Top

Đất Hà Nội “nóng”, không chỉ phía Tây

Cập nhật 12/10/2009 13:10

Ecopark - một trong những khu đô thị lớn ở phía Đông Hà Nội.

Có lẽ đây là lần đầu tiên kể từ khi Hà Nội mở rộng, nhà đất ở phía Đông nhận được sự quan tâm hơn bao giờ hết. Trong khi sức hút của thị trường BĐS phía Tây vẫn rất rõ nét thì điều này có tạo ra sự cạnh tranh từ hai phía?

Đông - Tây cùng tăng

Một trong những sự kiện được chú ý nhiều nhất ở khu vực phía Đông thời gian qua là cầu Vĩnh Tuy đã chính thức thông xe, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Đây cũng chính là lý do khiến thị trường BĐS ở đây sôi động hẳn lên.

Tại những khu vực gần cầu phía bên quận Long Biên, theo khảo sát của phóng viên, giá đất tăng khoảng 20 - 30% so với trước thời điểm thông cầu khoảng 1 tháng, còn nếu so với giá cách đây một vài năm thì có thể tăng tới 4,5 lần. Như đất mặt đường khu tái định cư cầu Vĩnh Tuy giờ có giá khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2 trong khi thời điểm năm 2006 giá trên giấy tờ chỉ là 10 triệu đồng/m2.

Không chỉ khu vực gần cầu “sốt” đất, nhiều nơi khác cũng được “thơm” lây. Điển hình như khu đô thị mới Việt Hưng nằm khá xa cầu Vĩnh Tuy nếu so với khoảng cách tới cầu Chương Dương, giá nhà đất bỗng chốc tăng vọt.

Một người dân ở tòa K6 - khu đô thị mới Việt Hưng cho biết: tại thời điểm tháng 5/2009, họ mua căn hộ diện tích 70m2 ở đây chỉ với giá 820 triệu đồng (tương đương 11,6 triệu đồng/m2) thì hiện nay giá đã lên tới hơn 1 tỷ đồng (khoảng 15 triệu đồng/m2).

Đối với khu vực phía Tây, sau một thời gian tạm lắng hiện đang có xu hướng nóng dần lên với rất nhiều các dự án đã và đang được phát triển như: khu đô thị Văn Quán, Văn Khê… Giá đất ở đây đang có sự biến động mạnh so với thời đỉểm cách đây khoảng 6 tháng.

Theo nhận định của Savills, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng giá này là do có rất nhiều tuyến đường đang được làm như: đường Lê Văn Lương kéo dài , Quốc lộ 32... Thông thường thì giá đất ở những khu vực có đường mới đi qua sẽ lên theo tiến độ xây dựng của con đường.

Bên cạnh đó còn một nguyên nhân nữa dẫn tới tình trạng này là do tâm lý gom hàng của các nhà đầu tư ngắn hạn. Họ mong chờ một cơn sốt đất như đã diễn ra vào năm 2007.

Cạnh tranh từ hai phía?

Không dừng lại ở việc tăng giá, thị trường BĐS phía Đông còn đang được chú ý với hàng loạt các dự án lớn được triển khai như: Khu đô thị sinh thái Ecopark lớn nhất miền Bắc, khu đô thị Đại An, Sài Đồng, Thạch Bàn… và đặc biệt là dự án xây dựng thành phố ven sông Hồng đã được phê duyệt UBND TP Hà Nội gần đây cũng làm cho đất ở khu vực này “nóng” lên trông thấy.

Hiện tại, hạ tầng giao thông ở khu vực này đang dần cải thiện. Không chỉ cầu Vĩnh Tuy, mà cả cầu Thanh Trì cũng đã được đưa vào sử dụng và các tuyến đường nối với cầu sẽ là trục nối thành phố với khu vực phía Nam Hà Nội, Hà Đông và khu vực phía Tây.

Bên cạnh đó, tuyến đường giao thông liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên dự kiến thông xe kỹ thuật vào cuối 2010 và việc nâng cấp đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cùng với quốc lộ 5 kéo dài cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi về phát triển kinh tế cho khu vực nói chung.

Theo một số chuyên gia, với những điều kiện như vậy thì không có lý do gì thị trường BĐS ở phía Đông không phát triển và nếu chủ đầu tư các dự án ở đó biết đánh “trúng” tâm lý khách hàng đối với yêu cầu sản phẩm thì có thể tạo ra sự cạnh tranh không nhỏ đối với các dự án BĐS phía Tây.

Hiện nay, nhu cầu về nhà ở của người dân còn rất lớn nhưng yêu cầu về nhà ở, chất lượng cuộc sống của người dân cũng cao hơn, nhất là đối với người sống ở đô thị, từ việc đi lại, ăn ở, các dịch vụ công cộng đến môi trường, thiên nhiên... Người dân cũng có ý thức và thận trọng hơn đối với các dự án có dấu hiệu không bình thường như dự án “ma”, dự án “treo”…

Đây là những điều các chủ đầu tư sẽ phải lưu ý tới nếu muốn sản phẩm của mình thu hút khách hàng. Và dù phát triển các dự án nhà ở phía Đông, phía Tây hay bất cứ khu vực nào khác ở Hà Nội thì sự cạnh tranh ấy cũng sẽ là cơ hội cho người dân có thêm lựa chọn hợp lý đối với nhà ở của mình cũng như cho các nhà đầu tư.


DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí