Top

Tăng hết khung, bảng giá đất Hà Nội vẫn thấp hơn thị trường

Cập nhật 12/12/2009 15:55

Theo UBND thành phố, do bảng giá đất thành phố ban hành phải trong khung Chính phủ quy định nên tại một số vị trí, dù đã điều chỉnh hết khung nhưng vẫn thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường.

Tại các quận nội thành Hà Nội, giá đất ở vị trí 1 của đường phố có khả năng sinh lợi cao nhất (như Hàng Ngang, Hàng Đào của quận Hoàn Kiếm) được điều chỉnh tăng 21%, bằng mức vượt khung tối đa Chính phủ quy định là 81 triệu đồng một m2.

HĐND thành phố Hà Nội đã quyết định nội dung trên khi thông qua Nghị quyết về giá các loại đất trên địa bàn thành phố năm 2010 trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 19 hôm qua, 11/12.

Giá đất nội, ngoại thành chênh cao nhất tới 405 lần

Theo nghị quyết của HĐND thành phố, giá đất ở tối đa tại các quận nội thành của Hà Nội là 81 triệu đồng một m2, cao gấp 405 lần so với giá đất ở tối thiểu tại khu vực nông thôn, 200.000 đồng một m2. Đất ở tại các quận nội thành có giá tối thiểu là 1,8 triệu đồng một m2 (áp dụng cho thửa đất ở vị trí 4 của đường có khả năng sinh lợi thấp nhất).
 

Theo quy định mới của thành phố, giá đất ở các phố Hàng Ngang, Hàng Đào là 81 triệu đồng một m2. Ảnh: Trung Kiên.


Giá đất ở một số khu vực khác cũng được điều chỉnh. Đất ở tại các thị trấn thuộc các huyện có giá tối thiểu là 750.000 đồng một m2; tối đa là 8,04 triệu đồng một m2. Riêng giá đất ở tối thiểu tại các thị trấn của huyện Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng có giá tối thiểu trên tối đa là 1,265/21,6 triệu đồng một m2. Giá đất ở tại các phường của thị xã Sơn Tây có giá tối thiểu và tối đa là 1,375 và 12 triệu đồng một m2...

Theo UBND thành phố, do bảng giá đất thành phố ban hành phải trong khung Chính phủ quy định nên tại một số vị trí (chủ yếu là ở khu vực trung tâm), dù đã điều chỉnh hết khung nhưng vẫn thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường, ảnh hưởng đến việc thu nghĩa vụ tài chính khi cấp “sổ đỏ”.

Chính quyền cơ sở chịu trách nhiệm về thực phẩm “bẩn”

Phát biểu trước HĐND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cho biết sau khi có quy hoạch chung xây dựng thủ đô, thành phố sẽ điều chỉnh quy hoạch chung các quận, huyện và thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm trật tự xây dựng.

Giải đáp bức xúc của cử tri và đại biểu HĐND thành phố về vấn đề ùn tắc giao thông, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo nói: “Thành phố đang nghiên cứu những giải pháp mang tính chiến lược lâu dài như giảm mật độ dân ở khu vực trung tâm; quy định chặt chẽ về nhập cư; hạn chế phát triển phương tiện giao thông cá nhân; có cơ chế xử phạt đặc thù…”.

Chia sẻ với lo lắng thường ngày của người dân về thực phẩm “bẩn”, ông Thảo khẳng định, thành phố sẽ yêu cầu chính quyền cơ sở phải vào cuộc quyết liệt hơn và phải chịu trách nhiệm khi để “lọt” thực phẩm không đảm bảo chất lượng trên địa bàn; các lực lượng chuyên ngành cũng phải thực thi công vụ với hiệu quả cao hơn.

Ông Thảo cũng cam kết trong năm 2010, thành phố sẽ quyết tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xử lý ô nhiễm môi trường. Người đứng đầu UBND thành phố cũng không quên nhấn mạnh trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung toàn lực để tổ chức tốt đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng như các sự kiện quan trọng khác diễn ra trong năm.

Xã hội hóa khi giãn dân phố cổ

Theo Trưởng ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Biền, việc thành phố điều chỉnh tăng giá đất ở các quận nội thành không mâu thuẫn với đề án giãn dân phố cổ. Bởi giá trị quyền sử dụng đất ở khu vực này như thế nào, phải xác định đúng như vậy còn với việc giãn dân phố cổ, “lợi ích của người dân thế nào phải trả đúng cho người dân”.

Ông Biền cho biết việc giãn dân phố cổ nhằm chỉnh trang đô thị, giữ gìn bản sắc riêng có của Hà Nội đồng thời cũng đảm bảo đời sống của người dân nơi đây tốt hơn.

“Để giãn dân phố cổ, không ngân sách nào chịu nổi. Dứt khoát phải xã hội hóa, đặc biệt là cần sự tham gia của người dân”, ông Biền nói và cho biết thêm: khi thực hiện đề án này, không có nghĩa là tất cả dân phố cổ đều phải “di” đi, có trường hợp vẫn sẽ ở tại chỗ và thực hiện việc đầu tư, chỉnh trang nhà theo đúng quy hoạch thành phố đã duyệt.


DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt