Top

Đại lộ ven sông Sài Gòn sớm thành hiện thực?

Cập nhật 05/03/2018 08:35

“Tập đoàn Tuần Châu cùng cộng đồng doanh nghiệp phối hợp làm theo phương thức xã hội hóa để mời gọi đầu tư thì tôi tin rằng dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn sớm trở thành hiện thực”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết.


Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - Ảnh: Huyền Trâm.

Nhận định trên được Chủ tịch HoREA chia sẻ với BizLIVE bên lề Hội thảo mời gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị và các dự án kinh doanh bất động sản tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, do HoREA phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản Phát triển đô thị sinh thái hải ngoại (J-CODE) tổ chức chiều 3/3.

* Thưa ông, tại hội thảo có đề cập đến ý tưởng thực hiện dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn, vốn do tập đoàn Tuần Châu khởi xướng và được dư luận quan tâm thời gian qua. Ông đánh giá ra sao về tính khả thi cũng như những gì dự án mang lại nếu triển khai?

Hiệp hội rất đồng tình với Tập đoàn Tuần Châu về ý tưởng xây dựng Đại lộ ven sông Sài Gòn vì chúng ta tận dụng được lợi thế là bãi bồi ven sông, cho nên chi phí giải phóng mặt bằng rất thấp. Bãi bồi đó nếu chúng ta làm con đường trên ven sông sẽ tạo điều kiện kè bờ, chống xói lở bờ sông, làm đẹp cho bờ sông Sài Gòn. Và điều quan trọng là nó tạo điều kiện cho mọi người dân đều có thể tiếp cận cảnh quan sông Sài Gòn vốn rất đẹp.

Điều quan trọng ý tưởng Đại lộ ven sông Sài Gòn nếu thành hiện thực nó tăng thêm tuyến giao thông trục chính về phía Tây Bắc TP.HCM, phá thế độc đạo của Quốc lộ 22 tức đường Xuyên Á hiện nay. Có đại lộ ven sông kết nối với Quốc lộ 22, phát triển cả vùng Tây Bắc của thành phố gồm quận Gò Vấp, quận 12,  huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi. Không những thế còn giúp phát triển khu vực huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương; huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Với việc kết nối Quốc lộ 22, Đại lộ ven sông Sài Gòn tạo điều kiện phát triển khu đô thị Tây Bắc thành phố 9.000ha đã quy hoạch hơn 15 năm nay mà chưa thực hiện được.

Chúng ta cũng phát triển được phía Đông Bắc Củ Chi, Hóc Môn và phát triển qua Bình Dương. Từ trung tâm thành phố đi lên điểm cuối đại lộ là khu vực Bến Súc, Củ Chi chỉ trong phạm vi mất 50- 60 phút, trong khi hiện tại mất 2 tiếng rưỡi.

Hiện nay, Tập đoàn Tuần Châu và các doanh nghiệp của HoREA thống nhất sẽ cùng nhau thực hiện khi được cấp thẩm quyền chấp thuận, rất mong lãnh đạo thành phố đồng ý, đề nghị với Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ bổ sung tuyến đại lộ ven sông này vào quy hoạch.

Chúng tôi đánh giá rất cao ý tưởng này, mong Tập đoàn Tuần Châu cùng cộng đồng doanh nghiệp của cả nước, của thành phố phối hợp cùng làm theo phương thức xã hội hóa mời gọi đầu tư để Đại lộ ven sông Sài Gòn sớm trở thành hiện thực.

* Ông đánh giá ra sao về cơ hội hợp tác với phía Nhật Bản để triển khai dự án này?

Hiện nay, phía Nhật Bản họ lần đầu tiên được nghe ý tưởng về dự án này trong hội thảo hôm nay. Chúng tôi tin rằng phía doanh nghiệp nước bạn sẽ rất quan tâm bởi vì chúng ta biết rằng trong hiệp hội J-CODE của Nhật Bản có 57 doanh nghiệp, tập đoàn lớn, trong đó có những doanh nghiệp cực kỳ lớn.

Bên phía bạn đã có kinh nghiệm để chỉnh trang phát triển đô thị, chẳng hạn Tập đoàn Mitsubishi của ông Chủ tịch J-CODE là tập đoàn đã chỉnh trang khu trung tâm của thủ đô Tokyo ngay bên cạnh ga Tokyo.

Chúng tôi đã chứng kiến thành công của tập đoàn này khi chỉnh trang khu trung tâm đô thị Tokyo và chúng tôi cũng đi thăm một khu 225ha của ngoại ô Tokyo, làm theo phương thức chỉnh trang đô thị, tương tự cách như chúng ta đã làm cách đây 25 năm. Đó  là năm 1993 chúng ta thành công ở khu dân cư Xóm Cải, phường 8, quận 5. Phương thức làm của chúng ta và phương thức làm của bạn cũng tương đồng nhau cho nên chúng ta thấy hai bên có thể hợp tác với nhau hiệu quả.

Ý tưởng dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn hôm nay được trình bày tôi cho rằng phía bạn chắc chắn tiếp nhận thông tin và nghiên cứu.

Hiệp hội cũng đang đề nghị với lãnh đạo TP.HCM vào cuối tuần tới sẽ nghe chúng tôi trình bày về dự án. Chúng tôi kỳ vọng có một sự thay đổi nhưng vấn đề bây giờ pháp lý quan trọng nhất là bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển giao thông thành phố để được chấp nhận ý tưởng, từ đó đi tiếp các bước triển khai.

Điều quan trọng, chúng tôi chứng minh với lãnh đạo TP.HCM và Chính phủ đó là xã hội hóa để gọi vốn, tạo nguồn lực từ trong các cộng đồng doanh nghiệp là phương thức tối ưu.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE