Với tổng đầu tư hơn 64 tỉ đồng trên diện tích 6.000m2, địa thế đẹp, nhưng qua sáu năm khai thác, công viên nước Đà Nẵng đang đứng trước tình trạng "dở sống dở chết", thu không đủ chi. Nhiều phương án "lột xác" cho khu vui chơi lớn nhất Đà Nẵng này đã được tính đến nhưng tất cả vẫn còn dang dở.
Tháng 1-2002, công viên nước Đà Nẵng được đưa vào phục vụ đã thổi một luồng sinh khí mới cho người dân TP. Hàng loạt trò chơi với chủ đề "nước" mới lạ đã phần nào đáp ứng được nhu cầu giải trí của người dân. Vào thời điểm này, đây được coi là công viên nước lớn nhất miền Trung. Thế nhưng chỉ được một thời gian đầu, sau đó công viên nước Đà Nẵng rơi vào tình cảnh ế ẩm, vắng khách triền miên.
Nhà đầu tư đến… rồi đi
Theo giám đốc công viên nước Đà Nẵng Ngô Trường Thọ, có nhiều khó khăn mà đơn vị quản lý đang phải đối mặt như loại hình vui chơi nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, các trò chơi quá đơn điệu không thu hút được khách. Trong khi đó dự án mở rộng lắp đặt thiết bị giai đoạn 2 với tổng vốn trên 8 tỉ đồng dù đã được nhập về nhưng không đưa vào lắp đặt (hiện số thiết bị này đang lưu tại kho của công viên nước - PV) đã làm công viên nước kém phần hấp dẫn. "Thêm vào đó thời gian gần đây công viên không được đầu tư nâng cấp trong khi các thiết bị vui chơi đã già cỗi, lạc hậu, thậm chí xuống cấp nghiêm trọng" - ông Thọ xác nhận.
Trước thực trạng "sống dở chết dở" này, chính quyền TP Đà Nẵng đã quyết định xã hội hóa bằng hình thức bán công viên nước. Hàng loạt nhà đầu tư đã nhảy vào tìm kiếm cơ hội như Công ty Trí Việt (Việt kiều Đức), Tập đoàn Maxxim (Thái Lan), Công ty Yujin Vana (Hàn Quốc), Tập đoàn CKT Inc. (Hoa Kỳ), Công ty du lịch Vườn Xanh (TP.HCM)...
Thế nhưng sau khi tìm hiểu dự án, tất cả đều lặng lẽ... rút lui. Lý do rút lui, theo ông Ngô Trường Thọ, là do việc định giá tài sản trên đất (nhà cửa, trang thiết bị vui chơi...) của công viên nước quá cao: 65 tỉ đồng (cao hơn 1 tỉ đồng so với vốn đầu tư ban đầu), còn nếu tính luôn giá trị đất thì số tiền ước lên đến gần 240 tỉ đồng. Thêm vào đó nhà đầu tư khi vào đầu tư phải giữ đúng công năng của một công viên. "Đây là yêu cầu đúng nhưng nhiều nhà đầu tư lại không thích nên đã rút lui" - ông Thọ cho biết.
Trở thành công viên mở?
Sẽ đập bỏ toàn bộ hàng rào quanh khu công viên nước, mở toang các cánh cửa biến nơi đây thành một công viên công cộng lớn nhất TP đang là nỗi khát khao của người dân Đà Nẵng vốn rất "đói" không gian giải trí như hiện nay.
Theo ông Ngô Trường Thọ, trong bối cảnh của Đà Nẵng hiện nay thì chủ trương xã hội hóa công viên nước theo hướng mở thành công viên công cộng là sự lựa chọn đúng đắn nhất. Bởi ngoài công viên 29-3, Đà Nẵng hiện không có một công viên mở nào đúng nghĩa. Vậy nên việc công viên nước trở thành công viên công cộng sẽ giúp người dân TP có thêm chỗ vui chơi giải trí mới.
Cũng theo đề xuất của lãnh đạo công viên nước, một phần diện tích lớn trong công viên nước sẽ phục vụ mục đích công cộng; người dân có thể tự do vào đó vui chơi, ngắm cảnh, hưởng thụ không gian xanh. Riêng với những dịch vụ trò chơi thì sẽ bán vé. Như vậy các nhà đầu tư sẽ có điều kiện "nhảy" vào đầu tư và các dịch vụ trò chơi sẽ luôn được làm mới, thu hút người có điều kiện đến chơi.
Tuy nhiên theo ông Thọ, tất cả mới dừng lại ý tưởng. Hiện vẫn chưa có một quyết định nào từ phía chính quyền nhằm "lột xác" công viên nước.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: