Sau khi quyết định “bêu tên” 38 dự án nợ tiền sử dụng đất, Cục thuế TP Hà Nội mới chỉ thu hồi được 219,4 tỷ đồng trên tổng số nợ hơn 2.267 tỷ đồng. Tức mới chỉ đạt gần 9,7% tổng số nợ cần thu hồi, chưa kể phần nợ đang được cơ cấu, gian hạn rất lớn.
Trước đó, để đôn đốc thu hồi nợ đọng, Cục Thuế TP Hà Nội đã công khai 38 dự án có nợ tiền sử dụng đất lớn, hơn 2.267 tỷ đồng (tính tới 30/6/2015). Sau động thái “bêu tên” chủ đầu tư, tình hình thu hồi nợ đọng của cơ quan thuế đã có chuyển biến khả quan.
Trả một phần, lại xin khất nợ !
Tính đến ngày 15/7, có 15/38 dự án thực hiện nộp nợ tiền sử dụng đất được tổng cộng 219,377 tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện mới đạt 9,67% tổng số nợ quá hạn cần thu hồi.
Hiện chỉ có 3 chủ dự án thực hiện nộp hết nợ tiền sử dụng đất, cụ thể: dự án Tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở tại số 265 Cầu Giấy (thuộc Công ty CP Hóa chất & Vật tư khoa học kỹ thuật) nộp hơn 93,2 tỷ đồng. Khu đất này có diện tích hơn 1ha, nằm ở vị trí đất “vàng” của quận Cầu Giấy, được thiết kế làm tòa tháp đôi cao 38-50 tầng. Nhưng mấy năm qua, dự án không được triển khai, mà khu đất bị bỏ không, sau đó cho thuê làm nhà hàng bia. Đến khi đổi chủ, dự án 265 Cầu Giấy mới nộp hết tiền sử dụng đất để đủ điều kiện được cấp phép xây dựng và huy động vốn.
Hai dự án tòa tháp trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở (thuộc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Việt Hà, Công ty Xây dựng và Kỹ thuật Việt Nam) đã nộp hết 20 tỷ đồng, công ty CP Đầu tư Đồng Phát cũng nộp toàn bộ 5,2 tỷ đồng nợ tiền đất của dự án nhà ở hỗn hợp cao tầng Đồng Phát Hoàng Mai (tại KCN Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Nhiều chủ đầu tư chây ỳ nợ tiền sử dụng đất và “bỏ rơi” dự án
|
Ngoài ra, một số dự án xin nộp phần tiền đất và cam kết tiến độ trả nợ, như: chủ dự án chung cư Vinafor tại Vạn Phúc (Hà Đông) đã nộp 5 tỷ đồng, còn nợ lại 1 tỷ đồng. Dự án này do Tổng công ty Lâm Nghiệp Việt Nam và Công ty CP Sông Đà 1.01 liên danh đầu tư.
Để câu giờ, không ít chủ dự án dùng chiêu xin giãn tiến độ và khất nợ tiền đất. Đơn cử, dự án Khu đô thị mới Phú Lương (do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Việt làm đại diện chủ đầu tư) vẫn chưa nộp 193,122 tỷ đồng tiền đất của đợt 1. Và hết 30/7/2015, chủ dự án tiếp tục phải trả nợ đợt 2 thêm 193,122 tỷ đồng trên tổng số nợ 1.544 tỷ đồng.
Hay, chủ dự án tòa nhà Diamond Flower (Handico 6 đầu tư) còn nợ 115 tỷ đồng tiền đất, song doanh nghiệp đã có công văn gửi cơ quan thuế xin khất nợ đến hết năm nay. Dù thực tế, chủ dự án có nguồn tiền lớn thu từ kinh doanh dự án này.
Người mua nhà bị “treo” sổ đỏ
Bà Nguyễn Thị Hải Yến - Trưởng phòng Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế TP Hà Nội) cho biết, các chủ dự án chậm nộp tiền sử dụng đất sẽ bị xử lý, xử phạt theo quy định hiện hành. Đơn cử: tiền phạt chậm nộp là 0,05%/ngày tính trên số tiền đất chậm nộp và số ngày chậm nộp. Nếu doanh nghiệp chây ỳ, cố tình không nộp thì cơ quan thuế sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế nhằm thu hồi nợ thuế.
Bà Yến cũng cảnh báo người mua nhà nên tìm hiểu kỹ thông tin, chủ dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước… Để hạn chế rủi ro, khách hàng không nên mua nhà tại dự án mà chủ đầu tư không chấp hành pháp luật, năng lực tài chính hạn chế, nợ đọng thuế, tiền đất… Vì nguy cơ rủi ro có thể thấy rõ là người mua nhà, đất nền tại các dự án nợ đọng tiền sử dụng đất là sẽ không được cấp sổ đỏ.
Thực tế, một số doanh nghiệp không có vốn, nợ đọng lớn vẫn đầu tư dàn trải và chiếm các dự án đất vàng. Như trường hợp Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Việt Hà, từ năm 2014, công ty này đã bị bêu tên nợ thuế 200 tỷ đồng. Công ty có hàng loạt dự án đẹp như dự án khu đô thị Tràng An tại Nghĩa Đô, dự án khu nhà ở hỗn hợp Việt Hà tại quận Từ Liêm, dự án trung tâm thương mại Lĩnh Lam, quận Hoàng Mai… đều triển khai dở dang, chậm tiến độ.
Ông Lê Thanh Nam, Trưởng phòng Quản lý đất đai (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, hiện còn 35 dự án vẫn có vướng mắc tài chính, nợ tiền sử dụng đất và có phân kỳ trả nợ. Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có Quyết định số 327 tháo gỡ khó khăn cho dự án còn vướng mắc tài chính.
“Theo Quyết định 327, chỉ dự án nào đã hoàn thành trước năm 2013, khách hàng đã nộp hết tiền cho chủ đầu tư thì mới xem xét, giải quyết cấp sổ đỏ cho dân. Còn chủ đầu tư vẫn sẽ bị xử lý theo quy định”- Ông Nam nói, chỉ rõ, từ năm 2013, những dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, dự án đã bán nhà và người dân về ở thì cũng không giải quyết cấp sổ đỏ.
Hơn nữa, những dự án xây dựng sai phép như sai hệ số xây dựng, vượt số tầng, số căn hộ… sẽ bị xử lý, nộp bổ sung nghĩa vụ tài chính cho nhà nước. Tất cả các dự án triển khai từ năm 2013 đến nay bắt buộc phải tuân thủ đúng các quy định về xây dựng đúng giấy phép, hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Nếu chủ đầu tư cố tình chây ỳ, thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành cưỡng chế, và biện pháp mạnh nhất là thu hồi dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: