Một con đường dài hơn 60 km, trong đó có 14,5km cầu cạn chạy qua nhiều làng mạc, thị tứ của miền châu thổ sông Cửu Long đã bắt đầu nên hình nên dáng. Đó là trục đường cao tốc TPHCM - Trung Lương được khởi công xây dựng vào năm 2005, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2009.
39/60km đường cao tốc đúng nghĩa
Có vẻ buồn cười khi nói như vậy, bởi đường cao tốc… thì hẳn phải là đường cao tốc. Thế nhưng, trên thực tế nước ta đã có không ít con đường được coi là cao tốc, nhưng các phương tiện tham gia giao thông vẫn phải đi rất chậm! Chúng bị ngăn cản bởi những nút giao thông đồng mức hoặc những con đường ngang trái phép.
Hơn 60km của đường cao tốc TPHCM - Trung Lương cũng chưa phải tất cả đã thực sự đúng chuẩn cao tốc, mà chỉ có 39km đoạn từ Chợ Đệm đến nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang) mới là đường cao tốc đúng nghĩa. Trong 39km này hoàn toàn không có các nút giao đồng mức.
Nơi đây đã có những đường tránh riêng cho các phương tiện giao thông khi muốn lên, xuống đường cao tốc. Phần đường còn lại chưa thể làm được đường cao tốc đúng nghĩa, theo ông Đỗ Ngọc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận - chủ đầu tư công trình, chủ yếu do kinh phí quá lớn.
Ngày 3-2, công trường đường cao tốc TPHCM-Trung Lương đã bắt đầu rậm rịch tiếng máy thi công. Lúc chúng tôi đến công trường, vào khoảng 17 giờ 30 ngày 3-2, phần đường dẫn của 14,5km cầu cạn nằm trên địa phận tỉnh Long An vừa mới được trải nhựa. Mùi nhựa đường còn bốc lên nồng nặc.
Tại văn phòng Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, các cán bộ kỹ thuật có mặt khá đông đủ, ông Đỗ Ngọc Dũng cho biết, toàn công trình đã xong tới 80%. “Xe chỉ đạo thi công của Ban quản lý đã có thể chạy suốt tuyến để điều hành” - ông Dũng nói. Công việc còn lại trong năm 2009 chủ yếu là trải khoảng 700.000 tấn bê tông nhựa và 400.000m3 đá cho các trục đường để hoàn thiện.
Hiện nay, các mỏ đá ở Biên Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu phải chạy hết tốc lực để cung cấp đá cho công trường, song nhiều lúc vẫn không đáp ứng được. Nhiều nhà thầu đã phải tính đến chuyện xuống An Giang mua đá. Hiện nay, 14,5km cầu cạn cũng đã gác dầm, phần việc trong năm 2009 là làm lan can, lắp đặt hệ thống chiếu sáng.
Bài học về quản lý, thi công công trình
Bốn năm cho công tác giải phóng mặt bằng, thiết kế, thi công một con đường cao tốc dài chính xác 61km, trong đó có 14,5km cầu cạn và gần chục cây cầu vượt sông như cầu Tân An, cầu Bến Lức, cầu Sông Chùa, cầu Rạch Tam… là một thành tích đáng ghi nhận của Bộ Giao thông-Vận tải cùng toàn bộ ê-kíp chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát và nhà thầu thi công.
Công trình đã được “vẽ” khá khéo léo, nhiều đoạn tránh băng qua các khu dân cư đông đúc, mà đi vào các vùng đất trống hoặc các vùng nông nghiệp ít hiệu quả, để không đau đầu chuyện giải tỏa chỉ lo tái định cư cho 636 hộ dân phải giải tỏa trắng. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là câu chuyện hay nhất của dự án.
Theo ông Nguyễn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bê tông 620 Châu Thới - một trong những nhà thầu tham gia công trình xây dựng đường cao tốc TPHCM-Trung Lương, lực hút hiệu quả nhất chính là thi công công trình này luôn được thanh toán tiền rất nhanh.
“Ngay khi ký xong hợp đồng đã được ứng trước 10%/tổng giá trị hợp đồng. Thi công xong đến đâu được thanh toán ngay đến đấy, thậm chí khi vật tư, nhiên liệu phục vụ thi công tăng cao, nhà thầu kêu, chủ đầu tư cũng giải quyết gọn trong vòng 1 tháng” - ông Nguyễn Hùng nói. Đây có thể nói là nguồn sinh khí đặc biệt quan trọng giúp các nhà thầu thực hiện tốt công tác của mình.
Không chỉ có vậy, ông Hùng còn cho biết: “Việc được thanh toán đủ, kịp thời chi phí xây dựng ở công trình xây dựng đường cao tốc TPHCM-Trung Lương đã giúp cho không ít nhà thầu thi công thanh toán được nợ của các công trình cũ, vượt qua khó khăn, bước sang một giai đoạn phát triển mới”.
Được biết, toàn bộ chi phí cho công trình đã được giải ngân đến 6.553 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng năm 2008 đã giải ngân 2.133 tỷ đồng. Tổng kinh phí đầu tư của dự án là 9.800 tỷ đồng. Đến tháng 6-2009 dự kiến công trình sẽ đi hoạt động đoạn Tân Tạo-Chợ Đệm-Trung Lương; đến tháng 12-2009 hoàn tất thêm đoạn Bình Thuận-Chợ Đệm.
Tất nhiên, cũng không phải chỉ có niềm vui trên công trường thi công đường cao tốc TPHCM-Trung Lương. Hiện trên địa bàn TPHCM còn 35 hộ dân chưa di dời, giải tỏa. TPHCM đã “hạ quyết tâm” giải quyết xong vấn đề này vào cuối tháng 3-2009. Theo ông Dũng, nếu TPHCM đúng hẹn, thì công trình mới hoàn thành đúng kế hoạch được.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: