí nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho chương trình xây dựng nhà ở công nhân các khu công nghiệp tập trung và chương trình nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

Ngoài ra, thiết lập mô hình quản lý và triển khai thực hiện các chương trình nhà ở xã hội để đảm bảo cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Đặc biệt chú trọng xây dựng cơ chế phối kết hợp giữa nguồn vốn NSNN với các nguồn vốn khác để thực hiện các chương trình nhà ở xã hội; cơ chế mua bán để nhà ở xã hội đến đúng đối tượng cần được thụ hưởng; cơ chế ưu đãi hỗ trợ cho các bên tham gia vào chương trình nhà ở xã hội.

Tăng mạnh nguồn cung cho thị trường


Để nâng cao chất lượng và tính ổn định, tầm nhìn chiến lược cho các qui hoạch, kể cả qui hoạch đô thị, qui hoạch nông thôn, qui hoạch ngành làm cơ sở cho thị trường BĐS phát triển thì một trong những biện pháp quan trọng đó là phải tăng nguồn cung cho thị trường.

Nguồn cung thị trường được tăng mạnh nếu tiếp tục đẩy mạnh công khai hoá trong hoạt động kinh doanh BĐS thông qua hệ thống thông tin qui hoạch cụ thể, chi tiết, đồng thời chuẩn hoá các điều kiện tiếp cận thị trường BĐS để các doanh nghiệp kinh doanh BĐS được tiếp cận thông tin về bất động sản một cách bình đẳng, công khai minh bạch.

Đồng thời triệt để thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết của Chính phủ, giảm thiểu thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, góp phần tăng nguồn cung cho thị trường BĐS.

Đặc biệt, các dự án nhà ở cần có cơ cấu hàng hóa phù hợp về diện tích cũng như về giá cả đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Nhà nước cho phép thí điểm một số dự án nhà ở có các căn hộ diện tích nhỏ 30-40 m2 (chiếm từ 10-15% tổng số căn hộ trong 1 dự án), phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân.

Bên cạnh đó, Nhà nước sớm ban hành quy định cho phép chủ đầu tư các dự án nhà ở được phép bán tối đa 20% số căn hộ không phải qua sàn giao dịch BĐS, giúp các chủ đầu tư thêm nguồn vốn thực hiện dự án, tăng nhanh nguồn cung cho thị trường.

Đối với các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần rà soát, kiểm tra tình hình triển khai các dự án BĐS. Đối với các dự án đang thi công công trình và các dự án đã được giao đất cần yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương triển khai thi công theo tiến độ đã được phê duyệt, nhanh chóng hoàn thiện nhà ở bàn giao cho người mua.

Đối với các dự án đã được phê duyệt, yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương GPMB, thi công hạ tầng theo tiến độ. Đối với các dự án đang trong quá trình điều chỉnh, cần khẩn trương điều chỉnh quy hoạch, khớp nối quy hoạch để được triển khai tránh trường hợp quy hoạch treo.

Ngoài ra, các địa phương kiểm tra và kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, các dự án đã đăng ký đầu tư nhưng không triển khai giao cho các chủ đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án để tăng nguồn cung cho thị trường.

Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS thường xuyên tổ chức kiểm tra tình hình triển khai các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở tại các thành phố lớn, nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, kịp thời hướng dẫn các chủ đầu tư tuân thủ đúng quy định trong đầu tư và kinh doanh.

Xây dựng hệ thống thông tin cho thị trường


Thiết lập ngay hệ thống thông tin về thị trường BĐS thống nhất từ Trung ương tới địa phương, với kỷ luật và chế độ báo cáo nghiêm túc, tập trung, đầy đủ, kịp thời, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, điều chỉnh thị trường BĐS một cách khoa học, đồng thời góp phần công khai minh bạch hoá thị trường BĐS.

Theo đó sẽ thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 3 tháng, 6 tháng ở cấp tỉnh và cấp Trung ương về tình hình phát triển nhà ở và thị trường BĐS để các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, Ban chỉ đạo chính sách phát triển nhà ở và thị trường BĐS cấp tỉnh và cấp Trung ương có đủ thông tin cần thiết phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

Cần 1 cơ quan đủ tầm để quảy lý thị trường

Bất động sản và thị trường BĐS là một lĩnh vực kinh tế, không đơn thuần là một ngành kinh tế kỹ thuật. Vì vậy, quản lý thị trường BĐS cũng cần một số cơ quan nhà nước đồng thời theo dõi và quản lý. Tuy vậy, cần có một cơ quan đầu mối quản lý cấp nhà nước về thị trường BĐS.

Hiện Bộ Xây dựng là cơ quan có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về thị trường BĐS. Tuy nhiên, cơ quan quản lý thực tế về thị trường BĐS chỉ mới đặt tại một đơn vị cấp Cục. Điều này gây nên những bất cập về phạm vi và tầm quản lý. Vì vậy, rất cần một cơ quan đủ tầm quản lý thị trường BĐS ngang tầm với yêu cầu trong thời gian tới, phù hợp nhất là Tổng cục nhà ở và thị trường BĐS đặt tại Bộ Xây dựng.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về thị trường bất động sản ở các cấp chính quyền.

DiaOcOnline.vn - Theo InfoTV