Top

Đất công, nhà công: Kiểm soát chặt để tránh lãng phí

Cập nhật 04/07/2018 14:18

Đất công, nhà công và sự quản lý, sử dụng- là vấn đề được dư luận quan tâm. Sắp tới, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát về đất đai. Đó là việc làm cần thiết để siết lại kỷ luật trong lĩnh vực được coi là rất nhạy cảm này.

Nhiều dự án chậm triển khai, gây lãng phí diện tích đất rất lớn.

Ngày 1/7, Quốc hội đã công bố 5 nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ký chứng thực ban hành. Trong đó đáng chú ý, tại Nghị quyết số 61/2018/QH14, Quốc hội đã quyết định thành lập Đoàn giám sát chuyên đề trên do Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn- liên quan đến đất đai.

Khi Quốc hội vào cuộc giám sát

Mục đích của cuộc giám sát là xem xét, đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Theo đó, Đoàn giám sát cũng sẽ đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc; Xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Qua giám sát sẽ đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện nghiêm, có hiệu quả chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; phục vụ sửa đổi Luật Đất đai 2013 và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan. Trong đó có các cơ quan chịu sự giám sát của Trung ương, các cơ quan chịu sự giám sát ở địa phương, UBND các tỉnh/thành phố trực Thuộc trung ương.

Đây được xem là cuộc giám sát rất cần thiết vì đất đai luôn là vấn đề nóng, được dư luận quan tâm. Thông tin về việc sử dụng đất đai không đúng, lãng phí tại không ít cơ quan, địa phương được dư luận rất quan tâm.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc lãng phí đất công đã kéo dài nhiều năm, do buông lỏng quản lý, có dấu hiệu “lợi ích nhóm” và cũng còn do sự quản lý yếu kém. Nhiều khu đất “vàng” với giá trị lớn được cấp làm dự án nhưng lại “trùm mền” bất động, hoặc triển khai với tốc độ “rùa bò”, gây nên lãng phí lớn, bức xúc trong dư luận. Việc thu hồi các dự án kiểu này tuy đã được đặt ra nhưng ít được xử lý, hoặc xử lý không triệt để.

Câu chuyện tại Thành phố Hồ Chí Minh được xem như một “dẫn chứng” cho vấn đề này.

Câu chuyện từ một địa phương

Sáng ngày 30-6 mới đây, thông tin từ HĐND TP HCM qua giám sát công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn TP cho thấy, giá trị các khoản thu từ đất đai của TP hằng năm đều tăng và chiếm từ 8%-9% tổng nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, còn nhiều tồn tại trong công tác này- ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Toàn Thắng- giám đốc Sở TNMT TP HCM thì thời gian qua, nhiều mặt bằng do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước đã được giao quản lý sử dụng nhưng lại bố trí cho CB,CNV ở, cho thuê, hợp tác kinh doanh sai mục đích, trái quy định. Con số phát hiện sau các đợt thanh, kiểm tra 2 năm 2016-2017 là có 86 mặt bằng sử dụng sai phạm.

Nhưng, đáng kể hơn là việc giao đất cho các chủ đầu tư. Nói như ông Trần Vĩnh Tuyến thì “phải tìm cách kiểm soát chặt chứ không để tình trạng như hiện nay”. Vậy, tình hình “như hiện nay” là gì? Câu trả lời ra sao thuộc trách nhiệm các quận/huyện trong quản lý nhà, đất công. Chưa hết, thật đáng lo ngại khi vị Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng “đáng lo ngại là nhiều người không biết sợ là gì mặc dù thanh - kiểm tra đã xử lý”.

Ở khía cạnh khác, theo ông Trương Lâm Danh- Trưởng ban Pháp chế HĐND TP HCM, giá cho thuê nhà công hiện nay mỗi đơn vị làm một kiểu, có nơi áp dụng đơn giá cho thuê từ năm 1994, có nơi lại căn cứ theo giá thị trường, có nơi lại đấu giá. Ông Danh không nói ra nhưng đây chính là khe hở cho việc trục lợi cá nhân từ đất công, nhà công sản. Vấn đề cũng thật sự phức tạp khi ông Vũ Thanh Lưu- Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM cho rằng, để lãng phí, thất thoát tài nguyên đất mới thấy thu hồi tiền chứ cán bộ làm sai thì chưa xử lý.

Nhân câu chuyện này, cũng cần nhắc lại những con số rất đáng suy nghĩ. Đó là trong đợt kiểm tra năm 2016-2017, Thanh tra TP HCM đã phát hiện nhiều sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất công, nhà công. Cụ thể, kết luận Thanh tra đã chỉ ra có 103 mặt bằng sai phạm, trong đó 17 mặt bằng sử dụng không đúng mục đích, sai quy định; 32 mặt bằng cho thuê trái phép; 26 mặt bằng không quản lý, bỏ trống gây lãng phí; 3 mặt bằng để xảy ra lấn chiếm; các mặt bằng còn lại vi phạm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng… Qua đó kiến nghị xử lý 11 tập thể và 34 cá nhân. Đến nay, TP đã xử lý bằng hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 10 tập thể, 29 cá nhân; xử lý bằng hình thức khiển trách đối với 4 cá nhân. Còn 1 tập thể và 1 cá nhân đang tiếp tục bị xử lý. Tuy nhiên, mức độ xử lý ra sao, người dân rất cần được thông tin rõ ràng.

Chỉ ra nguyên nhân đất công, nhà công bị sử dụng sai, Kết luận Thanh tra cho rằng chủ yếu là do các cơ quan, đơn vị được Nhà nước giao, cho thuê đất thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng. Có trường hợp vì lợi ích cục bộ mà vi phạm, như lợi dụng hình thức kêu gọi đầu tư, hợp tác liên doanh, liên kết để cho thuê đất hoặc tự ý bố trí cho công nhân viên làm nhà ở trên khuôn viên đất đang quản lý không đúng thẩm quyền. Đáng chú ý, Kết luận Thanh tra nêu rõ: “Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng chưa kịp thời kiểm tra và xử lý nghiêm việc sử dụng nhà, đất công không đúng mục đích, sai quy định pháp luật”.

Chỉ riêng một thành phố, khi cơ quan chức năng vào cuộc đã phát hiện ra khá nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất công, nhà công. Khi cả 63 tỉnh/thành cả nước; các cơ quan, đơn vị cùng được kiểm tra thì chắc chắn số vụ vi phạm phát hiện sẽ còn nhiều hơn. Và cũng chắc chắn rằng, số “dư ra” đó sẽ khiến cho tình trạng nhà đất không “nóng” như bây giờ. 

Rất đáng lo ngại là việc giao đất cho các chủ đầu tư. Nói như ông Trần Vĩnh Tuyến- Phó Chủ tịch UBND TP HCM thì “phải tìm cách kiểm soát chặt chứ không để tình trạng như hiện nay”.

Vậy, tình hình “như hiện nay” là gì? Câu trả lời ra sao thuộc trách nhiệm các quận/huyện trong quản lý nhà, đất công. Chưa hết, vị Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng “đáng lo ngại là nhiều người không biết sợ là gì mặc dù thanh - kiểm tra đã xử lý”.



DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn kết