Top

Dân đắn đo lấy đất dịch vụ hay nhận tiền

Cập nhật 13/12/2009 10:55

"Nếu Nhà nước giao cho những người dân không còn đất sản xuất bằng đất dịch vụ thì còn có điều kiện ổn định đời sống lâu dài. Nay chuyển sang trả bằng tiền, giá cả leo thang như hiện nay thì rất khó cho người dân kiếm kế sinh nhai" - chị Hoan, một người dân đã giao đất cho dự án giao thông ở Hà Đông nói.

Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất có hiệu lực từ 1/10/2009 đã tạo thông thoáng cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án. Trên cơ sở đó, Quyết định 108/2009/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội áp dụng mức hỗ trợ bằng tiền để chuyển đổi nghề và tạo việc làm đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp cao gấp năm lần giá đất nông nghiệp quy định đối với diện tích đất thực tế bị thu hồi. Nhưng chừng đó chưa đủ để giải quyết những tồn tại liên quan đến quyền lợi của người dân khi thu hồi đất cho các dự án khiến mặt bằng vẫn chậm.

Đất dịch vụ - "chìa khoá" tháo gỡ khâu chậm mặt bằng

Vướng mắc nhiều nhất diễn ra tại các khu vực mới hợp nhất với Hà Nội. Tại Hà Đông, theo ông Nguyễn Đình Huệ - Trưởng ban Giải phóng mặt bằng quận cho biết: Khu vực Hà Đông hướng tới đất sản xuất nông nghiệp sẽ cơ bản chuyển thành đất công nghiệp, đô thị và dịch vụ. Toàn quận hiện có gần 50 dự án đang triển khai, trong đó có nhiều dự án trọng điểm về giao thông, đô thị... Hầu hết các dự án này đều đã xong phương án đền bù, bồi thường tài sản, xác nhận xong các trường hợp diện nhận đất dịch vụ.

Về nguyên tắc, những dự án đã hoàn tất thủ tục được phê duyệt trước thời điểm Nghị định 69/2009/NĐ-CP có hiệu lực thì vẫn thực hiện theo các văn bản trước đây. Xét với trường hợp được nhận đất dịch vụ, khi họ bỏ ra bao nhiêu diện tích đất nông nghiệp sẽ được nhận diện tích đất dịch vụ theo tỷ lệ quy định. Điều này góp phần khích lệ người dân hăng hái chuyển giao mặt bằng thực hiện các dự án.

Nhưng bây giờ, tại khoản 2 điều 40, Quyết định 108/2009/QĐ-UBND lại quy định: Trường hợp hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hà Tây (trước đây) và huyện Mê Linh đã được giao đất dịch vụ, đất ở nhưng chưa đủ hạn mức quy định thì được hỗ trợ bổ sung bằng tiền để chuyển đổi nghề và tạo việc làm. Quy định này lập tức tác động đến tiến độ các dự án.
 

Một số dự án tại Hà Đông chưa thể hoàn thành vì thiếu mặt bằng.


Như ông Huệ cho biết, thì nhiều dự án đất dịch vụ đang làm dở dang phải dừng lại vì dân không giao mặt bằng. Một số dự án đô thị đã được phê duyệt từ khi còn tỉnh Hà Tây nhưng phần đất dịch vụ chưa có quyết định thu hồi, thì nay cũng khó có thể thực hiện.

Chị Hoan, một người dân đã giao đất cho dự án giao thông ở Hà Đông nói: Nếu Nhà nước giao cho những người dân không còn đất sản xuất bằng đất dịch vụ thì còn có điều kiện ổn định đời sống lâu dài. Nay chuyển sang trả bằng tiền, giá cả leo thang như hiện nay thì rất khó cho người dân kiếm kế sinh nhai. Tại khu vực huyện Mê Linh, các xã thuộc Hoà Bình (cũ) cũng có tình trạng tương tự.

Tiếp tục trả đất dịch vụ, nhưng xem xét kỹ từng trường hợp

Rõ ràng, đất dịch vụ đang là "chìa khóa" khai thông những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng cho các dự án của Hà Nội. Thời điểm hiện nay, băn khoăn của hàng ngàn người dân đã giao đất cho dự án là có thể hiểu được, bởi nếu họ nhận được phần đất dịch vụ thì có thể tổ chức sản xuất kinh doanh ổn định đời sống lâu dài trên phần đất đó. Thực tế nhiều dự án tại Hà Tây hay huyện Mê Linh trước đây giải phóng mặt bằng nhanh là do chất xúc tác "đất dịch vụ" tạo nên.

Giải đáp những vướng mắc liên quan đến quyền lợi của hàng ngàn hộ dân có đất giao cho các dự án, ông Nguyễn Đức Biền -Trưởng ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP Hà Nội cho biết: Quy định của pháp luật mà cụ thể Nghị định 69/2009/NĐ-CP đã có hiệu lực thì phải thực hiện. Nhưng thành phố cơ bản đồng ý chủ trương tiếp tục triển khai các dự án đất dịch vụ giao cho dân đang thực hiện dang dở, trên cơ sở xem xét cụ thể từng dự án, từng đối tượng bồi thường để tránh sai sót, thiếu công bằng. Các trường hợp diện đất nông nghiệp trong phường không được hưởng hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp bởi đã được bồi thường theo đất nông nghiệp của đô thị và hỗ trợ 30% giá đất ở liền kề. Trường hợp đã được cấp đất dịch vụ, đủ hạn mức, sẽ không được hỗ trợ nữa. Tuy nhiên, một số kiến nghị của người dân về việc cho phép tiếp tục thực hiện các dự án đất dịch vụ sẽ được thành phố xem xét.

Nguyên nhân dẫn đến việc giao đất dịch vụ cho người dân khu vực Hà Tây hay huyện Mê Linh trước đây chậm là do khâu chuẩn bị mặt bằng không đạt tiến độ thuộc về các cơ quan chức năng, người dân không có lỗi. Một số dự án đất dịch vụ chia cho người dân diện tích quá nhỏ (có hộ 20, 30m2) không làm được gì, các hộ dân lại không liên kết được với nhau nên dự án cũng tắc. Khi làm dự án cơ quan chức năng đã cam kết trả đất dịch vụ cho người dân theo chính sách thu hút đầu tư, thì nay không có lý do gì không thực hiện. Trường hợp người dân có nguyện vọng nhận bằng tiền thì vẫn linh hoạt giải quyết. Như thế, việc triển khai các dự án không thể tách rời quyền lợi cũng như giải quyết các vấn đề dân sinh trên địa bàn.

Xem xét cụ thể từng dự án, từng trường hợp được đền bù bằng đất dịch vụ là cần thiết nhằm tránh tiêu cực, đồng thời đảm bảo sự công bằng giữa những người đã dành đất cho các dự án vì lợi ích chung của cộng đồng.


DiaOcOnline.vn - Theo Công An Nhân Dân