"Khi đại lộ đông - tây hoàn thành, đó sẽ là con đường đẹp nhất TP.HCM và tôi mong ước mua được một căn nhà bên đại lộ này" - kỹ sư Hagiwara (Nhật), giám đốc công trường xây dựng đường dẫn vào hầm Thủ Thiêm đã tâm sự rất thật lòng như vậy.
Công trường xây dựng đại lộ đông - tây trải dài trên 23km đi qua tám quận, huyện còn rất ngổn ngang. Trên công trường này, hầm Thủ Thiêm có qui mô lớn nhất Đông Nam Á và đại lộ xuyên tâm TP.HCM đang lộ dần hình hài.
Sáng 30-4, trên công trường xây dựng đại lộ đông tây ở Thủ Thiêm (Q.2) có gần 200 công nhân và kỹ sư làm việc ở đường dẫn vào hầm Thủ Thiêm. Ông Trần Văn Hân, 31 tuổi, phụ trách công trường, cho biết các kỹ sư và công nhân không nghỉ lễ để làm kịp tiến độ đón nhận các đốt hầm Thủ Thiêm. Đến nay đường dẫn vào hầm Thủ Thiêm dài 535m đã có hơn 200m đường hoàn thành.
Ở sát bờ sông Sài Gòn chỉ có vài kỹ sư, công nhân kỹ thuật đứng trên mặt đất điều khiển thiết bị nén khí hoặc sử dụng máy gàu lấy đất từ dưới hầm đưa lên. Không khí làm việc sôi động nhất là ở dưới lòng đất sâu 21,5m - nơi có gần 50 công nhân kỹ thuật dùng máy đục đất hoặc lắp khung sắt thép để chuẩn bị đổ bêtông làm tường hầm. Không khí dưới lòng đất khá ẩm thấp, nhưng các công nhân nói "làm riết rồi quen". Đã có máy đo độ bụi, độ ẩm bảo đảm an toàn sức khỏe cho công nhân làm việc...
Trong tòa tháp thông gió cao vài chục mét, hàng chục công nhân đang bận rộn tô tường để hoàn chỉnh tòa tháp. Ông Trần Văn Hân nói đến nay công trình này đã đạt 90% khối lượng và dự kiến tháng 6-2008 hoàn thành. Theo ông Hân, cả hai tòa tháp được xây dựng ở hai bên hầm Thủ Thiêm phía Q.1 và Q.2 có hình dáng giống nhau, sẽ điều khiển thông gió cho toàn bộ hầm Thủ Thiêm và quan sát bằng camera xe lưu thông trong đường hầm.
Tăng giờ làm
Để kịp tiến độ lắp đặt hầm Thủ Thiêm vào quí 4-2008, các công nhân và kỹ sư không những làm tăng giờ mà có lúc làm việc 24/24 giờ. Ông Đào Xuân Ngọc, phó giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ đông - tây và môi trường nước TP.HCM, cho biết trên toàn tuyến công trường dài hơn 23km, trong đó xây dựng hầm Thủ Thiêm dài 1,49km. Vì vậy vào cao điểm đã huy động lực lượng lao đông trên công trường tăng lên 2.000 người, trong đó trên công trường xây dựng bốn đốt hầm Thủ Thiêm ở bể đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai) là 700 người.
Các cơ quan hữu quan cũng chuẩn bị phương án phân luồng giao thông trên tuyến hàng hải để kéo từng đốt hầm có chiều dài 92,4m, rộng 33m, cao 8,9m và nặng 25.000 tấn từ Nhơn Trạch theo dòng sông Sài Gòn về đến Thủ Thiêm dài 20km. Theo đó, các đốt hầm sẽ được bịt hai đầu, sau đó đưa nước sông vào bể đúc để các đốt hầm nổi lên mặt nước như cái phao và nhờ tàu lai dắt về Thủ Thiêm. Sau khi định vị từ vệ tinh, các đốt hầm này sẽ được hạ xuống đúng vị trí dưới đáy sông Sài Gòn.
Trên bến dưới thuyền
Công trình xây dựng hầm Thủ Thiêm (ảnh chụp chiều 1-5).
Các kỹ sư điều khiển máy nén khí
trên công trường xây dựng đường
dẫn vào hầm Thủ Thiêm sáng 30-4.
Những cột mốc
Ban quản lý dự án cho biết từ nay đến giữa năm 2009 phải hoàn thành nhiều công trình trên đại lộ đông tây. Cụ thể:
* 8-2008: hoàn thành cầu Rạch Nước Lên.
* 10-2008: hoàn thành cầu Chữ Y.
* 12-2008: hoàn thành cầu Khánh Hội, cầu Chà Và.
* 6-2009: hoàn thành cầu Calmette, quí 2 và 3-2009 hoàn thành các nút giao thông có cầu vượt ở ngã ba Cát Lái - xa lộ Hà Nội và nút giao thông ở Bình Chánh, hầm Thủ Thiêm sẽ được thông xe đến đường Trần Não phía Q.2.
* Quí 2-2010: thông xe toàn tuyến đại lộ đông - tây.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: