Top

Đất kho bãi ở TP.HCM: Điệp khúc “bỏ trống, để hoang”

Cập nhật 24/07/2009 08:05

Hai mẫu đất nằm trên đường Hồ Học Lãm (phường 16, quận 8) của Công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư thành hai mẫu nước. Ảnh: N.Nam.

Trong khi thành phố đang thiếu trường học thì hàng chục ngàn mét vuông đất kho bãi bị bỏ hoang.

“Quận Bình Tân có nhiều mặt bằng lớn và đẹp nhưng trong khi quận đang thiếu trường học thì những mảnh đất này lại bị bỏ trống hoặc có ý định chuyển đổi mục đích sử dụng. Sau đợt kiểm tra này, chúng tôi sẽ có những kiến nghị cụ thể để chấn chỉnh việc sử dụng kho bãi”. Đó là ý kiến của ông Huỳnh Công Hùng, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, tại buổi khảo sát tình hình quản lý, sử dụng chín mặt bằng kho bãi trên địa bàn quận 8 và Bình Tân vào chiều 23-7.

“Hai mẫu đất thành hai mẫu nước”!

Địa chỉ đầu tiên đoàn đến khảo sát là mặt bằng không số nằm trên đường Hồ Học Lãm (hương lộ 5 cũ, phường 16, quận 8) của Công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư (PETEC). Mặt bằng này có diện tích khoảng 20.000 m2, vốn là kho chứa nông sản nhưng đã bỏ trống từ năm 2005 do bị ngập. PETEC đã lập dự án xin chuyển mục đích sử dụng sang kinh doanh kho bãi nhưng phải chờ sắp xếp của Ban chỉ đạo 09 trung ương. Vì ngập nước nên mặt bằng này không thể tạm làm gì được trong lúc chờ đợi. Sau khi quan sát, ông Huỳnh Công Hùng nhận xét: “Hai mẫu đất giờ thành hai mẫu nước!”.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, nguyên Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, cho biết cuối năm 1997, PETEC ký hợp đồng thuê đất với Sở Địa chính TP và hợp đồng đã hết hạn vào cuối năm 2001. “Về nguyên tắc, khi đã hết hợp đồng thuê đất thì Sở Tài nguyên và Môi trường phải thu hồi” - ông Hoàng nhấn mạnh.

Đất mặt tiền bỏ trống

Mặt bằng số 538 Kinh Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân) của Xí nghiệp Phân bón An Lạc 1 (Công ty Phân bón miền Nam) có diện tích gần 14.000 m2 đang bị bỏ trống. Ông Đỗ Minh Thê, Trưởng phòng Tổng hợp Công ty Phân bón miền Nam, cho biết: “Nơi đây vốn là cơ sở sản xuất thuộc diện di dời của TP từ cuối năm 2006. Chúng tôi đã xin chuyển mục đích sử dụng đất sang làm dịch vụ thương mại và nhà cao tầng nhưng chưa được giải quyết”.

Kho số 52 Kinh Dương Vương của Công ty Bảo vệ thực vật II với diện tích hơn 3.000 m2 cũng đang bị bỏ trống. Theo ông Huỳnh Văn Biết - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, mặt bằng này có chiều dài mặt tiền khoảng 40 m, sâu khoảng 80 m. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên thì phần lớn đất chiều dài mặt tiền đã được cắt ra phân lô xây nhà riêng lẻ, có người sử dụng. Điều đáng nói là kho này nằm sát với mặt bằng số 538 Kinh Dương Vương, nếu đấu nối lại thì sẽ thành một khu đất vuông vắn có diện tích gần 18.000 m2. “Nếu đất này được sử dụng làm trường học thì tốt quá” - ông Huỳnh Công Hùng nói.

Đóng cửa không tiếp

Theo ông Huỳnh Văn Biết, khi quận đi kiểm tra thực tế, có một số cơ quan không hợp tác, không cho ghi hiện trạng, một số đơn vị đóng cửa không tiếp... Do vậy, quận Bình Tân kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của TP khẩn trương rà soát và có giải pháp xử lý đối với kho bãi được sử dụng không đúng mục đích.

“Nhìn chung, việc quản lý, sử dụng các mặt bằng mà đoàn đi kiểm tra còn nhiều bất cập. Đặc biệt, chúng ta cần phải cẩn trọng khi đưa kho bãi vào cổ phần hóa, nếu không sẽ gây thất thoát trong khi TP đang cần đất để làm các công trình phúc lợi. Vấn đề đặt ra là những người quản lý và lãnh đạo các kho bãi này phải có trách nhiệm, có biện pháp sử dụng tài sản đất đai có hiệu quả” - ông Huỳnh Công Hùng nhận xét.

 

Tám đơn vị sử dụng đất chưa hiệu quả

Theo UBND quận Bình Tân, quận có tám đơn vị đang sử dụng không hiệu quả một diện tích đất rất lớn. Cụ thể:

- Công ty cổ phần Xây lắp III - hơn 14.000 m2 (chỉ sử dụng 3.000 m2)

- Xí nghiệp phân bón An Lạc 1 - gần 14.000 m2

- Xưởng chế tạo máy SINCO - hơn 26.000 m2 (đang sử dụng 600 m2)

- Công ty cổ phần Hóa dược phẩm Mekophar - hơn 9.000 m2 (đang sử dụng 400 m2)

- Văn phòng Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn - hơn 5.600 m2 (chỉ xây một căn nhà tạm để giữ đất)

- Xí nghiệp kinh doanh kim khí số 7 - hơn 5.000 m2

- Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên - gần 2.500 m2

- Công ty Bảo vệ thực vật II - hơn 3.000 m2
 

 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP