Top

Đất dự án tiếp tục giảm giá!

Cập nhật 21/08/2009 13:30

Đất dự án được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng giảm giá, do áp lực thanh khoản quá thấp.

Dưới áp lực tính thanh khoản giảm mạnh, nền đất trong các dự án trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giảm mạnh. Một số dự án có mức tăng giá mạnh trước đây nay đã giảm từ 10 đến 20 triệu đồng/m2 so với giá đỉnh của tháng 6.2009.

Áp lực giảm giá

Đúng như dự báo của các chuyên gia mà Báo Lao Động đã từng đăng tải trong một số bài nhận định về thị trường bất động sản (BĐS), trong 2 tháng 7 và 8.2009 giá nhà đất trên thị trường BĐS có chiều hướng đi xuống sau khi đạt đỉnh vào tháng 6.

Thực tế diễn biến của thị trường BĐS trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8.2009 chỉ có đi xuống. Trong tháng 6.2009, giá nền đất trong các dự án hàng top, có tính thanh khoản cao ở Nam Sài Gòn đã được đẩy lên đến giá đỉnh của cơn sốt năm cuối năm 2007 đầu năm 2008.

Cụ thể tại khu đô thị mới Nam Sài Gòn, giá nền đất trong các dự án hàng top đứng ở mức cao ngất ngưởng, chỉ thua giá đỉnh của cơn sốt cuối 2007 đầu 2008 khoảng 10%. Dự án Him Lam (mặt tiền đường Nguyễn Thị Thập, quận 7), các nền có ký hiệu K, Q đều nằm trong mức 82 -85 triệu đồng/m2. Mức giá này chỉ thấp hơn giá đỉnh điểm của cơn sốt giá nhà đất năm 2007 từ 5 đến 8 triệu đồng/m2. Sang tháng 7 và 8, giá chào bán chủ yếu chỉ còn ở mức dưới 70 triệu đồng/m2. Phần nhiều đều chào bán trong khoảng 60-65 triệu đồng/m2. Nếu so với giá đỉnh trong tháng 6, mỗi mét vuông trong dự án này đã giảm từ 10 đến 20 triệu đồng.

Dự án Trung Sơn, hiện tượng cá biệt tăng giá hơn 100% trong 3 (từ tháng tư đến tháng 6) cũng đã chùng xuống đáng kể. Đất mặt tiền đường Nguyễn Văn Cừ chào bán phổ biến dưới ngưỡng 70 triệu đồng/m2, thấp hơn giá đỉnh trong tháng 6.2009 gần 15 triệu đồng.

Mặc dù đất dự án đã không có những biểu hiện chùng xuống đáng kể, nhưng so với giá đất tháng 2.2009 (trước cơn sốt) vẫn còn rất cao. Theo nhận định của các chuyên gia phân tích thị trường, trong thời gian tới, tính thanh khoản của đất dự án vẫn sẽ tiếp tục ở mức thấp như hiện nay.

Áp lực giảm giá vẫn tiếp tục đè nặng, đất dự án vẫn sẽ trong xu hướng điều chỉnh giảm. Không chỉ thị trường đất dự án bị giảm giá, tính thanh khoản giảm mà ngay cả thị trường nhà trong nội thành cũng ở trong tình trạng tương tự. Theo số liệu giao dịch từ sàn giao dịch BĐS ACB, số vụ giao dịch thành công đã giảm 1/3 so với những tháng đầu năm.

Ngó chừng chính sách tiền tệ

Theo nhận định của các chuyên gia, sở dĩ thị trường đất dự án nhanh chóng bị xì hơi trong tháng 7 và 8.2009 là do áp lực từ thị trường tiền tệ vốn là nơi cung cấp sinh lực chính cho những NĐT theo dạng lướt sóng - những người góp phần quan trọng cho thị trường BĐS nhộn nhịp trong các tháng 4-6.2009.

Các kênh thông tin hỗ trợ cho thị trường đều trong tình trạng kém lạc quan. Trong tháng 7, xuất hiện một thông tin gây rúng động cho giới đầu tư nhà đất, đó là dư nợ tín dụng BĐS tăng trên 10%. Từ đó, dẫn đến một dự báo trong thời gian tới có khả năng hạn chế tín dụng BĐS từ các NH. Mà khi các NH siết hầu bao thì thị trường BĐS phải chịu tác động nặng nhất. Chỉ riêng thông tin này đã có tác động làm đứt đà tăng giá đất dự án vốn đang hừng hực khí thế sau 3 tháng tăng liên tiếp.

Sang tháng 8, thị trường BĐS đón nhận thêm tin quy định bắt buộc giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung hạn và dài hạn. Theo đó, các NHTM chỉ được phép sử dụng tối đa 30% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Mặc dù quy định này không nhắm vào việc siết thị trường BĐS một cách trực tiếp, nhưng nó lại gián tiếp tác động mạnh lên thị trường BĐS một cách mạnh mẽ. Bởi lẽ ai cũng biết, vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS chủ yếu là nguồn vốn trung và dài hạn. Điều chắc chắn, khi các NHTM buộc phải điều chỉnh cơ cấu cho vay thì kênh cho vay đầu tư BĐS sẽ là đích điều chỉnh đầu tiên.

Cũng theo nhận định của các chuyên gia, những chính sách tiền tệ đang được các NĐT BĐS quan sát một cách kỹ lưỡng. Trong tình hình đó, sẽ không thể có tình trạng thị trường BĐS có những diễn biến bất thường. Thị trường vẫn sẽ tiếp tục xu hướng điều chỉnh giá đi xuống.


DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động