Sau khi thông tin thành lập các đặc khu được phổ biến rộng rãi, việc chuyển nhượng, lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng trái phép, chặt phá rừng đã diễn ra phức tạp tại các đặc khu.
Cơn "sốt" chuyển nhượng
Trong báo cáo vừa gửi đến Quốc hội, Chính phủ cho biết, tình hình “chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất tại cơ quan nhà nước thuộc các địa phương đã tăng đáng kể từ sau khi có thông tin thành lập các đặc khu.
Cụ thể, tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa (nơi dự kiến thành lập đặc khu kinh tế Vân Phong), năm 2017 có 1.467 trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng diện tích 258,8 ha và 215 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thì đến 4 tháng đầu năm 2018 đã có 1.859 trường hợp chuyển nhượng với diện tích 356 ha và 162 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất.
Trong số này chủ yếu là chuyển nhượng, chuyển mục đích từ đất rừng sản xuất và đất nuôi trồng thủy sản, đất sản xuất nông nghiệp.
Thông tin thành lập đặc khu đã tạo ra những cơn sốt chuyển nhượng đất |
Tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh (nơi dự kiến thành lập đặc khu kinh tế Vân Đồn), nếu năm 2016 có 684 trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì đến năm 2017 con số tương tự có 1.625 trường hợp và đến quý 1 năm 2018 là 519 trường hợp. Giai đoạn 2015-2017 có 288 trường hợp chuyển mục đích của hộ gia đình, cá nhân. Riêng năm 2018 địa phương không giải quyết trường hợp nào.
Tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (nơi dự kiến thành lập đặc khu kinh tế Phú Quốc), từ ngày 1-1-2017 đến 30-4-2018 có 5 tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng diện tích 8,5 ha; 12.268 hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, với tổng diện tích 699,96 ha.
Cùng với tình trạng trên, theo Chính phủ, qua kiểm tra tại các địa phương còn cho thấy, từ khi có thông tin chuẩn bị thành lập đặc khu, tình trạng vi phạm trong sử dụng đất đai trên phạm vi các khu vực dự kiến thành lập có diễn biến phức tạp.
Tại Phú Quốc đã có tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái phép sang đất phi nông nghiệp, lấn chiếm đất đai (nhất là lấn, chiếm đất rừng), chuyển nhượng quyền sử dụng đất không làm thủ tục theo quy định, mua bán trao tay, trong đó đa phần là đất không có giấy tờ, không rõ nguồn gốc, trình trạng san lấp, phân lô, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra phức tạp.
“Đóng băng” chuyển nhượng
Trước thực tế trên, Thủ tướng và các Bộ, ngành đã ban hành các văn bản để chấn chỉnh công tác quản lý và sử dụng đất tại các địa phương dự kiến thành lập đặc khu. Tại Quảng Ninh, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị “thực hiện một số biện pháp cấp bách để quản lý và ngăn chặn việc giao đất, mua bán, chuyển nhượng và sử dụng đất đai trái pháp luật trên địa bàn huyện Vân Đồn”.
Tỉnh này cũng tạm dừng việc chuyển mục đích các loại đất trong nhóm đất nông nghiệp sang đất ở; dừng việc tách thửa đất ở của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Vân Đồn; không cho phép chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản; thực hiện rà soát tổng thể các quy hoạch, dự án trên địa bàn huyện Vân Đồn.
Tỉnh Quảng Ninh cũng thông báo cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp liên quan tạm dừng triển khai các bước tiếp theo cho đến khi phương án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn theo định hướng là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thông qua; thực hiện nghiêm việc rà soát, đề xuất xử lý thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật.
Đồng thời giao Thanh tra tỉnh chủ trì tiến hành thanh tra toàn diện việc quản lý đất đai trên địa bàn huyện Vân Đồn để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật đất đai. Kết quả bước đầu, Quảng Ninh đã thu hồi 10 dự án chậm tiến độ hoặc vi phạm pháp luật với tổng diện tích trên 350 ha; thu hồi chủ trương đầu tư 13 dự án chưa được giao đất.
Cũng tại Quảng Ninh, trong quý 1 năm 2018, đã phát hiện và xử lý 51 trường hợp tự ý san gạt đất lâm nghiệp và san lấp trên đất nông nghiệp. UBND các xã và UBND huyện Vân Đồn đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn, lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ xe máy chuyên dụng…; đang thực hiện thủ tục thu hồi đất đối với một số trường hợp vi phạm và chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xử lý 1 vụ.
Cơ quan chức năng địa phương cũng dừng việc làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất của 29 trường hợp; trục xuất ra khỏi địa bàn huyện 13 sàn giao dịch bất động sản không đủ điều kiện hành nghề theo quy định.
“Đến nay, đã cơ bản kiểm soát được tình hình quản lý, sử dụng đất đai, không để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng; không có hồ sơ đề nghị chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích đất rừng, đất lâm nghiệp, đất ao, vườn liền kề của các tổ chức, cá nhân; không có tình trạng phân lô, bán nền trái phép trên đất nông nghiệp hoặc xây dựng trái phép công trình, xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng” – theo báo cáo Chính phủ.
Tại các tỉnh Khánh Hòa, Kiên Giang, việc chấn chỉnh quản lý đất đai cũng đang diễn ra. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng, đất đai, chặt phá và lấn chiếm đất rừng... đang được triển khai nhưng chưa có kết quả.
Nhấn mạnh những kết quả đạt được song Chính phủ thừa nhận tình trạng chuyển nhượng đất “ngầm” vẫn còn diễn ra ở các khu vực dự kiến thành lập đặc khu mà vẫn chưa được phát hiện kịp thời, xử lý, nhất là tại các tỉnh Khánh Hòa và Kiên Giang.
Nguyên nhân chủ yếu do chưa quyết liệt và kịp thời trong việc ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng giao dịch đất đai không đúng quy định tại địa phương; chưa kịp thời xử lý tình trạng tăng giá đất đột biến, bất thường tại địa phương để kéo dài gây bức xúc trong dư luận.
Hiện trạng sử dụng đất tại các khu vực dự kiến thành lập đặc khu
Huyện Vân Đồn có tổng diện tích các loại đất là 58.183 ha, trong đó đất nông nghiệp là 39.196 ha; đất phi nông nghiệp là 4.648 ha; đất chưa sử dụng là 14.339 ha (trong tổng diện tích của toàn khu. Các đối tượng sử dụng đất chủ yếu là: 16.430 ha do các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng; 15.075 ha do các tổ chức kinh tế đang sử dụng; 773 ha do cơ quan, đơn vị của nhà nước đang sử dụng; 23.493 ha do UBND cấp xã đang quản lý, sử dụng).
Huyện Vạn Ninh có tổng diện tích các loại đất là 56.184 ha, trong đó đất nông nghiệp là 35.406 ha, đất phi nông nghiệp là 3.494 ha, đất chưa sử dụng là 17.284 ha (trong tổng diện tích của toàn khu, các đối tượng sử dụng đất chủ yếu là: 14.952 ha do các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng; 4.343 ha do các tổ chức kinh tế đang sử dụng; 1.103 ha do các cơ quan, đơn vị của nhà nước đang sử dụng; 18.586 ha do UBND cấp xã đang quản lý, sử dụng).
Huyện đảo Phú Quốc có tổng diện tích các loại đất là 58.927 ha, trong đó đất nông nghiệp là 51.098 ha; đất phi nông nghiệp là 6.717 ha; đất chưa sử dụng là 1.112 ha (trong tổng diện tích của toàn khu, các đối tượng sử dụng đất chủ yếu là: 12.833 ha do các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng; 3.743 ha do các tổ chức kinh tế đang sử dụng; 1.833 ha do các cơ quan, đơn vị của nhà nước đang sử dụng; 2.760 ha do UBND cấp xã đang quản lý, sử dụng).
DiaOcOnline.vn - Theo Công an TPHCM
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: