Theo HNX, một nhà đầu tư tổ chức đấu giá thành công trọn lô 34,8 triệu cổ phần của HUD Kiêng Giang với giá đấu thành công 1.185 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm chỉ 265 triệu đồng.
Sức hấp dẫn của HUD Kiên Giang được cho là đến từ quỹ đất "khủng" tại Phú Quốc và huyện đảo Kiên Hải. Ảnh: An Nam
Theo đó, tại phiên đấu giá công khai lô 34.845.100 cổ phần của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) tại Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng HUD Kiên Giang diễn ra ngày 21/12 đã có 3 nhà đầu tư tham gia đấu giá với 2 tổ chức và 1 cá nhân. Giá khởi điểm của lô cổ phần là 1.184,7 tỷ đồng, giá đấu thành công cao hơn giá khởi điểm 265 triệu đồng ở mức 1.185 tỷ đồng.
Theo thông tin từ HNX, nhà đầu tư trúng đấu giá là 01 tổ chức trong nước. Thời gian nộp tiền mua cổ phần trúng đấu giá từ 22-28/12/2020.
Sau thông tin trên, dư luận quan tâm đang đặt câu hỏi về danh tính của nhà đầu tư tổ chức nào vừa bỏ ra gần 1200 tỷ đồng cho thương vụ được cho là nhắm đến quỹ đất của HUD Kiên Giang tại Phú Quốc và 1 số khu vực lân cận.
Được biết, trước thời điểm cuộc đấu giá diễn ra, Hội đồng thẩm định của HUD đã công bố danh sách 12 nhà đầu tư gồm 4 cá nhân và 8 tổ chức đáp ứng đủ điều kiện về năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phiếu HUD Kiên Giang.
Sau đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tiếp tục ra thông báo có 3 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần theo lô của Đầu tư Xây dựng HUD Kiên Giang thuộc sở hữu Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD), bao gồm 2 cá nhân và 1 tổ chức.
Đáng chú ý trong danh sách 12 nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện về năng lực tham gia đấu giá mua cổ phần theo lô được HUD công bố trước đó có sự tham gia của CTCP Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành, CTCP Tư vấn Đầu tư Bluechip IB, CTCP Phát triển Thương mại Hòa Phát, CTCP Dịch vụ Đầu tư và Quản lý Bất động sản Việt, CTCP IVLAND,...
Nổi bật nhất trong danh sách trên là Công ty CP Đầu tư tập đoàn Tân Á Đại Thành do bà Nguyễn Thị Mai Phương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Á Đại Thành nắm 50% vốn. Công ty vừa tăng vốn điều lệ từ 510 tỷ lên 1.657 tỷ đồng vào tháng 3.
Thách thức sau tiếp quản
Sức hút của HUD Kiên Giang có lẽ đến từ Khu du lịch sinh thái Bãi Chén - huyện Kiên Hải (19.294,3 m2) và Khu dân cư, đô thị mới Suối Lớn - huyện Phú Quốc (90,17 ha).
Sau khi Diễn đàn Doanh nghiệp có bài Quỹ đất khủng HUD Kiên Giang sở hữu: Đất vàng có “óng ánh”?, HUD đã có bản công bố thông tin bổ sung vào bản công bố thông tin đấu giá làm rõ hơn những rủi ro liên quan đến dự án Suối Lớn.
Cụ thể, tháng 1/2017, HUD Kiên Giang đã ký hợp đồng nguyên tắc với CTCP Đầu tư BĐS Tuấn Thành (Tuấn Thành) về việc đầu tư và khai thác dự án Suối Lớn. Diện tích hợp tác đầu tư và khai thác dự kiến là 89,7 ha. Trong đó, diện tích đã hoàn thành công tác bồi hoàn là 78,7 ha, diện tích chưa có phương án bồi hoàn là 11 ha.
Bên HUD Kiên Giang cam kết góp 96 tỷ đồng, tương đương 51% dự án bằng diện tích khoảng 78,7 ha. Bên Tuấn Thành góp 49%, tương đương 92,2 tỷ đồng. Bên nào đơn phương chấm dứt hợp đồng nguyên tắc thì bị phạt tiền 10 tỷ đồng. Sau đó HUD Kiên Giang đơn phương hủy hợp đồng nguyên tắc đã ký với Tuấn Thành. Như vậy, nhà đầu tư tham gia có thể có rủi ro liên quan đến việc đền bù thiệt hại tài chính với số tiền phạt là 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, HUD Kiên Giang cũng thừa nhận một số rủi ro của dự án liên quan đến vướng mắc pháp lý như chưa hoàn tất thủ tục đầu tư dù đã kéo dài nhiều năm, chưa hoàn thành điều chỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, chưa tính tiền sử dụng đất, chưa có giấy phép xây dựng,...
DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: