Trong các công sở, doanh nghiệp, người ta dễ dàng bắt gặp những câu chuyện buôn đất được kể say sưa và hào hứng không chỉ bởi cánh nhân viên mà ngay cả các sếp lớn...
“Mua là thắng”
Cả quyết “đồng lương chỉ đủ ăn, còn muốn giàu phải đầu tư”, anh Khải – nhân viên một công ty kinh doanh thông tin tại quận Hoàng Mai lâu nay không bỏ sót một cơ hội kinh doanh thu lời nào, từ thời cao điểm đầu tư chứng khoán, vàng trên tài khoản, rồi vàng vật chất và hiện tại là bất động sản.
Trải qua nhiều thăng trầm, có lúc toát mồ hôi nhìn cả trăm triệu bốc hơi theo chứng khoán hay nhiều đêm thao thức canh giá vàng thế giới, đến bây giờ, anh Khải chốt lại: “bất động sản vẫn là kênh thu lời tốt nhất... Thực tế những đại gia giàu có trên thế giới hầu hết đều phất lên nhờ đầu tư vào bất động sản”.
Nhiều nhân viên văn phòng gần đây đi sớm về muộn, bê trễ trong công việc bởi tích cực đi buôn đất (ảnh chỉ mang tính minh hoạ) |
Quả vậy, đón đầu đợt sóng của thị trường, cuối năm 2009 từ chỗ chưa có mét đất nào trong tay, xoay xở, vay mượn đủ kiểu, hiện vợ chồng anh Khải đã sở hữu vài trăm mét đất chủ yếu tại trục du lịch Thiên Sơn, Suối Ngà thuộc Ba Vì, chỉ với niềm tin chắc như đinh đóng cột: “cứ mua là thắng”.
Cách đây hơn 1 tháng, khi đất khu vực này sốt hầm hập, anh hỷ hả khoe thành quả: 3 sào anh mua từ lúc giá vẫn còn 25 triệu đồng/sào, không lâu sau, có người trả 120 triệu đồng/sào mà anh chưa vội bán; hoặc mảnh nằm ven đường quốc lộ khác đầu tiên mua là 28 triệu đồng, đúng 1 tháng 20 ngày sau, khách đã nài bán ở mức 85 triệu đồng/m2.
Giá đất càng nóng, giờ làm việc của anh Khải tại văn phòng càng nhấp nhổm. Ít phút điện thoại lại reo, thỉnh thoảng các đồng nghiệp lại thấy anh biến mất nửa ngày hoặc đôi khi xin nghỉ vài ngày vì có việc “gia đình”, còn cuối tuần, ngày lễ, anh càng mất mặt vì bận cùng hội đi săn đất.
“Cũng may là công việc ở cơ quan quản lý theo sản phẩm chứ không theo giờ hành chính nên mình cứ hoàn thành định mức là đạt. Nhưng gần đây thấy thái độ làm việc không tập trung, công việc có phần bê trễ, sếp đã đưa vào tầm ngắm nhắc nhở, gia tăng thêm áp lực” – anh tâm sự.
Công tác tại một đơn vị trực thuộc VNPT, chị Hoài Chi, một dân buôn bất động sản có nghề phẩy tay nói: “Đổ xô vào đây là thực tế bây giờ đấy em ạ bởi làm gì kiếm tiền nhanh bằng đất! Chỗ chị dễ, sếp không để ý đâu. Chỉ cần đúng 8h có mặt tại cơ quan điểm danh, báo cáo công việc, xong ai nấy cứ tuỳ nghi di tản, miễn là cuối ngày có sản phẩm như đã đăng ký”.
Chồng công tác tại một doanh nghiệp bất động sản, Hoài Chi cho biết, trước đây chị cũng không để ý gì đến kinh doanh, nhưng vì ông xã làm đất đai chục năm nay, cả hai lại hay nói chuyện làm ăn nên vốn “máu” kinh doanh của dân ngoại thương trong người, chị bắt đầu bằng việc kết nối thông tin cung cầu với bạn bè, người thân.
Khác với chứng khoán, chỉ cần một hai chục triệu cũng chơi được, chị rành rọt cho hay, bất động sản cần lượng vốn lớn hơn, tối thiểu phải 1 tỷ đồng. Người không có nhiều tiền thì hùn vốn anh em họ hàng, bạn bè. Ví dụ vợ chồng chị có khi huy động lên đến hàng chục tỷ, mua ôm cả lô to tại các vùng phụ cận, sau đó làm thủ tục chia lô khoảng 40-50m2/mảnh ra bán.
Cùng một xuất phát điểm cao, nếu vợ chồng Hoài Chi cho rằng, họ đến với nghề buôn bất động sản không phải vì áp lực kiếm tiền mà đơn giản chỉ vì “thích cái kiểu buôn đi bán lại” thì anh B – đường đường là người có chức trách trong một trung tâm điện máy lớn tại Hà Nội cho đó là cách kiếm tiền nhàn hạ nhất.
Bên cạnh công việc kinh doanh rất bận rộn với mức thu nhập cả nghìn đô mỗi tháng, anh B vẫn không giấu diếm mối quan tâm sâu sắc đến việc đầu tư bất động sản với bất cứ ai thân quen. Theo anh, kinh doanh “món” này lợi nhuận cao mà không cần bỏ quá nhiều thời gian, công sức:
“Nếu đi xem đất thì mình dành thời gian vào những ngày cuối tuần, còn nếu mua dự án lại rất dễ. Thông tin giao dịch có hết trên mạng. Chỉ cần ngồi lướt web hoặc xem báo, sau đó liên lạc bằng điện thoại tra vấn tính pháp lý, giấy tờ. Nếu ưng ý thì lên công ty làm thủ tục, chẳng mất bao lâu”.
Đề phòng sập giá
Những hội chuyên đi đầu tư đất như thế này chiếm phần lớn là dân công chức văn phòng - Ảnh: N.N |
Đợt sóng lên của thị trường bất động sản Hà Nội, đặc biệt là đất nền tại vùng ngoại vi được cho là “cơ hội vàng” mà cả đời người chưa dễ có đến 2-3 lượt, khiến phong trào buôn đất đổi đời, đặc biệt từ giới công chức, văn phòng trở nên rầm rộ.
Tại đơn vị anh B, được biết từ nhân viên đến sếp lớn, ai ai cũng lao vào bất động sản như thiêu thân. Thậm chí, trung tâm làm ăn phát đạt, có nhiều chương trình khuyến mãi sốc, tạo được uy tín thương hiệu đối với khách hàng, chính nhân viên của đơn vị còn nghi ngờ, làm được như vậy có lẽ nhờ một lượng tiền lớn thu được từ việc kinh doanh bất động sản.
Trao đổi với VietNamNet, chuyên gia Đặng Hùng Võ nhìn nhận, quy hoạch Hà Nội mở rộng được đưa ra lấy ý kiến nhân dân là cái cớ để người ta đồn thổi trước những nơi sẽ được đầu tư phát triển. Đất ở những nơi hoang sơ đó hiện đang rẻ và nếu mua vào thời điểm này, vài bữa sau bán lại cho người chậm chân hơn sẽ thu được lợi.
Việc đổ xô của người dân khiến ông Đặng Hùng Võ liên tưởng đến ngữ cảnh tương đồng của thị trường chứng khoán cách đây vài năm khi người ta hò nhau đi chơi, ăn theo cơn sốt. Do đó, muốn biết kết cục của những người đang theo đuổi thị trường bất động sản kiểu này đi đến đâu, có thể nhìn vào chính ngữ cảnh của thị trường chứng khoán:
“Thị trường bất động sản, nhất là tại Hà Nội nhìn chung ít khi xuống giá, bởi vậy, người ta vẫn đinh ninh rằng đầu tư vào đó là không sợ bị thua thiệt. Nhưng quy luật đó có thể đúng với trước đây, chứ không phải thời gian tới; nhất là khi thị trường bất động sản hiện đã có đầy đủ các điều kiện của một thị trường hoàn chỉnh; tính bao cấp đã giảm đi rất nhiều, thành ra nó sẽ có các quy luật giống như các thị trường khác”.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: