Hà Nội còn hàng trăm ngôi biệt thự chưa thể bán vì còn vướng thủ tục. |
Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo UBND TP Hà Nội rà soát các loại biệt thự, xác định rõ loại không được bán và loại được bán theo quy định của Nghị định (NĐ) số 61/CP của Chính phủ; trên cơ sở đó, quyết định phê duyệt đề án quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn và chỉ đạo thực hiện...
Theo Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (đơn vị trực tiếp giải quyết việc bán nhà theo NĐ 61/CP), hiện nay đã tính giá bán được hơn 1.000 hồ sơ xin mua nhà nằm trong biệt thự. Tuy nhiên, cơ quan bán nhà mới giải quyết xong hơn 100 trường hợp. Lý giải cho sự chậm trễ này, ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Công ty cho biết, sau khi HĐND TP có quyết nghị, UBND TP đã có quyết định về phương án tính giá để các cơ quan liên quan triển khai. Nhưng, khi triển khai thực tế, không ít hộ thấy hệ số tính giá 1,5 lần lại chê giá cao không mua nữa. Thậm chí, có hộ còn khiếu nại hồ sơ đã nộp, sao không tính theo giá cũ mà áp giá mới?...
Ngoài ra, mặc dù HĐND TP Hà Nội đã quyết nghị việc bán tiếp số biệt thự đã bán dang dở; song, hơn nửa năm nay, chưa có hồ sơ mua biệt thự nào được giải quyết, bởi TP còn phải xin ý kiến của Chính phủ. Chỉ khi Thủ tướng Chính phủ duyệt danh sách nhà được bán, Hà Nội mới triển khai việc bán tiếp biệt thự cho dân. Mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu Hà Nội rà soát phân loại biệt thự được bán, biệt thự không được bán, trên cơ sở đó mới quyết định phê duyệt đề án quản lý và triển khai.
Được biết, có nhiều trường hợp đang chờ giải quyết việc mua - bán biệt thự đã bán dang dở. Bởi, phần lớn nhà biệt thự trên được phân cho nhiều hộ cùng sinh sống, sau hàng chục năm đã xuống cấp. Trong số đó, không ít biệt thự đã bị phá vỡ kiến trúc ban đầu do các hộ dân tự ý cơi nới, xây dựng thêm. Nhà xuống cấp, lâu ngày không được bảo trì, bảo dưỡng, nhưng vì không có "sổ đỏ", nên nhiều hộ muốn sửa chữa cũng không làm được. Ngoài ra, cũng có một bộ phận chờ được cấp "sổ đỏ" để chuyển nhượng...
Theo Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, việc bán nhà 61/CP có tình trạng "nước đến chân mới nhảy". Đơn cử, cuối năm 2007, khi có chủ trương dừng bán nhà theo NĐ 61/CP người dân "đổ xô" đến nộp hồ sơ. Số hồ sơ công ty thụ lý tăng gấp vài chục lần những năm trước khiến việc giải quyết gặp nhiều khó khăn. Nhưng, sau khi Chính phủ có chủ trương giãn thời hạn cuối đến năm 2010, số hồ sơ xin mua giảm đáng kể. Mặc dù lường trước tình hình, song với khối lượng hồ sơ lớn dồn vào một thời điểm, cán bộ nhân viên công ty không khỏi lúng túng.
Về thời gian xử lý hồ sơ, đại diện Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, nhiều hồ sơ, nhất là liên quan tới nhà mặt phố, biệt thự, chưa thể bảo đảm thực hiện đúng quy trình bán nhà trong 52 ngày làm việc do sổ sách theo dõi tiến độ thụ lý hồ sơ chưa được cập nhật thường xuyên, trình độ cán bộ còn hạn chế, còn tư tưởng xin - cho, còn kéo dài khâu đo vẽ địa chính, tính giá hay trình cấp "sổ đỏ"... Ngoài ra, tình trạng chậm trễ còn do chính quyền địa phương không tin cơ quan quản lý nhà. Dù cơ quan bán nhà có đẩy nhanh tiến độ, hồ sơ về đến quận, huyện lại tắc, nhiều khâu phải làm lại, vì quận, huyện không tin kết quả thụ lý của cơ quan bán nhà...
Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Xuân Anh đề nghị, UBND các quận, huyện, thị xã hoàn thiện, ổn định tổ chức, giao nhiệm vụ thống nhất cho phòng chuyên môn thực hiện việc cấp giấy chứng nhận, bảo đảm giải quyết hồ sơ đúng thời gian quy định. Được biết, hiện có khoảng 18.000 hộ gia đình ở nhà cấp 4, không còn cơ quan quản lý hoặc đã phá đi, xây dựng lại, đang được tập trung giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: