Top

Cơ quan nhà nước nên được mua bán nhà, đất?

Cập nhật 05/04/2012 08:10

Hiện nay, tài sản nhà nước là nhà, đất tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phần lớn nằm ở những vị trí đắc địa ở các khu đô thị, trung tâm, có giá trị thương mại cao. Đây là khối tài sản rất lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng tài sản quốc gia.

Cơ quan nhà nước có nên tham gia mua bán nhà, đất ?


Phát biểu tại Hội thảo “Đề án Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020”, ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho rằng “Đây là sản phẩm của lịch sử để lại, tuy nhiên do chúng ta chậm sắp xếp, chuyển đổi lại nên đã dẫn đến việc một số đất đai, trụ sở làm việc bị sử dụng lãng phí, sai mục đích… dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước.

Các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn sử dụng đất dưới hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, mang nặng tính bao cấp. Nhiều DNNN có vị trí rất đắc địa, như trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại 75 Đinh Tiên Hoàng, Tổng công ty Đường sắt VN tại 136 Hàm Nghi, đối diện nhà hát lớn TP.HCM.

Trong khi đó, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, các cơ sở sản xuất kinh doanh của các DN nằm tại các trung tâm thành phố không còn phù hợp với việc phát triển quy hoạch đô thị, gây ô nhiễm và ùn tắc giao thông.

Tại hội thảo, GS Đặng Hùng Võ cho rằng : Vấn đề ở đây là câu chuyện về nhà công sản, về quyền đối với đất đai của các cơ quan hành chính sự nghiệp. Các cơ quan hành chính này cũng có nhu cầu bán đất, tài sản của mình để tìm vị trí khác tốt hơn, phù hợp với nhu cầu phát triển hơn.

Tuy nhiên, hiện nay cơ chế của chúng ta không cho phép cho bán nhưng cuối cùng thực tế là vẫn có thể bán đi, thông qua một DN trung gian. Tại Anh, chính phủ cho phép cơ quan hành chính sự nghiệp được bán và mua tài sản. Nhà nước chỉ giao đất lần đầu tiên, và từ đấy các cơ quan phải lo tiếp. Ở Việt Nam, chúng ta đưa ra cơ chế được thu hồi đất vì mục đích xây dựng cơ quan hành chính sự nghiệp và sau đó, loanh quanh, cơ quan này lại được bán, đổi cho DN. Đây thực ra là cách đi đường vòng, lấy đất của dân bán cho DN.

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là liệu có nên cho các cơ quan hành chính sự nghiệp tham gia thị trường bất động sản hay không ? Đây dĩ nhiên là câu chuyện lớn, dù đã nhiều nước trên thế giới thực hiện nhưng VN thì chưa. Tuy nhiên, vì chưa thực hiện nên đã nảy ra cách đi đường vòng một cách thiếu minh bạch.

Cơ chế có, nhưng vướng lợi ích riêng

Trên thực tế, để khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, Nhà nước đã sử dụng nhiều đòn bẩy kinh tế khuyến khích việc sắp xếp lại nhà, đất. Trong đó, viêc cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với đất giao không thu tiền sử dụng đất, thuê đất... là một cơ chế đặc thù vượt ngoài phạm vi pháp luật về đất đai.

Tuy nhiên, mặc dù các cơ chế chính sách tương đối đầy đủ thì việc triển khai lại chậm và chỉ mang tính hình thức, đối phó. Nhiều đơn vị, Bộ, ngành khi xem xét phương án chưa đặt lợi ích chung của toàn xã hội lên trên mà chủ yếu là để đối phó với cơ quan nhà nước để có thể giữ lại càng nhiều nhà, đất càng tốt. Vì thế, phương án đề xuất xử lý không phù hợp và khả thi, chỉ mang tính chất đối phó.

Mặt khác, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đem lại nhiều lợi nhuận, đặc biệt trong giai đoạn chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất chưa sát với giá thị trường, đem lại địa tô chênh lệch lớn, từ đó hấp dẫn nhiều cơ quan, DNNN tham gia vào lĩnh vực này, dẫn đến sao nhãng nhiệm vụ chính, giảm giá trị cốt lõi của DN, đồng thời tạo ra sự phát triển quá nóng cho thị trường bất động sản.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, trong quá trình sắp xếp lại đất đai công, cần phải hài hoà được các lợi ích. Lợi ích của Nhà nước, thị trường và người sử dụng cần phải đi liền nhau chứ không chỉ nghiêng về lợi ích của nhà kinh doanh hay Nhà nước.

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia