Top

Dân xin được nộp phạt để xây nhà… trái phép

Cập nhật 23/06/2009 16:05

Nghị định 23/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng có hiệu lực từ ngày 1/5/2009, nên từ tháng 3/2009 hàng loạt các công trình nhà ở dân dụng tại phường 10, 11, 12 TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) thi nhau mọc lên nhằm “né” Nghị định này.

Có đất là cứ xây nhà

Theo thống kê của các cơ quan chức năng TP Vũng Tàu, hiện trên địa bàn TP này có khoảng 2.000 công trình xây dựng trái phép, không phép. Vấn đề này được ông Trần Văn Trìu, Phó chủ tịch UBND P.10 lý giải: “Đại đa số người dân vẫn nhận thức rằng mình có đất là cứ xây mặc dù đất đó là nông nghiệp hay phi nông nghiệp. Những khu vực xây dựng trái phép nhiều chủ yếu là dân lao động nghèo, thiếu thông tin và không am hiểu các quy định pháp luật. Thêm nữa, người dân ở vùng nông thôn có nhu cầu cho con cái ra riêng và một bộ phận dân di cư tự do từ các địa phương khác vào làm việc, sinh sống… đến mua đất xây nhà. Một số dự án đã có quyết định thu hồi từ năm 1997 nhưng vẫn chưa thu hồi mà nhu cầu về nhà ở của dân ngày một tăng nên việc lấn chiếm đất dự án, xây không phép là không tránh khỏi. Mặt khác một số dự án đã giao cho các đơn vị đầu tư quản lý nhưng công tác quản lý không tốt dẫn đến tình trạng tái chiếm đất dự án vẫn xảy ra”.

Theo Nghị định 23/CP, mức xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động trên có nhiều thay đổi theo hướng tăng mức tiền phạt và ngoài việc bị phạt tiền còn có thể bị thu hồi, tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chứng chỉ hành nghề. Do đó để nhanh chóng có được công trình trước khi Nghị định này có hiệu lực và tránh các cơ quan chức năng bắt quả tang, nhiều người dân đã phải xây dựng vào các ngày nghỉ, ngày lễ. Thậm chí, những căn nhà dạng này được xây với tốc độ “siêu nhanh” chỉ cần 1 đêm là xong.

Ông Vũ Đăng Khoa - Chủ tịch UBND P.12 cho biết: “Việc người dân xây nhà ồ ạt khiến chúng tôi không kịp trở tay, làm mạnh ở chỗ này lại hổng ở chỗ khác”. Nhiều người dân có công trình xây dựng trái phép lại cho rằng: “Thấy người ta xây thì mình cũng xây. Vì nghe họ nói nếu trong thời điểm trước đó mà không xây thì khi Nghị định 23 có hiệu lực, mức xử phạt sẽ cao hơn gấp nhiều lần. Nhà tôi không đủ tiền phải đi vay để xây cho bằng được trước ngày 1/5”.



Hình những công trình xây dựng trái phép tại hẻm
225 Lưu Chí Hiếu P.1, TP Vũng Tàu.


Dân xin nộp phạt

Chiều 16/6, tại UBND P.11, chúng tôi chứng kiến một phụ nữ trung niên tới “xin được đóng phạt xây dựng trái phép” để được làm hồ sơ cấp điện nước. Chị xin được giấu tên và cho biết: “Biết là mình vi phạm nhưng không làm thì không có nhà ở. Vậy là đành phải liều và chịu nộp phạt”. Không chỉ riêng chị mà đã có hàng ngàn trường hợp làm theo cách này để được nhanh chóng có “bằng chứng” chứng minh công trình được xây dựng trước ngày 1/5. Phần lớn các hộ dân chủ động tới UBND phường “xin” được nộp phạt vi phạm hành chính về xây dựng công trình trái phép.

Thời gian qua ở TP Vũng Tàu, việc xây dựng sai phép, không phép diễn ra rất phổ biến mà theo nhiều người nói là do Nghị định 126 quy định mức xử phạt quá nhẹ và các biện pháp xử lý tiếp theo cũng không đủ răn đe. Ông Trần Văn Trìu, Phó chủ tịch UBND P.10 cho rằng: “Để giải quyết dứt điểm vấn đề này ngoài việc thực hiện những quy định của pháp luật, UBND phường còn được trao thêm quyền, khi phát hiện các công trình xây dựng trái phép thì lập biên bản tịch thu phương tiện và ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ ngay tại chỗ chứ không để 24 tiếng như hiện nay”.

Ông Bùi Trọng Quang, người dân P.12 tâm sự: “Theo tôi cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức và những quy định về pháp luật xây dựng. Vấn đề căn cơ là giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp. Thực tế hiện nay những người có thu nhập trung bình và thấp chiếm tỷ lệ đa số nhưng họ lại không thể mua được nhà cho mình. Và việc xây dựng trái phép trên nền đất nông nghiệp cũng có nguyên nhân từ nhu cầu bức thiết về chỗ ở”.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng