Top

Thứ mà các “ông lớn” bất động sản đang thèm khát?

Cập nhật 19/11/2015 10:06

Thị trường bất động sản Hà Nội hay TP. HCM gần đây luôn được cho là sôi động, hấp dẫn các nhà đầu tư địa ốc nhưng vẫn còn có “thứ” khác hấp dẫn hơn.

Ảnh minh họa.

Làn sóng bất động sản du lịch

Dù thị trường căn hộ cao cấp ở trung tâm thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đang là “tâm điểm” của thị trường địa ốc, nhưng không vì thế mà các “ông lớn” bỏ qua những mảng phân khúc khác.

Trong đó, BĐS du lịch rất đáng chú ý, điều này có được nhờ sự tăng trưởng cao của ngành, lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh ở Phú Quốc, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nha Trang…đang là địa điểm thu hút đầu tư mạnh.

Trong khi Nha Trang, Đà Nẵng tiếp tục duy trì nhiều dự án nghỉ dưỡng đã được “đặt gạch” trong những năm trước, thì Phú Quốc, Quảng Ninh hay Thanh Hóa lại đang bùng nổ dự án mới triển khai. Trong đó, đặc biệt là Phú Quốc như “thỏi nam châm” hút dòng vốn đầu tư này.

Quy mô đầu tư của Phú Quốc hiện nay được cho là khoảng 8 tỷ USD được đăng ký từ 202 dự án. Đứng đầu trong số những nhà phát triển bất động sản ở đây là Vingroup với khoảng 9.000 tỷ đăng ký với loạt dự án lớn như Vinpearl Phú Quốc, Vinpearl Villas Phú Quốc, Khu vườn bách thú hoang dã Safari, sân golf…

Sau đó có thể kể tới là Sun Group với J.W Mariott, Ritz-Carlton Resort & Spa, Premier Village Phú Quốc Resort, The Sebel, Dự án cáp treo dài nhất thế giới và quần thể Khu vui chơi giải trí biển Hòn Thơm với số vốn đăng ký 8.627 tỷ đồng; CEO Group cũng đang là nhà phát triển lớn thứ 3 với dự án gồm Sonasea Villas & Resort 4.500 tỷ, Sonasea Residences và Sonasea golf; Một vài cái tên khác như Milton với số vốn 5.000 tỷ đồng, BIM Group với 1.267 tỷ.

Làn sóng đầu tư vào bất động sản du lịch còn nở rộ ở Hồ Tràm (Vũng Tàu) khi nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu rót vốn vào đây. Quỹ đầu tư của Mỹ Harbinger Capital vừa công bố rót thêm 50 triệu USD vào dự án Hồ Tràm, nâng số vốn đầu tư lũy kết lên 1 tỷ usd; Tanzanite International (Singapore) cũng cam kết sẽ rót 500 triệu USD vào Hồ Tràm…Trong 10 tháng qua Bà Rịa –Vũng Tàu đã cấp phép khoảng 169,5 triệu USD vốn FDI.

Nhiều địa điểm khác cũng đang là “điểm nóng” của thị trường bất động sản du lịch. Đáng chú ý như Thanh Hóa, địa phương gần như không xuất hiện trên bản đồ dự án nghỉ dưỡng cao cấp này nay cũng đã xuất hiện khu Sầm Sơn Resort, Quảng Ninh với những dự án đồ sộ như Sun Group với khu quần thể vu chơi giải trí, cáp treo 6.000 tỷ, khu nghỉ dưỡng của Vingroup tại đảo Rều vừa khánh thành…
BĐS Cần Giờ (ven Tp.HCM) cũng đang tạo nên cơn sốt khi Saigon Sunbay – dự án lấn biển Cần Giờ được Tập đoàn Vingroup hồi sinh – khi rót vốn đầu tư vào cuối tháng 6/2015. Dự án này có tổng kinh phí đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 8.470 tỷ đồng.

Đổ về tỉnh lẻ

Với các tỉnh lẻ, miếng bánh đầu tư bất động sản đang nằm ở những khu trung tâm hành chính, có nhu cầu cao về bất động sản cũng đang lọt vào “mắt xanh” của các đại gia địa ốc.

Những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đều được nhắm tới như Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Long An…Những nhà phát triển bất động sản tên tuổi tiếp tục tiên phong trong mảng đầu tư này.

Đáng chú ý vẫn là Vingroup với nhiều dự án ở nhiều tỉnh thành như trung tâm hành chính TP. Thanh Hóa 600 tỷ theo hình thức hợp đồng BT, dự án đối ứng là khu đô thị mới trung tâm Tp.Thanh Hóa (Đông Hương, Đông Hải); dự án Vincom Hà Tĩnh quy mô khách sạn 36 tầng và 115 căn biệt thự, nhà phố; Vincom Hạ Long; FLC Group với một số dự án ở tỉnh thành khác như Quy Nhơn, Thanh Hóa; HB Group mở rộng đầu tư ở Hội An…

Sự lên ngôi của bất động sản ở nhiều địa phương khiến nhiều “ông lớn” cũng đang thèm muốn miếng bánh bất động sản tỉnh lẻ. Chẳng hạn như kế hoạch đầu tư 16 dự án tại Cần Giuộc của Vạn Thịnh Phát với quỹ đất 1.500ha, trong đó có tới 3 KCN và 7 khu dân cư; Novaland muốn đầu tư vào Cần Giờ…

DiaOcOnline.vn - Theo Tri Thức Trẻ