Trước thông tin 17 đơn vị hành chính và gần 180.000 nhân khẩu của huyện Mê Linh được sáp nhập về thủ đô, tình hình mua bán đất ở đây cũng chưa có nhiều biến chuyển.
Người dân thờ ơ, đất sốt ảo
Về Mê Linh những ngày đầu tháng 4, sự bình thản trước thông tin sát nhập về Hà Nội thể hiện rõ trong các hoạt động đời thường của người dân. Họ vẫn ra đồng, chăm sóc lúa, hoa màu.
Việc này có vẻ ngược với tình hình ào ào bán ruộng của người Hà Tây, trước thông tin về Hà Nội.
Mê Linh đã là ngoại thành của Hà Nội từ năm 1979 - 1991, cùng với Hoài Đức, Phúc Thọ, Ba Vì, Thạch Thất, Sơn Tây, Sóc Sơn, sau năm 1991 chỉ có Sóc Sơn ở lại Hà Nội.
12 năm là “người thủ đô” nên thông tin trở lại làm người Hà Nội đến với người dân không quá bất ngờ, tuy nhiên, sự “thăm hỏi” thường xuyên của các nhà đầu cơ đất từ các vùng khác cũng gây một vài xáo trộn, đặc biệt tác động đến tâm lý người dân, tạo nên một cơn sốt ảo.
Giá một số mảnh đất được “đội lên” gấp nhiều lần so với giá thực tế.
Qua khảo sát tại xã Tiền Phong, giáp huyện Đông Anh (Hà Nội), đoạn trục đường chính gần khu nhà ở Hà Phong (đang đấu giá và là đất thương phẩm) có giá từ 15-16 triệu đồng/m2. Đất ở phố Yên có giá khoảng hơn 10-12 triệu đồng/m2 trong khi giá đất thổ cư của xã Tiền Phong trục đường quốc lộ 23 thực tế là 3-4 triệu đồng/m2.
Tại xã Quang Minh, đất có giá từ 5- 5,5 triệu đồng/ m2, giá thực tế chỉ 2-3 triệu/m2. Tuy nhiên, đất thổ cư đã có chủ từ nhiều năm nay, đất ruộng còn lại hoặc của nhà nước hoặc đã thuộc các dự án, việc bán qua lại trao tay giữa các chủ đất khiến giá đất tăng hơn nhiều so với giá thực.
Không có dao động lớn về mua bán đất
Theo thông tin từ UBND huyện Mê Linh, từ khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định chấp thuận để Mê Linh về Hà Nội, không có biến động về giá cả thị trường bất động sản, kể cả đất thổ cư cả đất canh tác.
Đất vẫn được tận dụng tối đa cho việc sản xuất nông nghiệp, trồng cây hoa màu, việc có những thông tin về giá cả như nói trên hoàn toàn là thông tin ảo. Giao dịch mua bán đất ở đây diễn ra bình thường như nhiều năm trước, không có gì thay đổi.
Từ 4/3, UBND tỉnh đã chỉ đạo dừng việc triển khai các dự án vào huyện Mê Linh và UBND huyện đã quyết liệt nghiêm cấm các UBND xã ký kết các dự án, xử lý vi phạm các trường hợp lấn chiếm đất đai và làm chặt chẽ việc mua bán đất vì liên quan đến cấp sổ đỏ.
Nếu nông dân bán kiểu trao tay, không qua phòng tài nguyên môi trường, trái với pháp luật, UBND huyện phát hiện được sẽ xử lý và thu hồi.
Trước thông tin một số "cò" khẳng định họ có đủ khả năng chuyển đất ruộng đang canh tác thành đất thổ cư khiến không ít người đổ xô đi xem quy hoạch, tìm mua đất, ngày 21/3, UBND huyện Mê Linh đã ra chỉ thị yêu cầu chính quyền các xã kiểm tra, rà soát toàn bộ những địa điểm có dấu hiệu chuyển đổi trái phép, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm.
Một lãnh đạo của UBND huyện khẳng định: sẽ xử lý nghiêm nếu chuyển đổi đất trái pháp luật và chắc chắn không có chuyện nông dân tự ý bán ruộng.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: