Top

Đăng ký bất động sản: Sẽ thống nhất “một cửa, một giấy”

Cập nhật 31/03/2008 15:00

“Các quy định về đăng ký BĐS hiện nằm rải rác ở các luật khác nhau sẽ không tiếp tục tồn tại nữa. Chúng ta sẽ xây dựng một hệ thống quản lý theo quy trình “một cửa, một giấy”; hệ thống đó sẽ được điều chỉnh trong Luật Đăng ký BĐS”.

Ông Trần Đông Tùng, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) và cũng là người đang tham gia xây dựng Luật đăng ký BĐS trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề trên.

Ông Tùng cho biết: Quốc hội và Chính phủ đã có chủ trương sớm thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất và giao cho một cơ quan làm đầu mối thực hiện, đơn giản hoá hồ sơ thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khắc phục tình trạng nhiều giấy, nhiều cửa như hiện nay.

Quy trình đăng ký BĐS phải được thống nhất, công khai, minh bạch, tạo điều kiện để lành mạnh hoá, bảo đảm an toàn cho các giao dịch BĐS, qua đó thúc đẩy kinh doanh đầu tư.

* Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng trong khi các văn bản, các luật đang có sự “vênh nhau”, thì việc thêm dự Luật đăng ký BĐS sẽ tiếp tục tạo sự chồng chéo, mâu thuẫn và gây khó khăn hơn cho người dân cũng như cơ quan quản lý?

Đúng là nếu ban hành Luật đăng ký BĐS mà các luật liên quan không sửa thì chắc chắn sẽ có chuyện chồng chéo, không phù hợp, thậm chí còn mâu thuẫn với nhau. Cũng vì lẽ đó mà hiện nay một số bộ như Bộ TN-MT đã lấy ý kiến về việc sửa đổi một số điều của Luật đất đai theo hướng chỉ quy định những vấn đề liên quan đến địa chính mang tính quản lý. Còn những vấn đề khác như vấn đề về đăng ký BĐS thì để giải quyết trong Luật đăng ký BĐS.

Cũng đã có ý kiến đóng góp cho rằng, song song với lộ trình xây dựng Luật đăng ký BĐS, cần phải sửa đổi các luật khác hiện nay cho phù hợp cũng như phải rà soát các quy định, tránh tình trạng chồng chéo khi luật mới ra đời.

* Nhưng ông có nghĩ đến tình huống Luật đăng ký BĐS ra đời trong khi các luật khác lại chưa được điều chỉnh?

Theo tôi, đây là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, rất may đây đã là chủ trương của Quốc hội và Chính phủ. Bởi vậy, các bộ liên quan sẽ phải thống nhất với nhau. Tất nhiên việc này phải có lộ trình, bộ máy tổ chức đăng ký cần phải kiện toàn, điều chỉnh lại chức năng cho hợp lý. Ví dụ như Bộ TN-MT, bộ phận đăng ký không phải chỉ là đất mà còn bao gồm cả tài sản trên đất, phải tập trung một đầu mối cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia đăng ký BĐS.

* Dự Luật đăng ký BĐS đã đề cập đến việc sẽ thống nhất đăng ký qua “một giấy, một cơ quan” tại hệ thống quản lý ở bộ nào chưa?

Về vấn đề này cũng còn có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng nên để Bộ Tư pháp, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên để ở Bộ TN&MT thì thuận hơn. Vì hiện nay, hệ thống cơ quan, văn phòng của họ đang lưu giữ hồ sơ địa chính, nên quản lý sẽ thuận hơn.

* Vậy, dự luật đăng ký BĐS dự kiến khi nào sẽ được hoàn thiện, thưa ông?

Trong chương trình của Quốc hội dự kiến năm 2009 sẽ trình, nhưng do tính cấp thiết của vấn đề, nên Chính phủ đã chỉ đạo phải làm khẩn trương. Bộ Trưởng Bộ Tư pháp cũng đã chỉ đạo cho tổ biên tập phải hoàn thành dự thảo trong tháng 11/2008 để trình Chính phủ xem xét. Nếu dự thảo này thuận thì có thể trình Quốc hội để ban hành luật sớm hơn.

* Xin cảm ơn ông!

Theo Dân Trí