Top

Cuộc chơi đến hồi “đáo hạn”

Cập nhật 20/06/2008 16:00

Lãi suất ngân hàng tăng cao khiến sức cầu trên thị trường bất động sản (BĐS) tê liệt, bởi không ai đủ can đảm vay tiền ngân hàng để mua nhà trong thời điểm này.

“Không giống với thị trường địa ốc ở những nước phát triển (nguồn vốn kinh doanh BĐS được lấy từ quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí và các quỹ đầu tư là chính), tại Việt Nam, do thị trường tài chính chưa phát triển, nên nguồn vốn trong thị trường BĐS phụ thuộc hoàn toàn vào ngân hàng.

Việc lãi suất ngân hàng tăng cao thực sự là khó khăn chung cho tất cả doanh nghiệp kinh doanh BĐS cũng như những người có nhu cầu mua nhà, đất”, ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bất động sản Việt Nam (Vinaland) nhận xét.

Trả lời câu hỏi: “Lãi suất ngân hàng tăng cao, doanh nghiệp kinh doanh BĐS có thể phát hành trái phiếu không?”, ông Hoàng cho rằng, chỉ có những doanh nghiệp được hỗ trợ từ ngân hàng mới có khả năng phát hành trái phiếu.

Trong khi các chủ dự án đang loay hoay với bài toán lãi suất, thì các khách hàng cũng đắn đo hơn khi phải vay vốn ngân hàng để mua BĐS. Đại diện Trung tâm Giao dịch bất động sản Hà Nội cho biết, thị trường nhà đất đang rất trầm lắng. Giá nhà, đất nói chung đã giảm khoảng 20%.

Các giao dịch về nhà đất hầu như không diễn ra. Những khu vực sôi động vào thời điểm cuối năm 2007 và quý I/2008 như Văn Quán - Yên Phúc, Văn Phú, Văn Khê, Mỗ Lao, An Khánh, Trung Hòa - Nhân Chính, Mỹ Đình hiện cũng rất im ắng. Khách hàng đến hỏi giá với mục đích thăm dò là chính, còn các chủ đầu tư chỉ thi công cầm chừng, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải đình hoãn các dự án của mình.

“Chúng tôi đang chứng kiến sự chững lại của thị trường chung cư. Tỷ lệ giao dịch thành công thấp hơn nhiều so với giai đoạn sôi động của 6 tháng cuối năm 2007. Giá rao bán căn hộ tại Hà Nội đã giảm từ 15 đến 25% so với quý IV/2007”, ông Andrew Brown, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý bất động sản Jones Lang Lasalle Việt Nam nói và cho biết, đầu tư tài chính vào BĐS đã trở nên ít hấp dẫn và kém đảm bảo so với mức lãi suất huy động tiền gửi hiện tại của các ngân hàng.

Theo ông Andrew Brown, những nguyên nhân mang tính chủ quan khiến thị trường BĐS kém hấp dẫn như hiện nay là: các sản phẩm BĐS do chủ dự án tung ra thị trường dường như không có định hướng rõ ràng về phân khúc thị trường, đầu tư vào chiến lược phát triển sản phẩm và nghiên cứu thị trường đang bị nhiều nhà đầu tư trong nước bỏ qua, nhiều công ty BĐS còn non trẻ.

Trong khi có nhiều lời phàn nàn của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS là ngân hàng không nên đứng ngoài “cuộc chơi” của thị trường BĐS, thì phải công bằng mà nói rằng, không phải tự nhiên mà tiền mặt lại trở nên khan hiếm, lãi suất ngân hàng tăng cao và các ông chủ nhà băng trở nên khó khăn với các khoản vay đầu tư BĐS như hiện nay. Đó là do đã có một nguồn vốn không nhỏ còn tồn đọng trong hàng trăm dự án BĐS trên khắp cả nước đã xây xong mà không bán được. Cả người cho vay và người đi vay không ai muốn thừa nhận là, nhiều khả năng nguồn vốn từ những “món hàng” địa ốc đó sẽ tiếp tục bị “chôn” trong một thời gian dài nữa.

Thực tế trên là hệ lụy tất yếu của sự phát triển quá nóng của thị trường. Đã có lúc người ta chỉ cần “xin” được một mảnh đất nào đó và đến nhà băng vay tiền đầu tư, để rồi rất nhanh sau đó, khách hàng lại mang tiền đến cho họ để “được” ký vào các bản hợp đồng thảo sẵn mà người mua không hề được đặt ra một điều kiện nào. Nhưng “dục tốc, bất đạt”. Cuộc chơi của thị trường BĐS sau những giấc mơ hoa dường như đang dần đến hồi “đáo hạn”!

Theo Báo Đầu Tư