Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng.
Thực tế cho thấy, công tác quản lý nhà nước về đất đai hiện nay còn nhiều hạn chế, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, các thủ tục hành chính...
Lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng; nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn; thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch "ngầm" còn khá phổ biến; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp.
Ðể khắc phục những vấn đề trên, Ðiều 58, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nêu rõ: "Ðất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo quy hoạch và pháp luật. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn.
Người sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích; được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội". Ðây là một quy định quan trọng và phù hợp với thực tiễn, một mặt nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, mặt khác tạo điều kiện để mọi người dân và các thành phần kinh tế tham gia, khai thác và quản lý hiệu quả việc sử dụng đất, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Tuy nhiên, để quy định dễ hiểu hơn cần tách bạch hai phạm trù quyền lợi, nghĩa vụ của đối tượng sử dụng và quản lý về đất đai. Ðồng thời trong chế định này cũng cần khẳng định rõ đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra; trao quyền sử dụng đất và thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật.
Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn và có các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tùy theo từng loại đất và nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Ðể xác lập quyền của các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, luật pháp cũng cần quy định, công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác...
Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân. Tách bạch được các mối quan hệ nêu trên cùng với việc khi xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần cụ thể, tránh chồng chéo sẽ hạn chế được những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất đai do cách hiểu, cách vận dụng pháp luật khác nhau nên đã dẫn đến những cách giải quyết về đất đai khác nhau như trước đây và hiện nay mắc phải.
Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về đất đai để phù hợp với thực tiễn là một yêu cầu cấp bách và cần thiết, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý và sử dụng đất đai...
DiaOcOnline.vn - Theo Nhân Dân
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: